Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẻ thù giấu mặt đáng sợ của vòng hai

Nhiều người cho rằng ăn nhiều mỡ động vật và thịt đỏ là nguyên nhân gây béo bụng. Ngoài chất béo, carbohydrate cũng là một trong những thứ khiến vòng hai ngày càng quá khổ.

An chuan it benh anh 1

Nhiều người không tăng cân, nhưng mỡ lại tập trung nhiều ở bụng, điều này là do thừa carbohydrate. Ảnh: T.N.

Carbohydrate, lipid và protein đều có khả năng sinh ra năng lượng, nhưng nếu xét thành tích, tổng năng lượng do carbohydrate cung cấp đứng số một. Carbohydrate hay còn gọi là chất bột đường, nói một cách dễ hiểu thì chính là cơm, mì sợi, bánh mì, khoai lang, khoai tây... Ăn quá nhiều loại thực phẩm này không hề tốt, cũng không sinh ra thật nhiều năng lượng giúp bạn cường tráng mạnh khỏe, mà sẽ tích trữ dưới dạng năng lượng hóa học, biểu hiện của dạng năng lượng này chính là thừa mỡ.

Do lượng vận động của người hiện đại giảm sút quá nhanh mà thói quen ăn uống lại không hề thay đổi, dẫn đến tổng năng lượng hấp thu nhiều hơn tổng năng lượng tiêu hao, gây tích trữ năng lượng, dẫn đến việc người béo phì ngày một nhiều lên, cũng mắc rất nhiều bệnh tật. Trong trường hợp này, để cân bằng năng lượng, ta buộc phải vận động nhiều hơn để giảm lượng tích trữ.

Trong cuốn Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho dân cư Trung Quốc được xuất bản năm 2016 có viết: Mỗi ngày một người nên ăn tổng cộng 250-400 gam ngũ cốc, khoai, đậu, trong đó ngũ cốc và đậu chiếm khoảng 50-150 gam, khoai chiếm khoảng 50-100 gam.

Tại sao lượng hấp thu lại có khoảng chênh lệch lớn như vậy?

Tuy diện tích lãnh thổ Trung Quốc được xét là khá lớn, nhưng kinh tế phát triển không cân đối nên cường độ lao động của cư dân cũng khác nhau. Trong số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào năm 2014 cho thấy: Cuối năm 2013, dân số sống ở thành thị Trung Quốc chiếm 53,73% tổng dân số. Hơn nữa hoàn cảnh và ngành nghề khác biệt, năng lực kinh tế không giống nhau, dẫn đến lượng hấp thu carbohydrate cũng có sự biến đổi khá mạnh, bởi vậy khoảng chênh lệch được nêu ra trong hướng dẫn cũng rất lớn.

Hàng ngày ta ăn cơm, mỗi bữa không phải chỉ có carbohydrate, mà còn phải đa dạng hóa thực phẩm, để dinh dưỡng cân bằng.

Trong gạo trắng, mì trắng có hàm lượng tinh bột rất cao, 100 gam gạo và mì có hàm lượng tinh bột cao gấp bốn lần họ khoai (khoai tây, củ từ, khoai sọ...), gấp hai lần họ đậu (đậu nho nhe, đậu cô ve...)

Người lao động thể lực cao ăn nhiều thực phẩm chứa tinh bột như mì sợi, bánh bao, cơm... là hợp lý. Nhưng khi lượng vận động giảm thiểu, phải lập tức thay đổi chủng loại và lượng lương thực cần nạp vào cơ thể, giảm hấp thu tinh bột.

Tôi từng điều trị cho một bệnh nhân nam, 67 tuổi, đường huyết cao, huyết áp cao, từng uống khá nhiều thuốc.

Ông cụ rất mập, bụng phệ. Bản thân ông không uống rượu, không hút thuốc, ngày nào cũng đi bộ, nhưng có vẻ như không mấy hiệu quả, cuối cùng được con gái đưa tới Khoa Dinh dưỡng để xin tư vấn xem nên ăn uống thế nào.

