Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, bất chấp kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến. Ảnh: Loren Elliott/Bloomberg. |
Những dữ liệu mới nhất về lạm phát và nền kinh tế đã khiến các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bối rối về việc họ nên cắt giảm lãi suất khi nào và bao nhiêu.
Trong các bài phát biểu gần đây, các quan chức Fed đã bị chia rẽ về cách giải thích các báo cáo cho thấy nền kinh tế có khả năng chống lại tác động của lãi suất cao kéo dài.
Lạm phát của Mỹ đang cao hơn mục tiêu 2% mà Fed mong muốn, trong khi thị trường việc làm ổn định và người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục chi tiêu như thể "không có ngày mai".
Tìm kiếm niềm tin lạm phát sẽ giảm
Các quan chức Fed phải đối mặt với quyết định khi nào nên cắt giảm lãi suất quỹ liên bang. Mức lãi suất cao ở 5,25-5,5% đã được Fed áp dụng từ hồi tháng 7 năm ngoái tới hiện tại, cũng là mức cao nhất trong vòng 23 năm qua.
Lãi suất cao đang giúp Fed đẩy chi phí đi vay đối với thẻ tín dụng, thế chấp và tất cả các loại khoản vay khác. Điều này giúp làm chậm nền kinh tế Mỹ và hạ nhiệt lạm phát.
Nhiệm vụ của Fed mà Quốc hội Mỹ giao là sử dụng chính sách tiền tệ để đảm bảo giá cả và thị trường lao động ổn định - những mục tiêu đôi khi xung đột với nhau.
Lạm phát của Mỹ hiện đã giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm ghi nhận được trong năm 2022. Fed đang cân nhắc vì giữ lãi suất ở mức cao có thể gây ra khủng hoảng kinh tế.
Giải pháp thay thế là cắt giảm lãi suất, nhưng lại tiềm tàng rủi ro khiến nền kinh tế Mỹ trở nên "nóng" hơn và lạm phát bùng phát trở lại.
Fed đang cân nhắc rủi ro trong việc giữ lãi suất ở mức cao, có khả năng gây ra khủng hoảng kinh tế. Ảnh: Bankrate. |
Xung đột quan điểm giữa các quan chức Fed
Các quan chức Fed đang đưa ra luận điểm khác nhau liên quan tới việc thay đổi chính sách tiền tệ. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát biểu về 3 lần cắt giảm lãi suất mà ông nghĩ là cần thiết trong năm nay. Nhưng các quan chức khác của Fed không đồng tình.
Mary Daly, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco cho rằng 3 lần cắt giảm lãi suất là “cơ sở rất hợp lý” khi được hỏi về kế hoạch điều chỉnh lãi suất tại một sự kiện ở Las Vegas.
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng Fed có thể giữ lãi suất cao hơn nếu lạm phát vẫn ở mức cao hoặc cắt giảm lãi suất sớm hơn nếu thị trường lao động bắt đầu chững lại.
Trong khi đó, Raphael Bostic, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta lại nhìn nhận chỉ có một đợt cắt giảm lãi suất có khả năng xảy ra và sẽ diễn ra trong quý IV năm nay.
“Nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi và GDP của Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, việc làm ổn định và lạm phát giảm chậm trong suốt cả năm, tôi nghĩ sẽ là phù hợp nếu chính sách giảm tốc ở mức độ chậm. Cuối năm nay, cụ thể vào quý IV và duy nhất một đợt cắt giảm là phù hợp”, ông nói.
Tuần trước, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết những con số kinh tế gần đây đã khiến ông đẩy lùi kỳ vọng về thời điểm cắt giảm lãi suất sắp tới.
“Dữ liệu kinh tế mới vào đầu năm đã củng cố quan điểm của tôi rằng không cần phải vội vàng cắt giảm lãi suất. Nó khiến tôi cho rằng nên giữ sự thận trọng lâu hơn so với kế hoạch trước đây để giúp lạm phát đi theo quỹ đạo bền vững ở mức 2%”, Thống đốc Fed chia sẻ.
Một số nhà quan sát cho rằng sự bất đồng ngày càng tăng giữa các nhà hoạch định chính sách trong các phát biểu công khai gần đây khiến việc dự đoán triển vọng lãi suất của thị trường trở nên u ám hơn.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.