Nụ đào chuẩn bị bung nở. Ảnh: Hà Duy Trang. |
Những ngày cuối đông, trừ lúc đi học, phần lớn thời gian trong ngày của tôi là ở khoảnh vườn nhỏ sát hàng rào găng hướng ra đường. Nơi ấy có một cây đào ta mẹ trồng được mấy năm và dăm cây chè xanh thấp nhỏ bên dưới nhưng tuổi đời thì hơn chục năm có lẻ.
Trời lúc này hiếm hoi những tia nắng, thi thoảng le lói cho người ta mừng tưởng thoát rét rồi lại chui tọt vào làn mây dày đặc. Mây xám giăng mờ những đỉnh núi xa. Mây như sà cả xuống khu vườn nhỏ, vương lên lá chè xanh những ngấn bụi.
Ngày nào tôi cũng ngồi chăm chăm nhìn lên từng cành đào một. Bố tôi bảo phải vặt lá đào đi thì nó mới nở đúng Tết. Nhưng chẳng cần vặt nhiều thì cây cũng tự rụng đến mức chỉ còn lác đác vài cái lá ở đầu mỗi cành. Những năm ấy trời rét lắm, rét nên cây cũng phải tự rụng lá cho đỡ thất thoát nhiệt và nước.
Cây đào to cành rùm ròa cả khoảnh vườn nhưng chỉ cần một chiếc lá nào đó rụng đêm qua là tôi phát hiện ra ngay ở cành nào. Những cành đào khẳng khiu cũng so seo vì lạnh. Ở nơi những cuống lá đã rụng trơ chưa có dấu hiệu gì nụ sẽ mọc lên.
Đào thì ngày càng rút kiệt những chiếc lá của mình xuống đất trong khi bên dưới rặng chè xanh cứ xanh ngăn ngắt. Từng chiếc nụ chè chắc đanh, xanh ngắt cuộn mình lớn lên. Từ chiếc nụ to như ngón tay cái nở ra bông hoa trắng ngần, nhụy vàng, thơm thoảng mùi chè, thơm thanh tao trong cái lạnh muôn muốt hơi sương.
Ngày nào tôi cũng ngóng từng chiếc nụ đào, đếm từng bông hoa chè xanh nở. Đến khi hoa chè xanh rụng, nó không lả tả từng cánh mà vẫn khuôn nguyên đóa hoa như thế, chỉ rỗng phần nhụy giữa để lại cuống làm quả.
Tôi đem những bông trà xanh rụng xâu vào cành đào. Thế là cây đào như có hoa, dù là hoa đi mượn nhưng cũng làm góc vườn sáng bừng lên và trong lòng tôi bớt háo hức vì hoa đào chưa nở.
Cứ ngày này qua ngày khác, tôi cần mẫn nhặt những bông hoa trà xanh “trang điểm” cho cây đào. Khi những người đi chợ bắt đầu mang lá dong và ống giang từ trong núi ra bán, khi những quả gấc đầu tiên tênh tênh đỏ rực trên quang gánh hút mắt người đi đường, một sớm trở dậy, tôi dụi mắt rồi tỉnh hẳn. Nách lá xưa kia đã nhú lên những hạt như hạt gạo.
“Hạt gạo” ấy to dần theo bước chân người bán chuối, bán bưởi, bán củi đun kìn kìn kéo qua đường. Tôi đếm từng chiếc nụ đã nhú lên cái màu xanh xanh non tơ. Hôm nay mới có ba nụ, ngày hôm sau đã thành năm nụ, bảy nụ, ngày hôm sau nữa chín, mười cành đều có nụ xanh nhú lên và nụ “hạt gạo” mới sinh ra.
Những đàn gà kéo nhau ra chợ trên chiếc lồng buộc sau xe đạp phất phơ lông tía vì gió bấc, tôi không thể đếm được bao nhiêu cành có nụ xanh nữa. Tất cả cây đào vẫn vươn những cành khẳng khiu lên trời nhưng mang dáng vẻ kiêu hãnh, phôi thai.
