Hành động tắt tín hiệu giám sát - còn gọi là “hoạt động trong bóng tối” - của những tàu chở dầu thô có liên hệ với Nga đã tăng 600% so với trước khi xung đột bùng nổ, công ty tình báo Windward nói với CNN.
“Chúng tôi quan sát thấy hiện tượng tàu chở dầu Nga cố ý tắt tín hiệu để lách lệnh trừng phạt đã tăng vọt”, ông Ami Daniel - CEO của Windward, công ty chuyên dùng AI giám sát ngành công nghiệp hàng hải - nói. “Đội tàu Nga đang bắt đầu giấu giếm vị trí và hàng hóa xuất khẩu”.
Hiện tượng này không chỉ diễn ra với dầu thô. Các sản phẩm khác từ dầu mỏ cũng xuất hiện xu hướng tương tự, theo CNN.
Trong tuần bắt đầu từ ngày 12/3 đã có 33 lần tàu chở sản phẩm dầu mỏ và tàu hóa dầu của Nga “hoạt động trong bóng tối”, Windward cho biết. Con số này tăng 236% so với mức trung bình hàng tuần của 12 tháng trước đó.
Một tàu chở khí đốt hóa lỏng tại đảo Sakhalin, Nga. Ảnh: New York Times. |
“Những con tàu này muốn biến mất khỏi radar”
Theo quy ước quốc tế, các tàu thuyền như tàu chở dầu phải bật thiết bị phát tín hiệu gần như mọi lúc. Hành vi tắt hệ thống nhận diện tự động (AIS) của tàu trong nhiều giờ thường bị quan chức Mỹ xem là cách gian trá nhằm tránh lệnh trừng phạt.
“Hành vi làm gián đoạn hoặc thao túng AIS có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động phi pháp hoặc vi phạm lệnh trừng phạt”, Bộ Tài chính Mỹ viết trong bản khuyến cáo tháng 5/2020 gửi tới ngành hàng hải, năng lượng và kim loại.
Đương nhiên tàu bè có thể phải hoạt động trong bóng tối để đảm bảo an toàn, như khi đi qua vùng biển có hải tặc. Nhưng ông Daniel cho rằng đây không phải lý do tàu thuyền đang tắt AIS.
“Những con tàu này đang muốn biến mất khỏi radar. Từ phương diện đảm bảo thực thi thì đây là một dấu hiệu cảnh báo”, ông nói.
Trả lời CNN, một người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này “biết rõ về những thông tin trên”. Họ đang phối hợp với các đối tác để giám sát tàu thuyền khả nghi bằng “nhiều cách khác nhau” mà không dựa vào hệ thống tín hiệu.
Giới quan sát cũng từng bắt gặp hiện tượng tương tự trong thập kỷ qua, khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran, khiến việc mua dầu từ những nước này trở thành hành vi trái phép.
Hiện trường đổ nát sau trận oanh tạc của Nga tại Kharkiv, Ukraine. Ảnh: SIPA. |
“Nga đang học cách làm của Venezuela và Iran với một chút khác biệt nho nhỏ”, Andy Lipow, Chủ tịch hãng tư vấn Lipow Oil Associates, nói.
Khác biệt nhỏ mà ông Lipow nói đến là việc về phương diện chính thức, Nhà Trắng chỉ cấm nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ mà không cấm các nước khác mua nhiên liệu từ Nga.
Dù vậy, tâm lý ngại mang tiếng làm ăn với doanh nghiệp Nga và thái độ hoang mang trước rủi ro bị trừng phạt đã làm phát sinh tình trạng cấm vận trên thực tế. Điều này có thể giải thích việc các tàu treo cờ Nga gia tăng hoạt động trong bóng tối.
Từ góc độ người mua, họ có thể không muốn bị nói là đã mua dầu Nga trong lúc chiến sự ác liệt nổ ra tại Ukraine. Tương tự, các công ty vận chuyển có thể muốn tránh những ánh mắt nhòm ngó khi mình mua dầu thô Nga.
“Những con tàu này đang hoạt động ngầm vì sợ nếu làm ăn với doanh nghiệp Nga, họ sẽ bị cho vào danh sách đen một thời gian và sẽ không thể kiếm được mối làm ăn tương lai”, ông Lipow nói.
Dầu Nga đang đi đâu?
Theo ước tính của hãng nghiên cứu Rystad Energy, khoảng 1,2-1,5 triệu thùng dầu thô của Nga đã biến mất mỗi ngày trong 5 tuần kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine.
“Đích đến của lượng dầu thô xuất khẩu còn lại từ Nga ngày càng là một ‘ẩn số’”, Rystad Energy viết trong một báo cáo được công bố tuần này.
Hãng Rystad còn chỉ ra rằng lượng dầu bí ẩn này rơi vào khoảng 4,5 triệu thùng/ngày. Điều này đặt ra câu hỏi ai đang mua dầu của Nga.
Một giàn khoan dầu của Nga hoạt động tại Biển Baltic. Ảnh: Reuters. |
Giới phân tích cho biết có bằng chứng cho thấy các nhà máy luyện dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và sử dụng nhiều dầu nhất thế giới - đang bí mật mua nhiên liệu từ Nga.
Michael Tran, giám đốc quản lý chiến lược năng lượng toàn cầu của ngân hàng RBC Capital Markets, cho biết các trung tâm mua bán có thể đang mua và cất dầu Nga trong kho, bao gồm trên các “kho nổi” của những con tàu không cập bến.
Việc mua dầu Nga lúc này còn có nguyên nhân kinh tế. Trong khi nhu cầu về năng lượng vẫn rất cao, dầu thô Nga đang có giá giao dịch thấp hơn khoảng 30 USD so với dầu thô Brent - mức tiêu chuẩn thế giới.
“Người mua đang được giảm giá sâu”, ông Tran nói. “Điều này có lợi về kinh tế nếu bạn không quan tâm tới lệnh trừng phạt”.
Bên cạnh “hoạt động trong bóng tối”, hãng Windward còn thấy rằng một số tàu thuyền và công ty vẫn đang làm ăn với các tàu chở dầu có liên hệ với Nga. Những tàu này đang sử dụng phương thức chuyển dầu trực tiếp giữa hai tàu.
Giai đoạn sau khi Nga bị trừng phạt, Windward thấy rằng số lần tàu dầu Nga và các tàu khác thực hiện hoạt động chuyển tải trực tiếp với thời gian ít nhất 3 tiếng vẫn “tương đối bình thường”.
Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo phương thức chuyển dầu trực tiếp giữa hai tàu, đặc biệt khi thực hiện ban đêm hoặc ở những nơi có nguy cơ cao, “thường xuyên được dùng để tránh lệnh trừng phạt, thông qua việc che giấu nguồn gốc hoặc đích đến” của dầu, than đá và các nguyên liệu khác.