Chiếc bánh chưng vuông vức đã gói trọn bao tần tảo của mẹ để các con có một cái Tết đủ đầy. Ảnh: MT&CS. |
Cuối tháng Chạp, xóm làng nhộn nhịp hẳn. Những phiên chợ quê bày bán rất nhiều thực phẩm phục vụ Tết. Lúc từng đoàn xe cải tiến, xe thồ chở lá dong xanh ngát chiếm lĩnh một góc chợ là khi Tết đã đến ngay ngoài ngõ...
Quanh năm vất vả nên dù đầy đủ hay thiếu thốn, các gia đình đều gác lại nỗi lo thường nhật, nhà ai nhà nấy rôm rả chuyện đón Tết. Chỗ này bàn việc mổ chung con lợn cọc mấy nhà ăn, nào là lấy thịt làm nhân bánh, nào là gói giò, nấu đông, hầm nồi canh măng canh mọc; chỗ kia ngắm sẵn đôi con gà béo, chọn con trống đẹp mã để tế lúc giao thừa…
Thời gian này, trên cầu ao hay bên miệng giếng làng, đâu đâu cũng bắt gặp người ngồi rửa lá dong. Dưới làn nước trong vắt, những phiến lá xanh đượccọ rửa cẩn thận để chờ đến thời điểm quan trọng. Cái rét thấu da của đợt gió mùa đông bắc khiến đôi chân, đôi tay thiếu nữ dầm trong làn nước buốt trở nên đỏ rực.
Giọng cười trong vắt của các cô làm bừng sáng không gian, xua tan vẻ ảm đạm của bầu trời cuối đông u ám.Tôi vẫn nhớ tiếng lợn éc xé toang màn đêm những buổi trời còn chưa rạng. Nghe âm thanh ấy, lòng tôi thấy nao nức đến độ không ngủ được nữa, chỉ mong trời mau sáng để chạy ra sân, vì biết Tết đã đến hiên nhà.
Năm nào cũng vậy, mẹ tôi chọn mua lá dong rất kĩ, chỉ những chiếc lá xanh mướt, to vừa phải, mềm mại và không bị rách mới làm bà ưng lòng. Lá xanh cho màu bánh đẹp, lá mềm không bị rách, bánh dễ gói hơn. Và lúcmẹ mang những bó lá xanh đẹp đẽ ấy về là Tết tới đến bếp nhà tôi…
Tản văn Nhớ ơi là Tết của tác giả Thái Hương Liên. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Đấy là ngày hội của bọn trẻ con. Có ai đó nói rằng: Chờ đợi chính là hạnh phúc, thật đúng, ít nhất là trong trường hợp này. Chúng tôi cứ lẩm nhẩm tính với nhau từng ngày để được gói bánh, được hít mùi thơm nếp mới tỏa từ nồi bánh đang sôi sùng sục trên bếp than hồng. Rồi sáng sớm mùng một sẽ được diện quần áo mới, nhận tiền mừng tuổi, đi chúc Tết, đi cúng bái…
Ngày hai bảy, hai tám Tết là thời điểm nhiều gia đình nổi lửa nấu bánh chưng. Gạo nếp, đỗ xanh được ngâm, đãi cẩn thận. Hồi ấy đỗ xanh phải đãi chứ chưa có loại tách vỏ bày bán sẵn như bây giờ. Đãi xong mấy cân đỗ xanh trong làn nước lạnh buốt không phải chuyện dễ.
Đôi tay mẹ thường đỏ ửng lên vì lạnh, nhưng mẹ vẫn rất vui, niềm vui ấy truyền sang cả chúng tôi, đọng thành những nụ cười hạnh phúc. Thuở ấy, cuộc sống còn nhiều gian nan, chật vật, nhưng năm nào bố mẹ tôi cũng cố gắng gói thật nhiều bánh chưng, để ăn và đem biếu gia đình hai bên nội ngoại.
Đó không đơn thuần là chuyện ăn uống, mà còn là nét văn hóa trong nếp sống của một gia tộc.Tôi thấy vui nhất là những sớm tinh mơ dậy cùng bố gói bánh. Năm nào cũng vậy, đến giáp ngày là tôi dặn đi dặn lại bố gọi tôi thật sớm, nhưng khi tôi thức giấc nhờ luồng ánh sáng rọi từ góc nhà thì đã thấy bố dậy từ bao giờ.
Bên cạnh bố là những chiếc bánh vừa gói, những rá gạo trắng tinh, rá đỗ vàng ươm, lá dong xanh mướt, cả thịt lợn ba chỉ ướp hạt tiêu thơm phức.
Những chiếc bánh chưng tày đều đặn như khúc tre xanh được ràng lạt chắc chắn nằm cạnh những chiếc bánh chưng xanh vuông vức. Hồi đó chị em tôi còn nhỏ nên chưa được bố cho gói bánh, mỗi đứa chỉ được gói thử một cái bánh con bé tí xíu.
Cái bánh méo mó, xồi xộc, thật tình chẳng ra hình thù gì, nhưng hay được bố khen là khéo đấy, chắc chỉ năm sau là gói đẹp hơn cả bố thôi, làm chúng tôi rất vui . Công việc chị em tôi có thể làm tốt là cắt lá, nối lạt và ràng bánh. Đứa nào cũng vui vẻ, hãnh diện mỗi lúc hoàn thành xong một “tác phẩm”, đôi khi còn chí choé xí phần của mình sau khi bánh chín.
Bao giờ cũng vậy, bố không quên gói riêng cho mỗi con một chiếc bánh cua - cái bánh dài giống như bánh tày, ràng dây rất đẹp, nhỏ nhỏ xinh xinh để làm đồ hàng (chúng tôi sẽ có quyền ăn cái bánh này trước khi những chiếc bánh lớn được bày trên bàn thờ cúng tổ tiên).
Tôi luôn chờ mong phút giây được chạm vào, đeo cái bánh ấm nóng lên cổ để hít hà mùi hương sau một năm dài xa cách, và lúc nào cũng háo hức được ăn miếng bánh chưng nóng hổi đầu tiên, nó mới ngon lành làm sao, cho dù sau này nghĩ lại thấy nó hơi nát và chóng ngán.
Trong những năm tháng ấy, có một thức quà như bánh chưng mà bắt trẻ con chưa được nếm ngay, phải chờ đến khi làm lễ cúng tổ tiên xong thì quả là khó. Có lẽ thấu hiểu được tâm lí háu ăn của lũ trẻ mà ông cha ta đã dành một đặc ân cho trẻ nhỏ, “hợp lí hóa” việc ăn trước cả các cụ tổ tiên.
[...]