Những nhà văn nổi tiếng đã chọn cho mình một cuốn tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro chạm đến trái tim họ nhiều nhất. Đó là Mãi đừng xa tôi, Người khổng lồ ngủ quên và Tàn ngày để lại.
Margaret Atwood: Mãi đừng xa tôi
Mãi đừng xa tôi là tác phẩm phản địa đàng nổi tiếng của Kazuo Ishiguro. Câu chuyện được kể dưới lời của nhân vật Kathy H, lớn lên trong một ngôi trường nơi trẻ em được nuôi dạy để trở thành người hiến tạng. Giống như bao đứa trẻ khác trong trường, cô không có cha mẹ, và khi lớn lên cũng không thể có con.
Kathy H chưa bao giờ nói về sự bất công trong số phận của cô ấy. Thay vào đó, cô chỉ tập trung vào hai mối quan hệ thân thiết nhất với mình, cô bạn Ruth và cậu bạn Tommy, người mà cô yêu mến từ khi còn nhỏ. Tác phẩm được viết khi Ishiguro đã 50 tuổi, nhưng giọng điệu miêu tả tâm lý tuổi mới lớn của Kathy H vẫn rất hoàn hảo.
Nhà văn người Canada Margaret Atwood lựa chọn Mãi đừng xa tôi là cuốn sách bà yêu thích nhất của Ishiguro. |
Xuyên suốt cuốn sách, Kathy cũng khám phá ra một số bí ẩn. Tại sao việc học nghệ thuật hồi nhỏ lại quan trọng đến vậy? Tại sao lại cho lũ trẻ được giáo dục tử tế trong khi đằng nào chúng cũng chết trẻ? Liệu những người như cô có thực sự là con người hay không?
Cuốn sách này nói về cách con người đạp lên nhau mà sống, “ăn thịt” đồng loại bằng cách sử dụng nội tạng của người khác để mình được sống tiếp như thế nào. Từ đầu đến cuối tác phẩm, không có nhiều cảnh ăn uống, cảnh tận hưởng, thậm chí cả cảnh làm tình cũng không hề dữ dội.
Nhưng cảnh sắc trong truyện cũng như thời tiết hiện diện vô cùng mãnh liệt. Giống như Kathy H đã tự chuẩn bị cho ý nghĩ rằng mọi thứ trong cơ thể sẽ rời khỏi cô, và nếu làm như vậy, cô sẽ cảm thấy ít bị tổn thương hơn.
Cuối cùng, Mãi đừng xa tôi nói về ước muốn của con người, đó là luôn làm tốt hơn nữa. Lũ trẻ trong truyện ước muốn sâu sắc trở thành "một người chăm sóc tốt" rồi là "một người hiến tạng tốt", điều đó thực sự đau lòng. Không ai trong số chúng nghĩ đến việc trốn chạy, đây là cái bẫy nhốt chúng ở trong lồng. Trong thế giới của Ishiguro, cũng như trong thế giới của chúng ta, hầu hết mọi người đều làm những gì được bảo.
Những nhân vật trong Mãi đừng xa tôi chẳng phải là anh hùng, kết truyện cũng không hề dễ chịu. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách xuất sắc được viết bởi một cây bút bậc thầy, người đã chọn một chủ đề khó cho mình: chính chúng ta, được nhìn qua kính, trong bóng tối.
Ian Rankin: Người khổng lồ ngủ quên
Sau thành công của cuốn tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi năm 2005, người đọc phải chờ đợi 10 năm cho tác phẩm tiếp theo của Ishiguro, một tiểu thuyết giả tưởng đẫm máu liên quan đến một con quái vật đáng sợ.
Bối cảnh Người khổng lồ ngủ quên diễn ra ở Kỷ nguyên Đen tối, nước Anh sau thời vua Arthur, nơi có các vị anh hùng, pháp sư, phù thủy, phép thuật vẫn còn tồn tại. Câu chuyện xoay quanh một cặp vợ chồng già Axl và Beatrice, họ sống một cuộc đời mơ hồ về mọi thứ xung quanh dưới làn sương bảng lảng. Họ cảm thấy rằng mình từng có một đứa con trai, và họ bắt đầu lên đường tìm kiếm đứa con ấy.
Trên đường đi, họ gặp được những người kỳ lạ, dẫn đến một chuyến phiêu lưu lạ kỳ. Đó là một chiến binh người Saxon dũng cảm tên là Wistan và một hiệp sĩ già Gawain, người theo lời hứa với vua Arthur mang trọng trách bảo vệ con rồng Querig - thủ phạm gây ra làn sương khiến mọi ký ức đều bị mất đi.
