Bắt đầu từ sáng ngày 24/8, trụ sở của công ty đã được dọn dẹp, tiến hành thanh lý tài sản, đồ đạc. Sáng ngày 25/8, cầu thủ đầu tiên lên văn phòng làm giấy thanh lý là tiền vệ Nguyễn Hải Huy. Anh hết hợp đồng trong năm nay và sẽ chuyển đến một đội bóng khác.
Cầu thủ có thể chuyển đến CLB khác nhưng họ vẫn bị đội Quảng Ninh nợ tiền lương và lót tay. Tổng số tiền nợ từ 2019 đến nay lên tới 70 tỷ đồng theo lời Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng. Ví dụ như thủ môn Huỳnh Tuấn Linh của HAGL đang còn 1 tỷ đồng chưa được thanh toán.
Nhiều cầu thủ Quảng Ninh, trong đó có cả các tuyển thủ quốc gia và U22, chưa nhận lương, thưởng suốt nhiều tháng. Ảnh: Quang Thịnh. |
Theo tìm hiểu của Zing, Giám đốc CLB Nguyễn Anh Vũ đang làm việc với các cầu thủ để hoàn thành thủ tục trả đội bóng. Theo đó, CLB sẽ làm giấy thanh lý hợp đồng với tất cả cầu thủ để họ tìm đội bóng mới.
Số tiền nợ lương, thưởng, lót tay của từng cầu thủ sẽ được ghi ra giấy nợ. Trên cơ sở này, CLB hứa sẽ trả lương cho họ trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, công ty phát đi thông báo tạm dừng hoạt động một năm để giải quyết thủ tục trả lại tỉnh Quảng Ninh.
Một số cầu thủ đã tìm luật sư tư vấn và theo vụ việc này để bảo vệ quyền lợi của mình. "Chúng tôi đã thuê luật sư rồi nhưng cũng không biết sẽ ra sao", một nội binh của đội bóng than thở. Các ngoại binh đang ở nước ngoài sẽ làm thủ tục qua email.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, người thường xuyên tham gia các vụ tranh chấp của thể thao Việt Nam, nói với Zing: "Nếu doanh nghiệp (công ty) tuyên bố phá sản theo thủ tục tố tụng của tòa án, họ không còn tài sản thì chủ nợ (cầu thủ) có nguy cơ mất số tiền thưởng, lót tay. Đây là quan hệ dân sự. Nếu không có dấu hiệu phạm tội, vụ việc sẽ giải quyết theo luật phá sản".
Ông Chánh lý giải quy trình thực hiện luật phá sản: Sau khi tòa án thụ lý đơn, họ sẽ tiến hành một số thủ tục tố tụng trong đó có triệu tập hội nghị chủ nợ. Chủ sợ sẽ tìm phương án, đề nghị đình chỉ phá sản, áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc đề nghị công ty tuyên bố phá sản.
Nếu như sau khi ký giấy nợ với các cầu thủ, CLB Quảng Ninh không thể phục hồi kinh doanh thì họ sẽ tuyên bố phá sản. Bước đầu tiên của tuyên bố phá sản là thanh lý tài sản, khâu mà công ty này đang làm. Sau đó, công ty phân chia tiền bán tài sản theo thứ tự. Doanh nghiệp không còn tài sản, không còn gì để thi hành án.
Người môi giới Nguyễn Minh Châu tin rằng chỉ có kiện lên FIFA thì cầu thủ mới có cơ hội hội lấy tiền nợ từ CLB Quảng Ninh. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Châu, người môi giới cầu thủ ở V.League, cho rằng cầu thủ không nên ký giấy thanh lý ở thời điểm này dù kèm theo là giấy cam kết trả nợ của đội bóng. Giấy ghi nợ giữa công ty với cầu thủ không phải là cơ sở để kiện lên FIFA.
"Lời khuyên của tôi là cầu thủ nên giữ bản chính hợp đồng và các phụ lục, các thỏa ước có chữ ký. Đó là chứng cứ duy nhất để làm cơ sở gửi đơn kiện lên FIFA và CAS (Tòa án Trọng tài Thể thao). FIFA không căn cứ vào giấy nợ", ông nói.
Theo ông Châu, cầu thủ căn cứ vào thời gian nợ lương (đơn yêu cầu trả lương) để báo cáo lên FIFA và xin cấp giấy chuyển nhượng tạm thời. Thủ môn Đặng Văn Lâm từng làm tương tự và được FIFA chấp thuận cho chuyển từ Muangthong United sang Cerezo Osaka.
"FIFA sẽ yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam báo cáo sự việc và CLB Quảng Ninh phải giải trình trước khi muốn thay đổi hay chuyển giao công ty. Nếu đồng ý ký vào giấy thanh lý, cầu thủ cầm chắc 50% phần thua. FIFA cho rằng 2 bên đã có thỏa thuận trước khi kiện", ông Châu nhấn mạnh.
Luật sư Chánh và ông Châu đều cho rằng khi CLB Quảng Ninh còn "sống" thì cầu thủ còn cơ hội lấy lại tiền. Tuy nhiên, cầu thủ đã để vấn đề này diễn ra trong thời gian hơn 2 năm dẫn đến số nợ quá lớn. Khi CLB Quảng Ninh đã tuyên bố dừng hoạt động, cơ hội cho các cầu thủ không còn nhiều.