Cảnh đồi mờ xám là câu chuyện của người phụ nữ tên là Etsuko, với những mảng ký ức chắp vá, chen lẫn thực tại, đầy mất mát và cô đơn. Cô trải qua hai đời chồng và có hai đứa con gái là Keiko và Niki. Hai cô con gái với hai người cha khác nhau, nhưng tính cách đôi phần giống nhau: Lặng lẽ, kín đáo, nội tâm. Keiko tự vẫn trong cô độc, để lại cho người mẹ mình thêm nhiều dằn vặt, tiếp nối là cảnh tượng của một Nhật Bản đầy biến loạn về chính trị, xã hội và đời sống, nhưng điều giữ cho tác phẩm cân bằng chính là cảnh vật yên bình, nhẹ nhàng mà tác giả mang lại.
Chiến tranh đã làm cho cô phải lao đao
Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản chịu nhiều tổn thất lớn, khiến cho con người với con người, thế hệ này với thế hệ khác, tầng lớp này với tầng lớp khác có nhiều mâu thuẫn về chính trị, tư tưởng, quan niệm sống. Những trăn trở, mất mát khiến cho họ khép kín, hoài nghi, cô độc và thậm chí là lạnh lùng hơn.
Từ thực tại ở một vùng quê nước Anh, cho tới Nagasaki, Nhật Bản trong miền kí ức, tác giả đang lồng ghép những khung cảnh tĩnh mịch. Tất cả: Sương mù, nắng nhợt, khí trời oi nồng, những màn mưa xám xịt, màu trời tối sẫm, con sông nhỏ yên ắng, những bụi cỏ bí ẩn... tạo nên một màu sắc ảm đạm trong từng câu chữ của tác phẩm.
Những chi tiết đầy buồn bã, bức bối và nhạt nhòa, nhưng cũng mang lại sự thanh bình, giản dị trong một phong cách sống rất chậm của người Nhật.
Cảnh đồi mờ xám - tác phẩm tái hiện không khí Nhật Bản thời hậu chiến. |
Sau thế chiến, nhiều người đã hy sinh trên chiến trận và vì hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Nhật đầu hàng vô điều kiện, những người còn sống chịu mất mát về tinh thần, vật chất. Những đổi thay về thời thế ảnh hưởng dần rõ rệt lên từng suy nghĩ, hành động, chi phối quyết định của con người.
Trong ký ức của Etsuko khi nhớ về Nagasaki, cô đặc biệt nhắc nhiều đến người phụ nữ tên là Sachiko và đứa con gái Mariko. Một người phụ nữ khó hiểu, từng có chồng trong giới tri thức, sống ở Tokyo. Với cuộc sống đầy đủ vật chất lẫn tinh thần, Sachiko dường như không chấp nhận được một nơi ở mới, một tinh thần “ăn nhờ ở đậu” tại nhà bác chồng.
Thời gian sau cô chuyển đến sống gần nhà Etsuko, trong căn nhà gỗ trên bãi đất trống rộng lớn ngay sát bờ sông. Thậm chí trong lúc túng thiếu, cô vẫn đinh ninh nơi phù hợp với mình là một nơi giàu có hơn, sạch sẽ hơn, hoặc ít ra là giống như hồi cô sống ở Tokyo.
Thời thế thay đổi, với một mong mỏi được anh bạn trai Tây phương sẽ mang mình và con gái sang Mỹ định cư, cô bất chấp mọi giả dối, nghi vấn, mọi lo sợ để đinh ninh bạn cô sẽ giúp cô đổi đời. Người phụ nữ này cho rằng, việc sống ở Mỹ sẽ giúp cuộc sống của cô và con gái thay đổi một cách tốt hơn, thay vì ở đây với chỗ ở tồi tàn, làm việc trong quán mì nhỏ bé xập xệ.
Trong sự ruồng bỏ thực tại, rằng mọi thứ đã không còn như trước nữa, người phụ nữ ấy đã biện minh cho mọi hành động của mình, vì “Rốt cuộc Etsuko, chị còn gì để mất đâu”. Chiến tranh khiến cho những người như cô phải lao đao, khốn khó hơn bất cứ khi nào hết. Cô cũng là hình mẫu cho nhiều người hiện nay, sống trong nỗi sợ, sợ khó khăn, sợ thay đổi.
Khi đứng trước một nỗi sợ, con người thường có dấu hiệu trốn tránh thực tại, và cho rằng thực tại thật tồi tệ và không xứng đáng với mình. Nhân vật Sachiko là sự phản chiếu rõ nhất xã hội lúc bấy giờ tại Nhật, với những chắp vá về cuộc sống, không tương lai cụ thể, đầy nghi hoặc.
Một thầy Ogata - cha chồng của Etsuko - với lối suy nghĩ bảo thủ, nhưng cũng đầy tình cảm. Ông không chấp nhận việc giữa vợ và chồng có sự đối lập trong việc ủng hộ đảng phái chính trị, ông cho rằng nước Nhật thất bại là vì không đủ vũ khí, chứ không hề do dân trí hay tư tưởng.
Nhưng người cha - thầy này cũng đáng thương vô cùng, vì ông là người từng có tầm ảnh hưởng trong xã hội, từng đưa ra những lối suy nghĩ và giáo dục khiến nhiều người đồng tình, ông chưa chấp nhận rằng “và mọi thứ vẫn đang tiếp tục thay đổi. Chúng ta đang sống một thời kì khác với ngày xưa...”.
Bên cạnh đó, những nhân vật dù nhỏ, nhưng họ cũng là những đại diện tiêu biểu cho sự thay đổi theo hướng tiêu cực bởi cuộc chiến để lại. Là một cô bé Mariko lên tám khó hiểu, ngang bướng, ghét đi Mỹ, ghét người tình của mẹ, cô độc và chỉ biết chơi với những chú mèo con, bị ám ảnh một người phụ nữ tự tay giết con mình trên một dòng sông lúc em năm tuổi.
Là một bác Fujiwara mất ba người con và chồng mình, bác từng là người sống trong một gia đình trí thức, được kính trọng, nhưng giờ lại trong bộ dạng có phần “hơi xót xa” - theo ý thầy Ogata nói, với quán mì nhỏ của mình. Rồi con trai Kazuo - đứa còn sống duy nhất sau chiến tranh của bác, cô độc, không quên được người vợ đính hôn đã mất, nhưng rồi anh cũng sẽ trở nên ổn hơn thôi, vì mẹ anh thường nhắc nhở anh, hãy sống hướng về tương lai.
Văn phong nhẹ nhàng, lối kể thủ thỉ của Kazuo Ishiguro
Qua giọng kể của một người phụ nữ Nhật đa sầu đa cảm, đè nén những dằn vặt về cái chết của đứa con gái trầm cảm, tác giả Kazuo Ishiguro như vẽ nên bức tranh đồi núi Nagasaki vắng vẻ, trống trơn, buồn bã, đôi lúc mờ ảo. Nhưng cảnh vật ấy đầy bình yên, với những con người sống cùng những thay đổi, mất mát, những tổn thương hậu chiến.
Nhà văn Kazuo Ishiguro đoạt giải Nobel năm 2017. |
Tác giả Nobel 2017 dùng giọng văn nhẹ nhàng, chậm rãi, đặc kể nhiều chi tiết về con người, cảnh sắc, lối sống... Ông khiến độc giả sống trong không khí của câu chuyện mình kể, lôi cuốn và nhẹ nhàng dẫn dắt từ chi tiết này đến chi tiết khác. Chính sự “nắm tay dắt nhau đi dạo” của ông đối với độc giả trong Cảnh đồi mờ xám làm cho tác phẩm bớt đi cái đau thương, ám ảnh, mà thêm phần đặc sắc, không quá vội vã, không cần ồn ào, hay nổi loạn, cũng khiến người đọc chú tâm tuyệt đối.
Với sự lắng nghe, quan sát, trải nghiệm, góc nhìn đa chiều, Cảnh đồi mờ xám là bức tranh, là giai điệu, là tiếng nói nhẹ nhàng của mỗi con người trong ta.