Lúc này, quả chè xanh bên dưới gốc đào đã lớn dần, tròn xoe, vẫn có vẻ xanh mướt nhưng lớp vỏ cứng và chan chát. Chỉ có cây trà xanh là “gan góc” dù rét buốt xương hay nắng nóng cháy da thì vẫn bình thản ra hoa, kết quả như thường. Những lúc buồn mồm, ngồi ngóng hoa đào mỏi cổ, tôi có khi còn vặt quả chè xanh nhấm cái chất trong trong đặc quánh của hạt chè. Hạt chè “đặc dần” là lúc trời sẽ chuyển xuân.
Tôi giờ còn quan tâm cả đến thời tiết. Tối nào cũng “chực” bên tivi sau chương trình thời sự lúc bảy giờ tối để xem ngày mai bao nhiêu độ. Lúc bấy giờ chỉ có duy nhất giờ ấy là đài truyền hình thông báo nhiệt độ ngày mai chứ không phải được cập nhật từng giờ như bây giờ.
Tôi mong thời tiết vì nhiều lý do. Một là đã chán ngán cái rét khô đến nứt nẻ chân tay, rớm máu ở môi. Hai là ấm lên những bông hoa đào mới nở đúng Tết được. Chứ trời rét mãi, những nụ xanh cứ như “dậm chân tại chỗ”, có khi còn kẹn lại, xám ngoét và rụng mất khiến tôi xót xa, não nề.
Có năm gần Tết trời còn đổ mưa phùn, trời giăng một màn xám bạc ảm đạm, tay chân mặt mũi chỗ nào hở ra mưa táp vào buốt như kim châm, người áo ấm vòng trong vòng ngoài còn ốm nữa cây dầu dãi phong sương. Năm ấy cầm chắc đào mất mùa, ra giêng nắng ấm mới ùn ùn nở hoa.
May mắn hơn là những khi cô phát thanh viên báo nhiệt độ 13 rồi 15 độ, mỗi ngày tăng lên một tí, lòng tôi như mở cờ. Sáng nào tôi cũng nhìn lên bầu trời ngóng nắng. Rồi tôi bắt đầu đếm nụ hồng, là những chiếc nụ đã hé mở lộ ra màu cánh hoa hồng như một chấm đỏ nhỏ xíu nơi đầu nụ.
Đào phai, loại hoa đào tôi yêu bằng tất cả tình yêu mê đắm rất hồn nhiên của mình là loại đào ta, đào truyền thống của xứ Bắc từ ngàn vạn năm trước. Bây giờ nhiều người nhầm lẫn, cứ tưởng giống đào kép mà có màu nhạt là đào phai. Không phải. Đó vẫn chỉ là giống đào bích nhưng có màu nhạt chứ không đỏ thắm thôi. Còn đào phai hay đào ta chính là loại hoa đào cánh đơn, là loại đào mọc tự do chẳng theo thế nào, chẳng bao giờ người ta uốn ép vì vẻ đẹp của cành đào toát ra từ thế rất tự nhiên, toát ra từ những bông hoa màu hồng nhạt như một người thợ pha màu rất khéo để cánh hoa như được trộn giữa sắc trắng và sắc hồng, đẹp mê man.
Những bông hoa ấy, ban đầu là nụ thì màu xanh non, khi nhú ra sắc hồng thì hơi đậm và khi cái màu hồng ấy càng nhạt đi thì là lúc nụ càng lớn lên để nở thành bông. Tôi đếm từng chiếc nụ hồng đậm, hồi hộp chờ từng chiếc nụ xinh xinh cứ nhạt dần cho đến sáng sớm hôm sau, biết chắc là hoa đã nở mà trong lòng tôi vẫn bồi hồi.
Nhìn bông hoa đầu tiên bung cánh, ngắm những cánh hoa mỏng manh thẹn thùng trong gió, ngắm từng chiếc nhị đào còn ngậm những giọt sương xuân, hoa mới nở đấy mà tôi ngỡ như gặp người bạn cũ đã thân quen từ lâu lắm. Suốt cả buổi tôi quanh quẩn bên gốc đào, đến tận khi đi học vẫn lưu luyến không muốn chia tay.
Có bông đầu tiên báo hiệu xuân về, như được đà, chỉ vài ngày sau, hoa đua nhau nở. Tôi không còn đếm được bao nhiêu hoa nữa. Trời đã ấm hơn, nắng tỏa vàng rực rỡ càng gọi những đốm hồng nối tiếp nhau điểm xuyết trên cành.
Nụ con chi chít trên cành, lá non cũng một vài chiếc nhú lên càng làm cây đào trở nên quyến rũ trong cuộc phô diễn vũ điệu của mình. Cả góc vườn sáng bừng lên khi nắng gọi hoa về hồng rực khắp cành cây. Tết đã đến rồi.
Nhà tôi chỉ chặt một cành đào nhỏ đem vào cắm trong bình còn lại vẫn để cây đào nở hoa chi chít như thế mà không mang bán, dù thiếu thốn đến đâu. Vì tôi thích hoa đào, vì cả nhà tôi ai cũng không muốn mang bán hay cho đi những bông hoa đẹp đến nhường ấy.
Tết những năm thơ bé, vào mồng một hay có mưa xuân. Mưa mỏng nhẹ đến nỗi những cánh hoa như được mơn man, lại càng như tiếp thêm sức xuân mà nở rộ. Những cánh hoa không hề bị dập nát, cứ long lanh sương đọng. Cả không gian bàng bạc xam xám mờ mờ mà màu hồng của hàng ngàn vạn cánh hoa vẫn như được điểm tô, như cùng nhau góp cái màu hồng phai nhưng không nhạt ấy để lòng tôi vui náo nức.
Tôi ước mình khi trở thành thiếu nữ, với bộ váy có hai cánh tay áo như cánh tiên mỏng, trong suốt như mưa, tôi nhẹ nhàng ngồi trên cành hoa, dựa đầu vào những lùm hoa, hai tay khẽ ve vuốt từng cánh hoa mà cả cây không hề rung động.
Tôi cứ chìm đắm vào giấc mơ hóa tiên trong cổ tích như vậy cho đến khi hết mưa xuân. Trời nắng trở lại cái nắng tháng Giêng ngọt trong như mật. Lúc này hoa mãn khai. Cả cây đào chẳng biết lấy đâu sức mà từng đốt cành chi chít những hoa. Mỗi bông to nhỏ khác nhau, ngay cả những cánh hoa cũng cánh tròn cánh khuyết, cánh thẳng cánh khum, cánh lại khẽ quăn nơi rìa mép nhưng bông nào cũng đẹp, cũng khiến tôi ngắm say sưa mê mải quên giờ quên giấc.
Thấp thoáng trong cái màu hồng tươi sáng ấy là những quả đào màu xanh non may mắn đậu lại từ những bông hoa nở đầu tiên. Nụ đào và quả đào non thoạt nhìn rất giống nhau vì đều có màu xanh rất ngọt ngào. Đào phai là giống đào duy nhất có quả. Quả đào cho đến khi những cánh hoa cuối cùng trên cây rụng hết thì chuyển sang màu xanh bạc bởi lớp lông tơ bên ngoài, phân nửa là chuyển màu tía. Khi ấy hè bắt đầu về.
Hồi hộp đợi đào nở bao nhiêu thì tôi lại nuối tiếc nhìn những bông đào cuối cùng bấy nhiêu. Mỗi sáng ra thấy số nụ đào còn lại ít ỏi dần, đến khi đếm được từng nụ, rồi hiếm hoi vài nụ còn sót lại, những cánh hoa cuối mùa còi cọc hơn, thường nở không được trọn vẹn mà quăn queo, lòng tôi buồn man mác.
Có niềm an ủi khe khẽ ấy là có năm vào nửa cuối tháng Năm, lúc sinh nhật tôi, đi qua những nhà có cây đào ở thị trấn vẫn thấy lác đác dăm bông đào nở, tôi tự cho rằng hoa nở mừng sinh nhật mình. Đó cũng là loại hoa quý nhất mà thi thoảng sinh nhật thơ bé tôi “nhận” được.