Genre: Nhạc kịch, Tâm lý
Director: Todd Phillips
Cast: Joaquin Phoenix, Lady Gaga
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
5 năm, sau những tranh luận không dứt về phần phim riêng ra mắt năm 2019, hoàng tử tội phạm Joker trở lại trong hậu truyện Folie à Deux (tựa Việt: Điên có đôi). Với diện mạo nhạc kịch mới, đứa con tinh thần của Todd Phillips một lần nữa đào bới cuộc đời gã hề vật lộn “dưới đáy xã hội”, nay bị nhốt tại nhà thương điên Arkham sau loạt tội ác hắn từng gây ra.
Tại đây, Joker gặp Harley Quinn. Hai kẻ điên lạc lối tìm thấy sự đồng điệu nơi tâm hồn. Họ cùng rơi xuống vực thẳm điên loạn, nơi linh hồn thoát khỏi những gông cùm của thể xác, nơi phán xét của pháp luật không thể giữ chân cả hai.
Folie à Deux, như thường lệ, vẫn đặt ra hàng loạt câu hỏi xoay quanh tâm trí của một kẻ Psychopath (thái nhân cách). Chỉ là, nó dường như bị mắc kẹt giữa hai bản thể cùng tồn tại trong nhân vật, không xác định rõ là Arthur Fleck, hay nhân cách thứ hai muốn cất tiếng nói nhiều hơn.
Khi thước phim cuối cùng khép lại, người xem tự hỏi Arthur Fleck ở đó, còn Joker đâu rồi?.
‘Tôi và cái bóng của tôi’
Folie à Deux mở ra bằng thước phim hoạt hình kỳ lạ, khi Joker và cái bóng của gã vật lộn để tìm ra kẻ nắm quyền kiểm soát. Sự đấu tranh căng thẳng diễn ra ngay từ bên trong gã hề. Chỉ có điều, chẳng ai biết “cái bóng” đó đại diện cho điều gì, là Arthur Fleck “hay nhân cách thứ hai” từng trỗi dậy mạnh mẽ?
Chưa vội đưa ra lời giải, Todd Phillips nhanh chóng dắt người xem trở lại thực tại, nơi Arthur (Joaquin Phoenix) đang bị giam giữ tại Arkham. Cú long-take theo chân nhân vật đi gặp luật sư bào chữa tái hiện toàn cảnh cuộc sống tại địa ngục tăm tối: “Arkham và nửa còn lại của thế giới” - theo lời một viên quản trại.
Hậu truyện Joker có ngân sách lên tới 200 triệu USD. |
Chuỗi ngày buồn tẻ của Arthur sớm chấm dứt kể từ lần gặp gỡ Lee (Lady Gaga). Cả hai dần nảy sinh tình cảm sau những lần tiếp xúc ngắn ngủi. Lần đầu được yêu, Arthur như được hồi sinh.
Ở tiền truyện, khán giả chứng kiến nhân cách Joker hình thành và trỗi dậy khi bị cuộc đời vùi dập. Sang đến phần này, Todd Phillips lại tái hiện bức tranh tâm lý hỗn loạn của Arthur, theo phong cách slow-burn. Phim trở lại với tiết tấu chậm rãi, theo gót Arthur trong cuộc sống tại trại thương điên, cho đến các phiên tòa trước khi thẩm phán đưa ra bản án cuối cùng cho những tội ác của gã.
Tâm lý Arthur có nhiều biến động suốt chuỗi ngày dằng dặc ấy, khi gặp Lee, khi đấu tranh để thừa nhận hay chối bỏ nhân cách mới.
“Folie à Deux” chỉ chứng rối loạn tâm thần chia sẻ, một hội chứng hiếm gặp, khi hai hoặc nhiều cá thể trong một mối quan hệ có chung chứng rối loạn ảo tưởng. Trong đó, niềm tin ảo tưởng được truyền từ người này sang người kia. Trong tác phẩm của Todd Phillips, gã hề đã “lây lan” căn bệnh sang Lee, khiến cả hai “điên có đôi”.
Gặp được tình yêu vào khoảnh khắc tăm tối nhất cuộc đời, Arthur sống lại. Linh hồn gã thoát khỏi ngục tù, bay bổng tự do với cô bạn gái mới quen. Khi cả thế giới ngoài kia tranh cãi, xôn xao muốn định tội, Arthur chẳng quan tâm mà cất tiếng hát. Vị ngọt của tình yêu, dù là thực hay ảo giác, đã khiến cuộc đời gã hề một lần nữa thay đổi.
Mạch truyện Folie à Deux có chút hỗn loạn, ngẫu hứng, không cụ thể, tựa như những mảnh ghép tản mát được gắn kết bằng hành trình tâm lý lắm biến chuyển rối rắm. Thay vì kể câu chuyện, đạo diễn kể tâm tư nhân vật. Chẳng có những biến cố, bước ngoặt lớn tạo mục tiêu xuyên suốt cho nhân vật, “kim chỉ nam” dẫn dắt Arthur đơn thuần là những lần tiếp xúc với cô bạn gái tên Lee.
