Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư viện sách báo cổ cho những người yêu Hà Nội

Với người yêu Hà Nội, khi tới thư viện đều có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện lý thú xoay quanh các địa danh của Hà Nội, sự biến thiên của Hà Nội qua các thời kỳ.

Anh Tạ Thu Phong đã sưu tầm những sách báo về Hà Nội nhiều năm nay.

Thư viện với hơn chục nghìn đầu sách báo cũ, trong số ấy phần nhiều là sách về Hà Nội được luật sư Tạ Thu Phong sưu tầm trong nhiều năm qua, lâu nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người nghiên cứu và thích tìm hiểu về Hà Nội.

Kho tri thức lớn

Những cuốn sách đã sờn gáy, những trang báo cũ mèm đã ngả màu qua thời gian - đó là hình ảnh mà những người yêu sách thường thấy khi tìm đến thư viện của luật sư Tạ Thu Phong trong con ngõ nhỏ 465 Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội).

Hơn 10 năm qua, nơi đây đã lưu giữ khoảng hơn chục nghìn tư liệu quý hiếm trong nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến là rất nhiều sách báo cũ mang giá trị lịch sử về Hà Nội. Đó là những cuốn như: Kỹ nghệ Hà Nội, Các nhà buôn của Hà Nội do người Pháp viết. Bạn đọc tới đây có thể tìm thấy những tin tức đáng chú ý trên những tờ báo được xuất bản từ những năm 30 của thế kỷ trước như thông tin về đắp đường cổ Ngư, cải tạo Ô Quan Chưởng…

Đối với luật sư Tạ Thu Phong, việc sưu tầm những sách báo cũ ấy đã trở thành thú chơi công phu từ nhiều năm nay. Lặn lội tìm đến những cao niên là người Hà Nội gốc để mua sách, hay những chuyến đi xa để “săn” sách đã “ngốn” khá nhiều tiền của của anh nhưng không vì thế mà luật sư Tạ Thu Phong ngừng sưu tầm sách báo cổ.

Anh kể từ khi còn là sinh viên, một lần, anh đi tìm khắp nơi một cuốn báo Thiếu niên mà hồi nhỏ được bố mua cho đọc. Phải mất bốn năm anh mới tìm được tờ báo gắn bó với tuổi thơ. Trong quá trình đi tìm tờ Thiếu niên, Tạ Thu Phong đã tìm được nhiều tờ báo cũ. Anh bắt đầu sưu tầm báo từ đấy.

Một lý do khác, ấy là Tạ Thu Phong còn mê mẩn những họa phẩm trên báo xuân, báo Tết. Anh cho biết, những trang bìa, rồi tranh minh họa trên báo trước đây rất đẹp. Từ những năm 1930, các họa sĩ tên tuổi như Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... đều có tác phẩm vẽ cho báo.

Chị Nguyễn Thu Hạnh, một độc giả thường đến thư viện này đã rất xúc động khi chứng kiến chủ thư viện bền bỉ thu thập sách báo cũ về Hà Nội qua các thời kỳ, sắp xếp và cẩn trọng bảo quản.

“Những tờ báo cũ ấy đã mang đến cho người nghiên cứu chúng tôi thông tin, kiến thức về những vỉa tầng văn hóa dày đặc của mảnh đất nghìn năm. Thư viện đã góp phần khiến những người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này một lần nữa thêm hiểu và yêu quý Hà Nội”, chị Hạnh nói.

Thu vien sach bao co anh 1

Rất nhiều độc giả yêu thích nghiên cứu về Hà Nội đã đến đây tìm sách.

Từ sưu tầm sách đến viết sách

Sưu tầm sách báo cũ và sở hữu kho tàng kiến thức phong phú, anh Phong dần trở thành người yêu Hà Nội từ lúc nào không hay. Những trang sách báo cổ thấm đượm tình yêu Hà Nội dần dần khiến anh say mê công việc nghiên cứu và viết sách. Cuốn sách Hà Nội chuyện xưa phố cũ của anh đã ra đời từ một tình yêu dành cho Hà Nội. Sách gồm 39 đoản văn, bài viết biên khảo về các hoạt động của thành phố Hà Nội khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là một biên khảo công phu, toàn diện, đáng tin cậy. Tác giả khai thác một khối tư liệu tương đối lớn về Hà Nội qua các thời kỳ, chủ yếu từ văn khố, thư viện của Pháp, được xử lý, đối chiếu cẩn thận. Không dừng lại ở đó, cuốn sách còn đề cập đến những nhân vật người Việt nổi tiếng (có không ít giai thoại) trong xã hội lúc bấy giờ như doanh nhân Bạch Thái Bưởi trong bài Chuyện ông Ký Bưởi, cô Vũ Thị Nghĩa trong bài Cô Đốc Sao - Nàng Lý Sư Sư đất Hà Thành

Anh Phong cho biết cuốn sách không chỉ kể về những mặt sáng tối của Hà Nội, hay vẽ lên một bức tranh sinh động về nơi chốn linh thiêng hào hoa, mà còn cung cấp nhiều thông tin giá trị, không phải cuốn sách nào viết về Hà Nội cũng có được. Những nếp nghĩ, cách làm, phong tục thay đổi từ phong kiến sang thuộc địa và cả sau hòa bình đã vô tình tạo thành một bức tranh sinh động Hà Nội chuyện xưa phố cũ tỉ mỉ về một nơi chốn đầy ắp di sản văn hóa.

Cũng theo chủ thư viện, độc giả tìm đến đây vào các ngày cuối tuần rất đông, đa số là người thích nghiên cứu, sưu tầm. Họ người tới để đọc tài liệu, phục vụ nghiên cứu từ những cuốn sách, tờ báo cũ. Vì thế, với người yêu Hà Nội, khi tới thư viện đều có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện lý thú xoay quanh các địa danh của Hà Nội, sự biến thiên của Hà Nội qua các thời kỳ, các câu chuyện về văn hóa, lối sống của người Hà thành…

“Nghề chơi cũng lắm công phu. Việc bảo quản sách báo, lưu trữ là vấn đề quan trọng đối với người sưu tầm sách. Song với tôi, tất cả những khó khăn đó sẽ qua đi khi tôi được chia sẻ kiến thức giá trị từ những cuốn sách, báo sưu tầm được cho những người bạn cùng yêu sách và yêu Hà Nội”, anh Phong nói.

Đọc sách, uống trà miễn phí giữa lòng Hà Nội

Thư viện sách “0 đồng” không chỉ phục vụ độc giả tới đọc sách miễn phí mà khi tới đây mọi người còn có thể thưởng thức cà phê, trà, bánh kẹo, cũng… miễn phí!

Văn hóa đọc lan tỏa từ trạm đọc sách 0 đồng

Dành dụm từng đồng tiền lẻ từ những ly cà phê vỉa hè, bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, trú tại phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) đã mở trạm đọc sách 0 đồng nhằm lan tỏa văn hóa đọc.

https://tuoitrethudo.com.vn/thu-vien-sach-bao-co-cho-nhung-nguoi-yeu-ha-noi-210227.html

Bảo Phương / Tuổi trẻ Thủ đô

Bạn có thể quan tâm