Trước tiên tôi điều tra về chế độ dinh dưỡng, tìm hiểu thói quen ẩm thực của ông ấy.

Mỗi ngày ông ấy ăn 2~3 bữa mì sợi, tổng cộng gần 500 gam mì sợi, sáng sớm ăn cháo, ăn rất ít lương thực thô; mỗi ngày ăn khoảng 50 đến 100 gam thịt, ăn chưa tới 250 gam rau củ; gần như không ăn trái cây, rất ít khi ăn cá.

Rõ ràng bệnh nhân này bị mất cân bằng dinh dưỡng nghiêm trọng, ăn quá nhiều carbohydrate và muối, song lại ăn quá ít rau củ và trái cây.

Thường thì khi hướng dẫn chế độ ẩm thực cho ca nào, đầu tiên chúng tôi sẽ tìm ra thói quen xấu hoặc chưa hợp lý của bệnh nhân, sau đó khuyên họ sửa đổi.

Bệnh nhân này vừa nghe tôi nói phải ngưng ăn mì sợi, liền hoảng hốt nói: “Tôi ăn mì sợi từ bé đến giờ, sáng nào cũng húp cháo với ăn dưa muối, thành thói quen rồi, không ăn được những thứ khác.”

Tôi hỏi ông ấy: “Trước kia cụ làm công việc gì? Sống ở đâu? Thường ngày thích làm gì?”

“Tôi làm nông. Mấy năm trước ruộng nhà tôi bị thu mua, chính phủ sắp xếp cho chúng tôi chuyển vào ở trong khu chung cư. Tuy sống trong một căn hộ lớn, nhưng tôi thấy rất ngột ngạt bức bối. Tôi thích làm việc ngoài đồng ruộng, giờ không có việc gì làm, rảnh rang thì chơi bài, bình thường còn thích nấu cơm. Tôi làm mì cũng khá, mỗi lần nhà có khách tới chơi, tôi đều sẽ trổ tài xuống bếp làm đủ loại mì cho khách ăn.” Nói tới đây, đôi mắt của ông cụ không giấu nổi niềm vui.

Tôi vừa nhìn ông cụ vừa cười hỏi: “Trước kia cụ làm nông, mất nhiều sức lực, cần nhiều năng lượng, hơn nữa ngày nào cũng đổ mồ hôi. Mồ hôi có vị gì? Là vị mặn, cho nên ăn mì sẽ rất tốt. Nhưng cụ đã chuyển vào sống ở chung cư, ít vận động, nếu còn giữ lượng ăn như trước, thức ăn đi vào cơ thể trở thành gánh nặng, huyết áp, đường huyết đều sẽ tăng cao.”

Bệnh nhân ngập ngừng hỏi tôi: “Sau này tôi không được ăn mì sợi nữa à?”

“Không tới mức ấy đâu, ăn ít vẫn được mà. Nếu huyết áp của cụ ổn định rồi, lượng vận động tăng lên, ngày nào cũng đổ mồ hôi, thì cụ có thể ăn nhiều mì sợi hơn.”

Ông cụ nhoẻn cười, cuối cùng cũng hiểu hoàn cảnh thay đổi thì chế độ ăn uống cũng phải thay đổi theo. Sau khi về nhà, ông cụ ăn nhiều lương thực thô hơn, đôi lúc còn hấp khoai tây ăn thay mì, cơm. Khoai tây cũng là món mà từ nhỏ ông cụ đã rất thích, vừa ăn no vừa bổ sung được chất xơ, kali. Đồng thời ông cụ còn tăng cường ăn các món rau xanh, cũng kiên trì ăn trái cây hàng ngày.

Hai tháng sau, ông ấy tới khám lại, bụng nhỏ đi rất nhiều, gương mặt cũng hồng hào hơn. Một năm sau, từ việc mỗi ngày phải uống ba loại thuốc giảm huyết áp, ông ấy chỉ phải uống một loại mà thôi, hơn nữa chỉ số đường huyết cũng rất ổn định.

[...]

Hạ Manh/ Huy Hoàng Books và NXB Thanh niên

SÁCH HAY