Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng. Ảnh: Thanh Trần. |
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, là nghiên cứu viên của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM, nay đã về hưu. Qua hơn nửa đời nghiên cứu và sưu tầm văn hóa dân gian khắp cả nước, đặc biệt là văn hóa Nam bộ, ông đã cho ra mắt nhiều công trình nghiên cứu và hơn 100 tác phẩm về phong tục tập quán, văn hóa dân gian như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Câu chuyện văn hóa, Khảo luận về Tết…
Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, ông chia sẻ với Zing về câu chuyện văn hóa Tết, những thay đổi trong Tết xưa và nay, đồng thời cung cấp một góc nhìn về sự chuyển động của văn hóa.
- Từ xưa Tết có vai trò như thế nào trong đời sống của chúng ta?
- Kéo dài qua thời gian, Tết là sự tổng hợp lễ tiết mang tính tập hợp, bao gồm tế tự, vui chơi, đoàn tụ, tập hợp cộng đồng, tận hưởng thành tựu lao động và tham gia các hoạt động vui chơi.
Nói ngắn gọn, Tết nói riêng và lễ tiết ngày xưa nói chung có 3 chức năng chính là tế tự, vui chơi và kết nối cộng đồng. Tết ngày xưa xuất phát từ lễ tiết nông nghiệp nên chức năng tế tự là chủ yếu, người dân tập trung quanh một vật thiêng ở trung tâm để ăn Tết. Bây giờ chức năng tế tự yếu đi, tuy vẫn giữ những tập tục nhưng không còn được như trước.
- Vậy chức năng nào của Tết vẫn còn giữ được sự phù hợp với đời sống hiện đại?
- Hiện nay, chức năng kết nối cộng đồng là chức năng quan trọng nhất. Thậm chí nhu cầu làm ấm lại các mối quan hệ, kết nối sợi dây thiêng liêng của cộng đồng, trước hết là dòng họ, gia đình, tộc họ được đẩy lên cao hơn trước.
Một gia đình đón Tết. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bởi vì ngày xưa gia đình ở trong cộng đồng. Khái niệm gia đình cũng là cái gì đó rất lớn, tứ đại đồng đường, 4-5 thế hệ cùng ở chung với nhau. Sau này, sự xuất hiện của những phương tiện di chuyển làm tan rã hình thức của gia đình cũ đi. Bây giờ ở đô thị chủ yếu là gia đình cơ bản gồm cha mẹ và con cái. Gia tộc cũng trở nên xa rời hơn, mối quan hệ thân tộc cũng vì thế mà tan rã. Do đó, Tết ngày nay chủ yếu là dịp để trở về, đoàn viên, sưởi ấm lại mối liên kết trong gia đình, thân tộc.
- Những chức năng khác của Tết hiện nay thì như thế nào?
- Tế tự hiện nay vẫn còn nhưng đã đơn giản hơn. Ngày trước con người xem mình như một thành tố của vũ trụ và rất coi trọng phần thiêng liêng bên trên. Ngày nay, có thể người ta còn tín ngưỡng rằng ông bà vẫn hiện diện, có phán xét và phù hộ, nhưng chủ yếu việc cúng giỗ, tế tự ông bà mang ý nghĩa tưởng niệm nhiều hơn. Tức là việc nhớ tới ông bà mang giá trị văn hóa hơn là tín ngưỡng.
Ngoài ra, khi cúng Giao thừa chúng ta vẫn nhớ tới Thiên thần, nhưng chủ yếu giữ như một tập tục. Tùy theo từng gia đình, từng vùng miền mà cái phần tín ngưỡng cũng giảm đi ít nhiều.
Các chức năng khác của Tết như vui chơi, trước đây chủ yếu là các trò chơi dân gian. Bây giờ nhiều người chọn đi du lịch, đó là một cách vui chơi rất khác. Ngày xưa người ta tụ về quê chúc Tết cha mẹ, thăm bà con trong cộng đồng. Bây giờ cũng có người cho rằng Tết là thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch. Chưa kể bây giờ giới trẻ thấy việc cúng kiếng là phiền nhiễu, vì vậy, có thể nói Tết xưa và nay khác nhau nhiều.
- Theo ông, vì sao có những thay đổi như vậy?
- Xã hội của mình từ đầu thế kỷ 20 đã bước ra khỏi truyền thống và di sản, đặt nền tảng cho sự chọn lựa. Và càng lúc xã hội hiện đại càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự tự quyết, bao gồm tự quyết về mặt văn hóa, vì thế có những thứ không còn giữ được như trước.
Vậy sự biểu quyết như vậy bắt nguồn từ đâu? Cơ sở trước hết là trên khoa học, duy vật và duy lý. Ý nghĩa của các tập tục cũng được duy trì theo hướng duy lý. Vì thế, việc cúng ông bà hiện nay mang ý nghĩa văn hóa hơn là ý nghĩa tín ngưỡng. Nói cách khác, nó mang ý nghĩa tưởng niệm, kỷ niệm nhiều hơn là sự lệ thuộc hay là cầu xin sự ban ơn từ thế lực tự nhiên. Thờ cúng, kính trời kính đất, kính tổ tiên để nhớ rằng con người sinh ra giữa trời đất, có cha mẹ, có ông bà, như kiểu uống nước nhớ nguồn vậy.
Mâm cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Ảnh: Nhung Ngo. |
- Từ xưa đến nay, sự thay đổi ấy thường diễn ra như thế nào, ông có thể lấy ví dụ?
- Có nhiều ví dụ, nhưng thử lấy ví dụ về tục thờ ông Táo. Tập tục thờ ông Táo khởi đầu từ tín ngưỡng thờ lửa của gia đình. Hầu hết sách vở viết về tục thờ ông Táo có nhắc “Đăng Trù tư mị, Táo phủ thần quân”. Ngày xưa, ông Táo có hai công năng. Một là “hữu đức năng ty hỏa”, tức ông Táo là một người có đức lớn nên có thể cai quản lửa. Hai là “vô tư khả đạt thiên”, ý nói tính cách của Ông vô tư nên có thể lên Thiên đình bẩm báo với Ngọc hoàng về công tội của gia đình.
Tuy nhiên, chức năng “ty hỏa” ngày nay gần như đứt hẳn. Khi tôi đi làm phim về ông Táo cách đây khoảng 5 năm, đi hầu hết Nam Kỳ kiếm bài vị “Đăng Trù tư mị, Táo phủ thần quân” mà không ra. Ngày nay chủ yếu chỉ còn chức năng thứ hai - “Định phúc Táo quân” - tức là quyết định phúc đức của gia đình, tốt xấu để quyết định ban ơn hay giáng họa.
Lý do ngày nay chức năng thứ nhất của ông Táo không còn là vì ngày xưa công cụ nấu ăn, bếp núc nấu ăn còn thô sơ thường gây ra hỏa hoạn, nên con người mới nghĩ ra chức năng “ty hỏa”. Nhưng bây giờ phương tiện để nấu an toàn hơn nhiều, con người càng lúc càng làm chủ được ngọn lửa, vì thế chức năng “ty hỏa” không còn cần thiết nữa.
Lấy chuyện ông Táo mà ngày Tết chúng ta thường hay thờ để thấy rằng mỗi một chuyện đều có sự thay đổi. Văn hóa có tính động chứ không đứng yên. Mỗi một loại hình văn hóa ra đời và phát triển đều có những điều kiện của nó, khi điều kiện không tồn tại thì phải mất đi thôi.
- Những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng trẻ em hiện nay quá coi trọng giá trị của tiền lì xì. Vậy ý nghĩa ban đầu của lì xì ngày Tết là như thế nào?
Lì xì là đọc theo âm Quảng Đông là “lợi thị” (thị = chợ), tức là người ta cho nhau ít tiền để chúc nhau mua may bán đắt. Ý nghĩa ban đầu của lì xì là như thế, chứ không phải cho làm vốn, dù nó cũng có thể dùng làm vốn được.
Ngoài ra, lì xì còn là một hình thức thưởng cho con cháu trong nhà. Tức là sau một năm, những đứa trẻ ngoan nhận được lì xì như một phần thưởng, chủ yếu là từ cha mẹ. Bên cạnh thưởng, đây cũng là dịp để nhắn nhủ, dạy bảo con cháu về những điều chưa tốt trong năm cũ. Ngày xưa người ta để tiền trong một bao giấy đỏ nên gọi là hồng bao, song tiền bạc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Sau này bao lì xì trở nên phổ biến. Trên thực tế, qua thời gian những quà tặng vật chất dễ bị lạm dụng. Các công ty ngày nay cũng thưởng cho nhân viên một khoảng tiền cuối năm và gọi là lì xì.
Nhiều người không biết lì xì thực chất là gì, cứ nghĩ lì xì là một món tiền người này cho người kia. Nó chỉ là chữ lợi thị thôi. Vì lì xì có gốc từ người Hoa, nhưng do văn hóa bị đứt gãy nên nhiều người hiện nay không hiểu rõ ý nghĩa gốc của nó. Người ta chỉ hiểu nghĩa quy ước, hiểu theo ý thức chung của cộng đồng chứ không hiểu theo ý nghĩa của từ gốc. Thành ra không chỉ trẻ con, mà người lớn cũng rất coi trọng chuyện lì xì.
- Tết xưa và nay có nhiều thay đổi, cả tích cực lẫn tiêu cực, ông có suy nghĩ về điều này?
- Một cái thuộc về đạo, một cái thuộc về đời, hai thứ này luôn diễn biến song song với nhau, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Bây giờ nhìn lại có nhiều cái lệch lạc mà mình phải thốt lên “đời là thế”. Nhưng nếu truy nguyên về sự suy đồi văn hóa thì nhiều lúc hơi đứng nhón chân chút, tức là mình đứng nhón chân cao hơn người ta chứ cũng không hẳn là đúng, không thể nhân danh văn hóa để lên án này kia.
Theo tôi, giữ gìn bản sắc văn hóa không phải là giữ nguyên truyền thống đó, mà là giữ cho văn hóa không bị đứt gãy. Đó là lý do vì sao trước khi nhìn nhận bất kỳ sự thay đổi, chúng ta cần cố gắng nhận diện câu chuyện văn hóa một cách nghiêm túc, hiểu về văn hóa như-nó-là thay vì theo cách chúng ta mong muốn nó là như vậy.