Người khổng lồ ngủ quên là lựa chọn của Ian Rankin, nhà văn chuyên viết truyện trinh thám tội phạm hơn 30 năm. |
Ishiguro không có khả năng viết nên những câu văn buồn tẻ. Anh ấy có một sự đồng cảm sâu sắc, và thể hiện rõ nhất từ đó chính là câu chuyện tình yêu lâu bền và sự kết nối giữa con người với con người. Thế giới của Axl và Beatrice là một nơi mà những thứ bị lãng quên có thể trở nên quan trọng như những thứ được ghi nhớ.
Hòa bình giữa các bộ tộc từng gây ra chiến tranh một thời giữa người Anh và người Saxon được giữ vững dựa trên sức mạnh của rồng. Nếu ký ức bị xóa chung đó sẽ quay trở lại, có khả năng xảy ra xung đột mới và con người lại đổ máu.
Hình ảnh người khổng lồ ngủ quên ở tên sách có lẽ không giống như con rồng khi cơn thịnh nộ có thể đi kèm với sự trở lại đột ngột của một phần lịch sử bị xóa. Nhưng nó đặt ra một câu hỏi muôn thuở rằng: Chẳng thà chúng ta không biết thì hơn?
Đó là chủ đề được tìm thấy ở các tác phẩm của Milan Kundera cũng như phim The Matrix, hay gần đây xuất hiện trong tác phẩm The Second Sleep của Robert Harris (lấy bối cảnh tương lai) và Red Pill của Hari Kunzru (lấy bối cảnh hiện tại). Bằng việc lựa chọn bối cảnh ở Kỷ nguyên Đen tối và một thế giới đầy rẫy thần thoại và phép thuật, Ishiguro đã đem đến một sự mới mẻ và độc đáo.
Sarah Perry: Tàn ngày để lại
Cuốn tiểu thuyết Tàn ngày để lại mở đầu vào năm 1956 với nhân vật chính Stevens, người quản gia tận tụy của Dinh Darlington đang lái một chiếc xe sang trọng về miền Tây nước Anh. Ông hy vọng có thể thuyết phục được bà Keaton, người nội quản cũ của dinh thự trở về làm việc cùng ông.
Người đọc khi đi theo lời tường thuật của Stevens có thể nhận ra sự lo lắng, ngập ngừng của ông với hàng loạt câu mở đầu "tôi nên nói rằng", "theo như tôi nhớ", "tôi cho rằng"... Tâm trí Stevens không ngừng xoay quanh việc coi sóc những ngôi nhà ở đồng quê nước Anh nói chung và Dinh Darlington nói riêng.
Nhưng tất cả những điều này tạo nên một bức tường vững chắc để chống lại đau thương và mất mát, và thành công của Ishiguro chính là cho phép người đọc có cái nhìn đầy đủ về vùng đất này dù chưa một lần bước chân ra khỏi tường để chiêm ngưỡng nó.
Khi Stevens lái xe qua Salisbury và Taunton, ông suy nghĩ về bản chất công việc của mình. Đó là lúc người đọc nhận ra, sớm hơn người kể chuyện, rằng Stevens đã bị hủy hoại bởi lý tưởng của chính mình: Phẩm giá và lòng tận tụy, rằng gia đình quý tộc mà ông đã cống hiến cả đời lại là những kẻ ngu ngốc đi theo chủ nghĩa phát xít; rằng ông đã phung phí niềm hy vọng đơn phương cho một mối tình lãng mạn.
Sarah Perry, tác giả của The Essex Serpent, yêu thích tác phẩm Tàn ngày để lại. |
Đây là một cuốn tiểu thuyết bóc tách những điều phi lý tồn tại ở nước Anh thời điểm đó chính xác đến kinh ngạc, nhưng có lẽ điều khiến nó được ngưỡng mộ lại là câu chuyện tình yêu bị ngăn cản và chệch hướng.
Có một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi nhưng hết sức phi thường trong cuốn sách này, khi Stevens chắc chắn rằng bà Keaton đang khóc sau cánh cửa đóng, nhưng ông lại mâu thuẫn với đức hạnh và sự chuyên nghiệp của mình nên đã không làm gì cả. Đây chính là điểm khiến nhiều người tranh cãi, liệu Stevens có thực sự yêu Keaton hay không?
Tàn ngày để lại không phải một cuốn sách bi kịch, mà tệ hơn thế, nó là một tác phẩm sầu thảm. Nhân vật Stevens chính là lời cảnh báo đầy đau đớn cho tương lai: Thật dễ dàng để lãng phí một cuộc đời và để tình yêu trôi đi như một nắm cát.