Nhà tù và phiên tòa, hai bối cảnh cùng những con người quen thuộc lặp đi lặp lại. Sự xê dịch trong tâm trí gã hề cũng chậm chạp đến uể oải. Phim vì vậy mà càng thêm phần u tối, nặng nề, tựa như một lời thách thức tới sự thấu cảm và kiên nhẫn của người xem.
Những khung hình giàu tính tự sự trong Folie à Deux. |
Arthur hay Joker?
Nếu ra rạp xem phim với tâm thế muốn “thấy” Joker, khán giả hẳn sẽ thất vọng.
Vì được đặt ở vị trí trung tâm Folie à Deux, là Arthur.
Gã hề tội nghiệp khao khát sự thông cảm đến kiệt quệ. Dù là trong căn phòng giam chật hẹp, hay giữa hàng nghìn bệnh nhân và viên quản trại, Arthur vẫn luôn cô độc, thảm thương, chẳng khác cuộc sống của gã trước khi bị tống vào Arkham, nơi dường như bị cách ly với ánh sáng.
Chỉ khác là, Arthur giờ đây đã nổi tiếng, có cả nghìn người “ủng hộ” nồng nhiệt. Không còn là một gã hề vô danh với những miếng hài nhạt nhẽo, Arthur trở thành tâm điểm truyền thông, xuất hiện dày đặc trên các bản tin TV. Gã được không ít kẻ tung hô, được sản xuất hẳn một bộ phim riêng. Thậm chí mỗi lần bị áp giải ra tòa, con phố lại hỗn loạn vì những đám đông vây kín, với hàng nghìn camera luôn chĩa thẳng, dõi theo từng nhất cử nhất động của gã.
Đó từng là hào quang mà Arthur, khi còn là một chú hề nhút nhát, thiện lương, từng ao ước có được.
Hào quang ấy giờ đây chẳng còn làm Arthur thấy vui. Vì hơn ai hết, Arthur hiểu thực chất Joker mới là người được tung hô, mến mộ. Ánh sáng ngoài kia soi rọi Joker, còn Arthur tội nghiệp quằn quại trong bóng tối giữa những trăn trở. Chính gã cũng không rõ nên định nghĩa mình là Arthur, hay Joker sẽ tốt hơn.
Sự xuất hiện của Lee là phép thử. Arthur nghĩ đó là tình yêu, là sự thấu hiểu và đồng cảm. Nhưng thứ Lee muốn thấy trong Arthur lại là “the really you” - “con người thật”, tức nhân cách điên loạn kia. Arthur từng tự ép bản thân thừa nhận rằng mình là Joker: “The joker is me” khẳng định điều đó. Nhưng rồi khi những ảo mộng muôn hồng nghìn tía sụp đổ, Arthur tan vỡ một lần nữa, lần này là bởi tình yêu.
Trên chiếc cầu thang từng đi qua cả trăm lần, lần đầu tiên Joker không biết phải lùi xuống hay tiến lên. Gã hề đứng đó, chết lặng trong thực tại, trước khi cảnh sát ập tới rồi tra tay gã vào chiếc còng số 8.
Joker từng cứu rỗi Arthur sau những năm tháng tồi tệ nhất cuộc đời, nay lại là thứ giết chết gã hề một cách triệt để.
“Tôi và cái bóng của tôi”. Arthur từ "tôi", để rồi trở thành "cái bóng" lúc nào không hay biết.
Chuyển sang thể loại nhạc kịch khiến một phim tâm lý như Joker 2 không phải món ăn dễ thưởng thức với khán giả đại chúng. |
Cách Todd Phillips khắc họa những xung đột nội tâm Arthur qua màu sắc, dàn cảnh đầy tính ẩn dụ. Thủ pháp kể chuyện điện ảnh được thể hiện trọn vẹn, mang đến những khung hình duy mĩ và ngây ngất. Màn trình diễn của Joaquin Phoenix cũng là kiệt tác, hoàn hảo như những gì anh thể hiện ở phần tiền truyện từng mang về giải Oscar.
Chỉ có điều, Folie à Deux khép lại sau hơn 2 tiếng thời lượng lại vẫn để lại cảm giác chưa trọn vẹn. Nó thiếu một chút bùng nổ và rõ ràng ở xử lý hồi kết, khi mọi thứ diễn ra hơi chóng vánh, mơ hồ và có sự sắp đặt với Arthur. Nó cũng thiếu một chút ánh sáng trong mối quan hệ giữa gã hề với Lee, cô ả thèm khát hào quang của người tình hơn cả mạng sống. Hơn cả, nó thiếu sự phán quyết với Joker, thứ từng làm hàng triệu người điên đảo ở phần phim trước.
Vậy nên, không phải Joker, Folie à Deux đúng hơn nên được coi là bức họa đẹp, nhưng còn dang dở về Arthur, một "nạn nhân tội nghiệp" của Gotham.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.