Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trước khi đề xuất bỏ Tết ta, cần cái nhìn sâu về văn hóa

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, chúng ta cần có một cái nhìn thoáng hơn với văn hóa bởi văn hóa không phải là bất biến mà thực chất luôn có sự thay đổi.

van hoa toan cau hoa anh 1

Nhà nghiên cứu - tác giả Huỳnh Ngọc Trảng trong buổi trò chuyện cùng các sinh viên ngày 8/12. Ảnh: Thanh Trần.

Dịp cuối năm Tết đến, chúng ta thường thấy xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh việc liệu có nên thay đổi ngày Tết truyền thống, hay đề xuất bỏ hẳn Tết Âm lịch để gộp chung kỳ nghỉ với Tết Dương lịch. Có nhiều ý kiến trái ngược nhau trong nhiều năm qua, một số ít ủng hộ thay đổi trong khi đa số cho rằng truyền thống quý giá của cha ông là không thể bỏ được.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng (tác giả cuốn Khảo luận về Tết) cho biết cả hai luồng ý kiến đều có những lý lẽ riêng, song điều ông quan tâm chính là cách những giá trị văn hóa được bàn đến. Câu chuyện về Tết cũng là câu chuyện về văn hóa và điều quan trọng là mọi người cần có một cái nhìn nghiêm túc, khoa học khi bàn đến vấn đề sự thay đổi của văn hóa.

Một cách nhìn khoa học về văn hóa

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trước khi bàn đến cần thay đổi ngày Tết ra sao, chúng ta cần hiểu văn hóa là gì? Tiến trình thay đổi văn hóa diễn ra như thế nào? Văn hóa đương đại mang những đặc điểm gì?...

Trong xã hội hiện đại, văn hóa cần được nhìn nhận một cách có cơ sở khoa học, chứ không chỉ dựa vào những phát biểu dựa trên cảm tính. “Chúng ta cần có cách nhìn khách quan, nhìn văn hóa như-nó-là, chứ không phải định nghĩa văn hóa như chúng ta muốn, chúng ta kỳ vọng nó là như thế, đó là một cách nhìn chủ quan”, ông nói.

Khảo luận về Tết là một tác phẩm được ông viết sau khi chứng kiến nhiều cuộc tranh luận về ngày Tết nhưng thiếu cơ sở về văn hóa, nhằm đem lại hiểu biết có khoa học hơn về ngày Tết cũng như văn hóa Việt Nam. Trong đó, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng giải thích nguồn gốc của nhiều phong tục ngày Tết ở ba miền Bắc, Trung, Nam như các tập tục viết câu đối và chơi chữ, các tập tục kiêng kỵ đầu năm, tục xông đất, tiễn ông Táo về trời, các nghi lễ tế tự ngày Tết từ thời Trần đến thời Nguyễn ra sao…

Theo ông, văn hóa là những giá trị chung của một cộng động, của một xã hội, đồng thời xã hội là một nhóm người theo đuổi một giá trị chung. Như vậy văn hóa và xã hội là hai mặt của một hệ thống. Khi văn hóa phát triển, nó phát triển trong sự thích ứng với cộng đồng đó.

van hoa toan cau hoa anh 2

Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản. Ảnh: Thanh Trần.

Qua câu chuyện ngày Tết và câu chuyện văn hóa, ông cố gắng khơi gợi ở những người trẻ một cái nhìn nghiêm túc, khoa học hơn khi bàn về vấn đề văn hóa. Ông cho rằng khi bàn đến vấn đề văn hóa, "chúng ta phải hiểu rất kỹ về văn hóa truyền thống và những cái mới thì mới có thể tổng hợp mới - cũ được”.

“Ngoài ra để có được cách hiểu đúng đắn thì phải trên cơ sở tư duy phản biện. Cần tránh những cách hiểu theo kinh nghiệm, theo niềm tin, theo số đông và theo thực tế ta nhìn thấy, đó là những ‘hiểu biết giả’ mà chúng ta cần phải xem xét lại”, ông nói thêm.

Văn hóa luôn thay đổi

Trở lại với câu chuyện ngày Tết, nhà nghiên cứu - tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng chúng ta cần có một cái nhìn thoáng hơn bởi văn hoá không phải là bất biến mà thực chất luôn có sự thay đổi.

Ông lấy ví dụ trong lịch sử, người Giao Chỉ từng tổ chức Tết vào tháng 8 Âm lịch chứ không phải đầu tháng giêng như hiện tại, trên trống đồng vẫn còn lưu lại hình ảnh hoa lau - một loài nở hoa vào tháng 8 Âm lịch. Điều đó chứng tỏ ngay cả giá trị truyền thống ngày nay cũng bắt đầu bằng một sự thay đổi trong quá khứ.

“Lịch pháp của nước ta chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, mà lịch pháp Trung Quốc thay đổi mười mấy lần và Tết của Trung Quốc cũng thay đổi mười mấy lần. Thời chưa có lịch, người dân còn dựa theo quan sát tự nhiên và thường ăn Tết theo chu kỳ sản xuất, sau thu hoạch hoặc khi làm lễ xuống cày thì ăn Tết”, ông giải thích.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng khái niệm văn hóa ở nước ta từ lâu thường được hiểu khái niệm kép gắn văn hóa và dân tộc với nhau, dẫn đến nhiều khó khăn khi bàn về chủ đề văn hoá. Vì thế khi nói đến văn hóa, yếu tố bản sắc dân tộc thường chiếm phần lớn mà yếu tố tiên tiến trong văn hóa ít được nhắc đến.

Hai đặc điểm chính của văn hóa là sự thay đổi và học tập. Văn hóa không chỉ luôn thay đổi mà còn có thể được tiếp thu, từ đó hình thành phương thức phát triển của văn hóa. “Đừng nghĩ văn hóa đã là một thành tựu truyền thống, nó luôn thay đổi”, ông nói.

Tất nhiên, có những giá trị văn hóa khi mất đi cũng khiến ông không khỏi tiếc nuối. Về mặt lý trí khách quan, ông cho rằng mọi loại hình văn hóa ra đời đều có những điều kiện của nó và nó chết đi khi điều kiện không còn tồn tại nữa. Ông gọi đó là "nhân duyên".

Chúng ta quan tâm đến truyền thống, học tập truyền thống, nhưng chúng ta không thể là tín đồ của truyền thống.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Nếu ngày Tết xưa dựa theo chu kỳ sản xuất của nông dân là chủ yếu, thì ngày nay rõ ràng đã có sự thay đổi trong thành phần lao động. Và giới trẻ ngày nay không chỉ là công dân của một quốc gia, họ còn là công dân của toàn cầu. Họ vừa mang trong mình văn hóa của quốc gia, vừa có thể chịu ảnh hưởng của văn hóa nào đó. Vì thế cần có sự cân bằng giữa truyền thống và tiên tiến.

Đặc điểm lớn nhất hiện nay là tính phi định vị về văn hóa, không giới hạn địa điểm, mỗi người có quyền chọn lựa những giá trị văn hóa mà mình thích. “Điều quan trọng nhất là thái độ của mỗi người, đặc biệt là người trẻ đối với di sản văn hóa cần có sự nghiêm túc và khoa học, phải có hiểu biết, kỳ vọng về sự phát triển cho đất nước”, ông chia sẻ.

Trong quy luật phát triển của văn hóa, chúng ta cần giữ được sự liên tục văn hóa. Ông nói: “Chúng ta quan tâm đến truyền thống, học tập truyền thống, nhưng chúng ta không thể là tín đồ của truyền thống - tức chỉ tuân theo mà không có sự phản biện, phê phán. Truyền thống của mình nếu có những thứ hủ lậu thì phải bỏ đi”.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng sinh năm 1952, là nghiên cứu viên của Phân Viện Văn hóa nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh nay đã về hưu. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, hơn 100 tác phẩm về phong tục tập quán, văn hóa dân gian như Hát sắc bùa Phú Lễ, Ông Địa - tín ngưỡng và nghi lễ, Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần

Ký ức đón Tết ở Hà Nội xưa

Ngày Tết đối với tôi là một cái gì đó đẹp đẽ, nhưng rất chóng qua và chỉ còn để trong lòng người một niềm luyến tiếc.

Lý giải nguồn gốc ngày vía Thần Tài

Trong cuốn "Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng lý giải nguồn gốc ngày vía Thần Tài xuất phát từ ngày vía đất.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm