Nhà văn Kazuo Ishiguro. Ảnh: The Times. |
Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 sẽ diễn ra ngày 12/3 tại Nhà hát Dolby ở Hollywood, Mỹ (sáng 13/3 theo giờ Việt Nam). Năm nay, giới yêu thích văn chương có thêm lý do để dõi theo Oscar bởi nhà văn Kazuo Ishiguro được đề cử hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc cho kịch bản phim Living. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc mới trong sự nghiệp tác giả.
Chặng đường đến Oscar
Trước Living, kịch bản phim cuối cùng mà Kazuo Ishiguro thực hiện là từ năm 2005 - phim The white countess. Bộ phim ra mắt và nhận được những phản hồi không mấy tích cực từ cả phía khán giả lẫn giới phê bình. Nhiều người khi ấy đã buông lời nhận xét rằng có lẽ Ishiguro chưa đủ chín với tư cách là một nhà biên kịch.
Tờ Vanity Fair cho rằng công việc ở Hollywood đòi hỏi những kỹ năng cụ thể - cả về mặt nghiệp vụ lẫn về mặt xã hội - mà khi ấy Kazuo chưa có được.
Tua nhanh gần 2 thập kỷ sau, Kazuo Ishiguro đã là một biên kịch được đề cử Oscar. Living là tác phẩm chuyển thể lại từ bộ phim kinh điển Ikiru năm 1952 của đạo diễn Akira Kurosawa. Kazuo Ishiguro cho biết ông xem Ikiru từ khi còn nhỏ và ấn tượng sâu sắc.
Với lối tiếp cận chuyển thể khôn ngoan và chân thành, Kazuo Ishiguro đã đem đến thành công cho Living, đồng thời mở cánh cửa cho chặng đường tiếp theo trong sự nghiệp của cây bút này.
Nhưng cạnh tranh trong một hạng mục cùng những người từng được đề cử như Sarah Polley (kịch bản Women Talking) hay Christopher McQuarrie (kịch bản Top Gun: Maverick), Ishiguro thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với Vanity Fair rằng ông vẫn đang xử lý cảm xúc của mình.
Ông nói: "Tôi không thực sự thuộc về cộng đồng làm phim. Những lần tôi đến Los Angeles, tôi nhận thấy các hội nhóm người làm phim, họ rất gắn bó và tương hỗ nhau. Họ đánh bạn với nhau và tôi nằm ngoài vòng xã hội ấy".
Ông thú nhận cảm giác như một kẻ mạo danh thâm nhập vào cộng đồng làm phim khi mà giữa nhiều tài năng như thế, ông lại là người được đề cử Oscar. Ông cảm thấy đề cử này như từ trên trời rơi xuống.
"Mặt khác, để bào chữa cho mình, tôi nghĩ quỹ đạo của mình khác với họ. Kịch bản của tôi không phải là một kịch bản điển hình. Tôi đã dành mỗi ngày trong 45 năm qua để nghĩ về các câu chuyện và cách chúng được thiết lập", Ishiguro nói.
Trong quá khứ, cây viết người Anh gốc Nhật này đã giành nhiều giải thưởng danh giá ở mảng văn chương như giải Booker, giải Nobel. Với đề cử Oscar, ông cảm thấy như ông đang bước sang chặng tiếp theo của sự nghiệp.
Hình ảnh trong phim Living. Ảnh: Sundance. |
Mối quan hệ với điện ảnh
Nhà văn đoạt giải Nobel cho biết ông viết kịch bản vì ông là một người hâm mộ điện ảnh. Ông kể rằng ngay từ những ngày đầu nghiệp viết, sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên vào năm 1983, ông đã có thể kiếm sống thông qua việc viết kịch bản một số chương trình truyền hình.
Ông thậm chí còn từng tự hỏi bản thân xem liệu ông sẽ trở thành một tiểu thuyết gia hay một nhà biên kịch. Nhưng rồi ông kết luận: "Về cơ bản, tôi là một tiểu thuyết gia. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi tự viết kịch bản hoàn chỉnh".
Kazuo Ishiguro cho rằng trải nghiệm xem Ikiru hồi nhỏ đã tác động lớn lên ông và những câu hỏi hiện sinh bộ phim đặt ra đã ảnh hưởng lên cả những cuốn sách ông viết.
Ông nói: "Một phần trong tôi muốn bám sát vào bản phim của Kurosawa. Nhưng tất nhiên, nó lại đặt ra vấn đề xung đột cá tính. Và một phần khác trong tôi tự nhủ rằng bám sát bản gốc sẽ không thành công".
Ông tự nhận mình là một kẻ tự cao tự đại và quen làm theo ý mình với tư cách là một tiểu thuyết gia. Do vậy, ông muốn mang đến bản phim mới những sắc thái riêng.
Kazuo Ishiguro thừa nhận rằng khi viết kịch bản The white countess, ông đã không hiểu rõ cách viết một kịch bản phim và rằng ông "còn đang học việc". Nhưng đến với kịch bản chuyển thể Ikiru, Kazuo đã có thêm nhiều năm kinh nghiệm, cùng sự tự tin của một nhà văn được trọng vọng.
Ông mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận, viết kịch bản xoay quanh nhân vật hơn là xoay quanh hành động. Ông đã học được cách cân bằng giữa cái tôi và cái chung ở kịch bản phim lần này.
Hình ảnh trong phim Never let me go (2010). Ảnh: Everett Collection. |
Quan điểm về chuyển thể
Khi được hỏi về dự án chuyển thể Never let me go (Mãi đừng xa tôi), Kazuo Ishiguro cho biết ông rất thất vọng rằng dự án phim với FX bị hủy giữa chừng. Ông cũng nhận xét về bản phim điện ảnh năm 2010 do Mark Romanek đạo diễn từ kịch bản Alex Garland viết. Ishiguro cho rằng bộ phim rất tuyệt, trung thành và giữ tinh thần của nguyên tác.
Theo kế hoạch, loạt phim chuyển thể của FX sẽ có nhiều khác biệt, theo hướng như cách loạt phim Fargo của nhà đài này đã rời xa nguyên tác. Nhà văn cho rằng ý tưởng này rất thú vị và lấy làm tiếc rằng kế hoạch đã đổ bể.
Ông chia sẻ: "Có lẽ tôi đang ở một vị trí có nhiều đặc quyền khi các tác phẩm của tôi vốn đã khá nổi tiếng trong địa hạt của mình rồi. Tôi cảm thấy mình đủ thẩm quyền để mong rằng bất cứ ai nhận chuyển thể tiểu thuyết của mình cũng nên rời xa nguyên tác. Câu chuyện nên có nét mới lạ, nên phát triển khác một chút. Chớ nên dịch ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ điện ảnh như cách dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp hay tiếng Đức".
Ông cho rằng việc câu chuyện của mình được phát triển qua các thế hệ là một điều tuyệt vời. Ishiguro nhận định: "Như thần thoại và truyện cổ tích - hay như cái mà chúng ta gọi là thể loại ở sách và điện ảnh: một câu chuyện luôn được kể theo nhiều cách khác nhau".
Nhà văn cho rằng đây chính là một bài học quan trọng về phương pháp kể. "Như tôi đã nói, tôi đã dành mỗi ngày trong 45 năm qua để nghĩ về các câu chuyện và cách chúng được thiết lập".
Ông chia sẻ rằng ông cảm thấy vinh dự khi được là một phần của chuỗi sáng tạo ấy, rằng ông đã tạo ra một thứ mà người ta có thể sử dụng và phát triển thành một thứ khác, tựa như một câu chuyện truyền miệng, từ đời này sang đời khác.