"Tôi muốn xé chiếc áo", một cư dân mạng bình luận dưới bài đăng rao bán chiếc áo đấu của Lee Kang-in ở PSG với giá 100.000 won (gần 75 USD). Để so sánh, con số này chỉ bằng gần phân nửa so với giá gốc là 180.000 won (134 USD). Tuy nhiên, đây chưa phải điều tồi tệ nhất.
Khi tin tức lan truyền rằng Lee Kang-in là trung tâm của "sự bất hòa" trong nội bộ tuyển Hàn Quốc, người dùng mạng xã hội liên tục chỉ trích cầu thủ này, họ để lại những bình luận giận dữ và tuyên bố tẩy chay các mặt hàng tài năng trẻ 22 tuổi làm đại diện. Đã vậy, những bản kiến nghị online thu hút nhiều chữ ký của người hâm mộ kêu gọi cấm thi đấu trọn đời với Lee Kang-in ở ĐTQG.
Nhiễu thông tin Lee "va chạm vật lý" với Son
Thái độ của Lee Kang-in với Son Heung-min ngoài sân cỏ tại Asian Cup 2023 được một số người mô tả là một "cuộc nổi loạn". Tuy nhiên, chi tiết chính xác về những gì xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín vẫn còn nhiều bí ẩn.
Hôm 5/2, một ngày trước trận bán kết Asian Cup 2023 gặp Jordan, tranh cãi xảy ra giữa nhóm cầu thủ kỳ cựu và trẻ ở ĐTQG Hàn Quốc. Son Heung-min, thủ quân của đại diện xứ kim chi, kêu gọi một cuộc họp sau buổi tối nhưng các cầu thủ trẻ lại quyết định đi chơi bóng bàn, trong đó có Lee Kang-in.
Sau một hồi cãi vã và tranh cãi không rõ nguyên nhân, Son Heung-min bị trật khớp ngón tay. Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) nhanh chóng xác nhận thông tin về một vụ xô xát. Lee Kang-in cũng lên tiếng xin lỗi đồng thời nói rằng rất hối hận về hành động của mình.
Dù vậy, tiền vệ thuộc PSG cũng nhấn mạnh không hề "vung tay đấm" Son Heung-min như các phương tiện truyền thông đưa tin. Tuyển Hàn Quốc cũng để thua Jordan 0-2 sau đó. Son Heung-min hiện đã trở lại Tottenham, chưa bình luận gì về vụ việc bị báo chí phanh phui những ngày qua.
Lee Kang-in và Son Heung-min đã có những tranh cãi tại Asian Cup 2023. |
Trường hợp của Lee Kang-in thì khác. Tài năng trẻ này bị các cựu cầu thủ và công chúng chỉ trích, cho rằng thiếu tôn trọng Son Heung-min - người lớn hơn đến 9 tuổi và thành đạt hơn nhiều.
Cựu tuyển thủ quốc gia Lee Chun-soo cho biết qua kênh Youtube của mình hôm 14/2 rằng "thực sự bị tổn thương" trước tin tức về cuộc tranh cãi giữa các cầu thủ ở ĐTQG Hàn Quốc.
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ đây là điều không nên xảy ra. Hàn Quốc là đất nước rất coi trọng lễ nghĩa, mối quan hệ 'sunbae-hubae' (tiền bối-hậu bối)", Lee Chun-soo nói, đồng thời nhấn mạnh rằng đội hình hiện tại có văn hóa ứng xử khác hẳn so với lúc anh còn thi đấu cho ĐTQG vào những năm 2000.
Văn hóa Hàn Quốc coi trọng trật tự trên dưới, thâm niên ngay cả khi chênh lệch chỉ một năm. "Hubae" là từ được chỉ người có ít kinh nghiệm hơn, họ được yêu cầu phải tôn trọng tiền bối, những người được kỳ vọng sẽ hướng dẫn và chăm sóc cho các thành viên trẻ trong công ty, trường học hoặc đội thể thao.
