Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá lại phong tục ngày Tết

Thông qua các cuốn sách của mình, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đem đến nhiều câu chuyện lý thú về các phong tục dịp Tết.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (sinh năm 1952) là cái tên quen thuộc trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa Nam bộ. Ông cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về phong tục tập quán, văn hóa dân gian như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Câu chuyện văn hóa, Khảo luận về Tết…

Trong buổi toạ đàm "Ngàn năm phong hóa Tết" tại Đường sách Cao Lãnh (Đồng Tháp) ngày 3/2, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đem đến nhiều câu chuyện lý thú về các phong tục dịp Tết.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, khi truy nguyên về những tục lệ thường thấy trong dịp Tết như cúng ông Táo, dựng cây Nêu, rước ông bà… điều bất bất ngờ là có rất nhiều câu chuyện li kỳ, phải suy luận mới thấy được những ý nghĩa, thông tin đặc biệt. Tuy có nhiều dị bản, song những câu chuyện lại thường nhất quán, cho thấy mỗi công việc mà người xưa đặt ra đã có ngụ ý sâu sắc và không hề tùy tiện.

Bà Táo giữ vai trò quan trọng trong ngày Tết

Tết bắt nguồn từ một tiết nhật lớn trong năm, chủ yếu hình thành như một nghi lễ nông nghiệp. Thời xưa, con người còn lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, do đó các hoạt động của con người, bao gồm cả các phong tục ngày Tết, vẫn thường mang tính mô phỏng theo các ý đồ của vũ trụ.

Huynh Ngoc Trang anh 1

Tranh màu nước vẽ ba vị Táo Quân trong văn hóa truyền thống Việt Nam của họa sĩ Đoàn Thành Lộc. Ảnh: Rio Lam/Wikipedia.

Tục cúng ông Táo - một trong những nghi thức truyền thống trong văn hóa dân gian Việt Nam vào ngày 23 tháng Chạp - cũng mang ý nghĩa đó. Theo quan niệm dân gian, vị thần này có 2 công năng: “Hữu đức năng ti hỏa” (kiểm soát ngọn lửa) và “Vô tư khả đạt thiên” (tâu công tội của từng gia đình). Theo thời gian, khi con người dần kiểm soát được ngọn lửa trong gia đình, chức năng ti hỏa không còn được xem trọng.

“Đến nay, chúng ta gọi là ông Táo, cúng ông Táo, nhưng nhân vật quan trọng nhất trong tập thành mà chúng ta gọi là ông Táo này lại chính là bà Táo - người phụ nữ. Điều đó khiến chúng ta phải xem xét lại”, nhà nghiên cứu chia sẻ.

Ông cho biết khi quan sát một số dân tộc ở vùng Tây Bắc, các nhà nghiên cứu nhận thấy ngoài người Mường, một số tộc người vẫn còn giữ tục thờ một vị được gọi Độc chủ, đứng trước 3 người đàn ông đội một chiếc nồi trên đầu. “Bà mẹ lửa thực chất là tổ mẫu thị tộc, theo chế độ mẫu hệ nơi phụ nữ được đứng hàng đầu. Đây là một công việc nghiên cứu lâu dài, biện sự nhiều thứ và dẫn đến nhiều dữ liệu”, ông nói.

Chính vì vậy mà khi truy cứu về thời xưa, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng người phụ nữ, người phụ trách trông coi chuyện bếp lửa mới là người giữ vai trò quan trọng hơn trong tục cúng ông Táo.

Nguồn gốc cây nêu ngày Tết

Tục cũ, cứ đến Tết, nhà nhà đều trồng cây nêu trước sân, rồi mới tiến hành lễ Tết và đến mùng bảy thì hạ nêu. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, cây nêu được coi là biểu trưng của vũ trụ nối kết cõi đất, cõi người và cõi trời. Chính vì vậy mà cây nêu cũng được coi là trục của thế giới, làm trung tâm vì nhờ nó mà thiết lập quan hệ Trời - Đất.

Nhưng khi nói về nguồn gốc của cây nêu ngày Tết, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cũng đưa ra nhiều sự tương đồng giữa Việt Nam và nhiều vùng đất khác. Chẳng hạn, sự tích Cây nêu ngày Tết ở Việt Nam kể rằng thủa xưa, khi Quỷ chiếm đoạt toàn bộ cõi đất, Đức Phật đã giúp con người đuổi Quỷ đi bằng cách bóng của một chiếc áo cà sa che kín cõi đất. Nhưng hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán, Quỷ lại trở vào thăm vùng đất xưa, vì thế người ta trồng cây nêu để cho Quỷ không dám bén mảng đến chỗ người ở.

Huynh Ngoc Trang anh 2

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (bên phải) trong buổi tọa đàm “Ngàn năm phong hóa Tết” tại Đường sách Cao Lãnh. Ảnh: Thanh Trần.

Câu chuyện này có sự tương đồng với Sự tích lá phướn cá sấu (ton krapơ) của người Khmer, khi Đức Phật giúp con người giành được cõi đất để canh tác từ tay của Krông Bali - chúa quỷ vốn là chủ của toàn bộ cõi đại địa. Hay trong thần thoại Ấn độ cũng có truyện kể thần Vishnu đã hóa thân thành người lùn Vamana đến thỉnh cầu vua Maha Bali cho mình được một khoảng đất rộng 3 bước chân.

Từ đó, vua Maha Bali phải sống ở cõi âm phủ Patala nhưng được thăm xứ sở cũ của mình một lần trong năm để đảm bảo rằng người dân vẫn sống hạnh phúc. Đó là lý do hàng năm người dân ở Kerala mở hội Onam, chào đón sự trở về của Maha Bali - vị vua huyền thoại của một thời hoàng kim trong quá khứ.

Tuy có nhiều phiên bản, song tất cả đều cho thấy cây nêu như một biểu trưng của trục vũ trụ. Cây nêu vốn được được thiết lập vào dịp lễ hội gắn với chu kỳ mùa vụ nông nghiệp của cộng đồng. Về sau, do sự thay đổi của tiến trình lịch sử và ảnh hưởng của tôn giáo, cây nêu còn được gắn với công năng khác là nơi treo các linh vật, bùa chú nằm trấn yểm, trừ khử tà ma… vào thời khắc chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới.

Đưa ra nhiều ví dụ về sự thay đổi trong phong tục Việt Nam cũng như những điểm giao thoa văn hóa với các vùng khác, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng Tết cũng như các lễ hội khác, không ngừng đổi mới, không nằm ngoài quy luật thay đổi theo thời gian.

Hệ quả là có những cái còn bảo lưu, có những cái đã mai một và những cái được đổi mới. Bàn về một số phong tục ngày Tết, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ: “Về phong tục ngày Tết có lẽ ai cũng biết và thưởng thức. Tôi chỉ nói những chuyện truy nguyên một chút về nguồn cội của những tập tục đó”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Trước khi đề xuất bỏ Tết ta, cần cái nhìn sâu về văn hóa

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, chúng ta cần có một cái nhìn thoáng hơn với văn hóa bởi văn hóa không phải là bất biến mà thực chất luôn có sự thay đổi.

Tết xưa và nay khác nhau nhiều

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng ngày xưa người ta tụ về quê chúc Tết cha mẹ, thăm bà con, bây giờ cũng có người cho rằng Tết là thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm