Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài sở hữu hơn 30.000 cuốn sách. |
Nhà thơ nhiều sách nhất miền Tây Nam bộ Trịnh Bửu Hoài sinh ngày 16/5/1952 tại Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang. Tư gia của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài nằm ngay chợ Châu Long của thành phố Châu Đốc được mệnh danh là thư viện tư nhân quy mô hàng đầu miền Tây Nam bộ.
Theo sự sắp xếp cẩn thận và sự tính toán tỉ mỉ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, thì ông sở hữu khoảng 30 nghìn đầu sách các thể loại từ văn học, sử học, triết học cho đến văn hóa dân gian.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài là một cây bút tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Cha mẹ quanh năm gắn bó với ruộng đồng thấm đẫm phù sa sông Hậu, từ nhỏ Trịnh Bửu Hoài đã đam mê văn chương.
Tuổi 14, Trịnh Bửu Hoài đã có thơ đăng báo. Những năm trọ học ở Long Xuyên và Cần Thơ, phần lớn số tiền gia đình chu cấp đều được Trịnh Bửu Hoài dùng để mua sách. Lâu lâu về thăm nhà, cũng chỉ mang theo… sách. Mẹ của Trịnh Bửu Hoài thương con, nhường luôn cái rương quần áo duy nhất trong nhà cho đứa con trai đựng sách để khỏi ướt mỗi mùa mưa phương Nam.
Mấy bận nước lớn nước ròng, khi học xong phổ thông, Trịnh Bửu Hoài mang thành tích cá nhân báo cáo với cha mẹ, gồm một tấm bằng Tú tài và… hơn hai nghìn cuốn sách.
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bom đạn diễn biến rất ác liệt, căn nhà ngoại ô đô thị sát biên giới dẫu đơn sơ thông thốc tứ bề, thì bao nhiêu sách của Trịnh Bửu Hoài vẫn được song thân gìn giữ cẩn thận và nguyên vẹn. Còn Trịnh Bửu Hoài chí trai vẫy vùng khắp các chuyến phà ngang dọc miền Tây, thỉnh thoảng ngoái lại chốn chôn nhau cắt rốn mà rưng rưng: “Ngước mặt về tây Thất Sơn sừng sững / Áo giang hồ cuồn cuộn gió phương đông”.
Sau năm 1975, Trịnh Bửu Hoài về làm phóng viên cho Đài phát thanh Châu Đốc, rồi làm Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố Châu Đốc, rồi làm Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh An Giang. Sự nghiệp thăng tiến đến đâu thì… số lượng sách của Trịnh Bửu Hoài tăng lên đến đấy. Vốn bản chất một tài tử Nam Bộ chân thành, hào hoa và phóng khoáng, Trịnh Bửu Hoài kết giao bạn bè mọi miền Tổ quốc. Ngoài những cuốn sách tự mua, Trịnh Bửu Hoài có hơn 10.000 cuốn sách có chữ ký tác giả với lời đề tặng trìu mến.
Tuy nhiên, khẳng định Trịnh Bửu Hoài là nhà thơ nhiều sách nhất miền Tây Nam bộ, thì không chỉ đề cập đến sách do ông sưu tầm, mà còn tính luôn sách do ông sáng tác. Trịnh Bửu Hoài không chỉ thao thức trong những câu thơ phiêu lãng: “Đã mấy năm dư không về nữa / Cuối nẻo trời quê mây trắng bay / Đời ta như một hòn bi nhỏ / Cứ lăn đi trên những dốc dài”, mà ông đã in hơn 50 đầu sách đủ các thể loại.
Ngoài những cuốn sách viết về văn hóa dân gian vùng tứ giác Long Xuyên, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài từng có nhiều tiểu thuyết làm mưa làm gió trên thị trường. Những năm đất nước bắt đầu đổi mới, Trịnh Bửu Hoài nghĩ ngay đến một dòng sách trữ tình đáp ứng nhu cầu của độc giả đương thời.
Năm 1987, Trịnh Bửu Hoài viết tiểu thuyết Tình yêu đâu phải là trò chơi. Khởi điểm in ba nghìn bản, bán hết vèo ở An Giang. Đầu nậu sách ở Cần Thơ đặt hàng in tiếp 20.000 bản, cũng bán hết vèo. Đầu nậu sách ở Sài Gòn ngửi được mùi lợi nhuận, liền ôm một cục tiền xuống tận nhà Trịnh Bửu Hoài xin in thêm 50.000 bản.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài quảng giao, hào hoa và cũng đa đoan. Sự ra đi đột ngột của ông ở tuổi 70 vào chiều 8/12, để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và bạn bè. Từ nay, tư gia của nhà thơ nhiều sách nhất miền Tây Nam bộ thực sự “không còn ai bên máy chữ gọi thơ về” như câu thơ của chính Trịnh Bửu Hoài đã viết hôm nao.