Khi Guus Hiddink đảm nhận vị trí HLV trưởng tuyển Hàn Quốc trước World Cup 2002, ông đặt ra mục tiêu xóa bỏ hệ thống phân cấp nghiêm ngặt bằng cách yêu cầu lớp trẻ sử dụng từ "banmal", một cách nói thân mật thường xuất hiện ở những người nhỏ tuổi, với các cựu binh. Lee Chung-soo là một trong những cầu thủ trẻ đi tiên phong trong sự thay đổi, yếu tố được cho là cải thiện khả năng giao tiếp giữa các cầu thủ. Kết quả là tại World Cup 2002, tuyển Hàn Quốc tiến thẳng đến vòng bán kết và chỉ dừng bước trước tuyển Đức.
Hai thập niên sau, văn hóa thâm niên ở Hàn Quốc không còn gây được chú ý như trước. Tuy nhiên, tôn trọng người lớn tuổi vẫn là nét đặc trưng riêng của xã hội Hàn Quốc.
Bình luận về vụ rạn nứt nội bộ của ĐTQG tại Asian Cup 2023, Lee Chun-soo cho rằng HLV Jurgen Klinsmann - người bị sa thải hôm 16/2 - phải chịu trách nhiệm chính. Cựu thuyền trưởng tuyển Đức là nguyên nhân gây ra trình trạng bất ổn trong đội, dẫn đến cuộc cãi vã vào vào thời điểm quan trọng ở giải đấu diễn ra trên đất Qatar.
Được biết, HLV Klinsmann có mặt ở thời điểm vụ xô xát xảy ra nhưng không can thiệp, theo đó chỉ nói chuyện với hai cầu thủ liên quan sau khi mối quan hệ giữa họ coi như tan vỡ.
"HLV nên khiển trách các cầu thủ, bảo họ nên và không nên làm gì. Nếu ông ấy chỉ ngồi đó mỉm cười và không biết chuyện gì đang xảy ra thì ông ấy làm gì có tư cách là HLV?", Lee Chung-soo nêu quan điểm.
Tương lai nào cho Lee?
Hiện chưa rõ chính xác Lee Kang-in làm gì trong vụ xô xát với Son Heung-min. Trong bóng đá, sự bất đồng với đồng đội thường không được coi là hành động dẫn đến án treo giò, nhưng hầu hết CLB thể thao trên thế giới đều đồng ý rằng những tranh cãi có sự xuất hiện của "va chạm vật lý" sẽ dấy lên vấn đề nghiêm trọng.
Ở tất cả đội thể thao trên thế giới đều có thứ tự phân hạng riêng và việc thách thức quyền lực của đội trưởng hoặc HLV là không phù hợp. Trước đây, những cuộc cãi vã kiểu giữa HLV và cầu thủ thường bị chỉ trích dữ dội, như xung đột David Beckham - Sir Alex Ferguson ở Manchester United vào năm 2002.
Nghiêm trọng hơn, khi có những "va chạm vật lý" xuất hiện, người bị kết luận có tội sẽ nhận hình phạt cấm thi đấu. Điển hình là ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) vào tháng 4 năm ngoái, Rudy Gobert bị treo giò một trận sau khi đấm đồng đội Kyle Anderson.
Lee Kang-in đang vấp phải nhiều sự chỉ trích hơn Son Heung-min. |
Với Lee Kang-in, nếu bị kết luận là thủ phạm chính gây ra vụ ẩu đả với Son Heung-min, khiến đội trưởng tuyển Hàn Quốc bị trật khớp tay, tài năng đang lên của bóng đá Hàn Quốc chắc chắn hứng chịu cơn thịnh nộ lớn hơn từ người hâm mộ.
Hiện KFA chưa có kết luận về vụ việc, nhưng ngay từ giờ, làn sóng chỉ trích tiền đạo của PSG đã tăng dần. Và rất có thể, chính phản ứng từ cư dân mạng mới phán xét Lee Kang-in, quyết định tương lai cầu thủ này ĐTQG.
Cuốn sách “Brilliant Orange: The Neurotic Genius of Dutch Football” xuất bản lần đầu năm 2000. Là người Anh nhưng Winner rất ngưỡng mộ bóng đá Hà Lan, và viết ra cuốn sách về bóng đá giàu trí tuệ bậc nhất từ trước đến nay.