Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khởi đầu vất vả của thầy Park với U23 Việt Nam

Sau trận thắng 1-0 trước U23 Đài Loan (Trung Quốc), sự khởi đầu của thầy Park với U23 Việt Nam báo hiệu không ít khó khăn.

Phân tích

60 phút đầu và 30 phút cuối có thể coi là 2 gương mặt của U23 Việt Nam, một dàn cầu thủ được kỳ vọng sẽ trở thành lứa “gối vụ” không xa cho những Quế Ngọc Hải, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn trên đội tuyển.

u23 viet nam anh 1

Đội hình xuất phát đã bất lực trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng của U23 Đài Loan (Trung Quốc) và phải chờ đến những phép hoán đổi của thầy Park, chúng ta mới giành được 3 điểm.

Nhìn chung, lứa cầu thủ này vẫn kịp lóe lên những điểm sáng tương lai.

u23 viet nam anh 2

Hữu Thắng và các đồng đội chơi bế tắc trong hiệp 1. Ảnh: VFF.

Những khó khăn hiện hữu

Mặt sân xấu là nguyên nhân khiến U23 Việt Nam gặp trở ngại khi thực hiện các pha phối hợp nhỏ và trung bình, vũ khí chủ lực mà ban huấn luyện “nhồi” cho cầu thủ trong thời gian HLV Park Hang-seo chưa tiếp quản. Trên mặt sân đó, lối chơi tử thủ của U23 Đài Loan (Trung Quốc) đương nhiên sẽ dễ triển khai hơn cách đá tấn công của chúng ta.

Nhưng kỹ thuật cá nhân và sự đồng điệu nhóm mới chính là thứ mà các học trò của ông Park còn hạn chế. Đội bóng áo đỏ làm chủ thế trận, cầm bóng hầu hết thời gian hiệp 1, nhưng các cơ hội thực sự nguy hiểm không được tạo ra. Pha bóng ấn tượng gần như duy nhất là cú đánh đầu của Trần Văn Đạt dội xà sau đường tạt bổng từ cánh trái.

Tạt cánh đánh đầu vốn không phải là miếng chiến thuật quen dùng của U23 Việt Nam. Chúng ta thường chỉ sử dụng nó trong những tình huống cố định để tận dụng chiều cao của những trung vệ như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình và tiền đạo chủ công Lê Xuân Tú. Tuy nhiên, cách đánh chặn từ xa và phòng thủ co cụm trước vòng cấm của U23 Đài Loan khiến các đợt lên bóng tầm thấp của chúng ta đi vào ngõ cụt.

Thầy Park không quá mạo hiểm khi bố trí lực lượng tấn công vừa đủ, lao lên ở hai cánh nhưng vẫn đảm bảo các chốt chặn ở trung tuyến. Đó cũng là lý do khiến U23 Việt Nam không tạo được áp lực đủ mạnh và liên tục để khiến chiếc xe bus của đối thủ bị lung lay.

Tốc độ và sự đột biến cũng là yếu tố mà nhà cầm quân Hàn Quốc không thể hài lòng. Các nhân tố đá chính như Mai Xuân Quyết, Lý Công Hoàng Anh, Nguyễn Hữu Thắng không đủ nhanh, không đủ đa dạng và cũng không đủ sẵn sàng tiếp ứng những đường bóng dội ra. U23 Đài Loan nhờ thế dễ dàng ổn định lại cự ly đội hình và giữ được nền thể lực để đeo bám chúng ta cho đến hết trận, dù họ ở thế hoàn toàn bị động.

Một vấn đề nữa cũng đáng lo ngại là cách triển khai bóng từ tuyến dưới. Trong 3 trung vệ của ông Park, Bùi Hoàng Việt Anh nhận thẻ vàng không đáng có (và suýt nữa phải trả giá đắt vì động tác thừa ngay trước khi hết trận), Nguyễn Thanh Bình chơi tròn vai trong bối cảnh đối phương không có cơ hội phản công, người còn lại là Liễu Quang Vinh tỏ ra nóng vội ở cuối hiệp 1 dẫn đến những đường chuyền sai nguy hiểm. Nếu đối thủ của chúng ta có kỹ năng tận dụng tốt hơn, những sai lầm như vậy sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

u23 viet nam anh 3

Hai Long là điểm sáng trong lối chơi của U23 Việt Nam. Ảnh: VFF.

Những hy vọng xa xôi

Bản thân HLV Park Hang-seo cũng không hài lòng với màn trình diễn của đội nhà. Nhưng người hâm mộ và giới chuyên môn cần kiên nhẫn hơn và có sự đồng cảm hơn với lứa cầu thủ này của U23 Việt Nam.

Họ không phải là Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng, Duy Mạnh, Đình Trọng…, những người khi khoác áo U23 đã có cả một quá trình dạn dày kinh nghiệm quốc tế và có vị trí thường xuyên ở V.League. Họ chỉ là những cái tên còn lạ lẫm, hầu hết chưa có suất chính ở CLB và vài gương mặt hiếm hoi khi lên đội tuyển lớn bị trả về (Lê Văn Xuân, Việt Anh) hoặc mắc lỗi (Thanh Bình).

Họ cần thêm nhiều giải đấu nữa để tích lũy, để hiểu nhau, và cũng là để những người như ông Park hiểu thêm về họ. Ông Park nhận trách nhiệm cầm thêm đội U23 cũng giống như “vừa xay lúa vừa ẵm em”, ông cũng phải có thêm thời gian để thấm nhuần mọi thứ liên quan đến chuyên môn, tâm lý, điểm mạnh, yếu của từng cầu thủ, từ đó mới có được cách bài binh bố trận.

Điều đáng ghi nhận là những thay đổi của ông Park ở nửa cuối trận đấu đã mang lại điểm số cần thiết, và quan trọng hơn cả là sắc diện mới cho U23 Việt Nam. Trần Bảo Toàn, Nguyễn Hai Long, Nhâm Mạnh Dũng hay Nguyễn Trần Việt Cường vào sân từ ghế dự bị, đã giúp chúng ta có những miếng đánh trực diện hơn, tung ra nhiều cú dứt điểm hơn và dồn bóng đến gần hơn cầu môn của U23 Đài Loan

Trong những cái tên được tung vào, Hai Long chính là người nổi bật hơn cả. Tân binh của CLB Hà Nội với kỹ năng chạy chỗ thông minh, chọn khoảng trống tốt đã có cho mình một cú sút và đường kiến tạo thuận lợi để Lê Văn Xuân ghi bàn duy nhất. Đó cũng là điểm sáng hiếm hoi trong trận cầu bị xé vụn từ đầu đến cuối.

3 điểm cho U23 Việt Nam có thể là kết cục đáng tiếc cho nỗ lực của U23 Đài Loan, nhưng nó cũng phản ánh chính xác năng lực còn đang tiềm ẩn của các học trò thầy Park. Ở tuổi U23, không phải đội bóng nào cũng có thể vận hành nhuần nhuyễn nhờ đẳng cấp và sự trưởng thành.

U23 Việt Nam sẵn sàng cho trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo tập nhẹ vào sáng 26/10 để chuẩn bị cho trận ra quân tại bảng I vòng loại U23 châu Á 2022 gặp Đài Loan (Trung Quốc).

Những trụ cột kinh nghiệm nhất ở U23 Việt Nam

Thủ môn Văn Toản, hậu vệ Việt Anh và cặp tiền vệ Văn Công - Hoàng Anh nhiều khả năng đá chính ở vòng loại U23 châu Á 2022 nhờ kinh nghiệm thi đấu tại V.League.

U23 Việt Nam thắng chật vật U23 Đài Loan

U23 Việt Nam cần khoảnh khắc tỏa sáng của Văn Xuân để thắng trận đầu vòng loại U23 châu Á 2022 chiều 27/10.

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm