Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ITC: Các doanh nghiệp siêu nhỏ nên ưu tiên thương mại điện tử B2B

Theo ITC, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nên ưu tiên thương mại điện tử B2B, lựa chọn kênh bán hàng phù hợp để có thể tham gia thị trường thương mại điện tử quốc tế.

Đây là lời khuyên đại diện Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đưa ra với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử tại Hội thảo trực tuyến “Tương lai của Thương mại điện tử B2B”, trong khuôn khổ Ngày doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) thế giới.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu cung cấp kinh nghiệm về các xu hướng và công cụ mới nhất dành cho nhóm doanh nghiệp MSMEs hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Cụ thể, tại hội thảo, đại diện ITC nhấn mạnh thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh và ngày càng trở thành một kênh quan trọng để các doanh nghiệp thay thế phương thức thương mại truyền thống.

Các doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng những lợi ích đáng kể từ thương mại điện tử nếu chuyển đổi cơ cấu tổ chức, đầu tư vào các kỹ năng kỹ thuật số và thiết lập sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ. Trong đó, ITC khuyên các doanh nghiệp nên ưu tiên vào thương mại điện tử B2B, lựa chọn kênh bán hàng phù hợp và đầu tư vào các kỹ năng số để có thể tham gia thị trường thương mại điện tử quốc tế thành công.

Tương tự, đại diện Alibaba.com cũng cho rằng chuyển đổi kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng với các doanh nghiệp MSMEs. Trong đó, nổi bật là giảm rủi ro kinh doanh, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, cải thiện năng suất và quản lý chi phí, cũng như gia tăng lợi nhuận.

Alibaba.com cho biết tính năng B2B livestream (phát trực tiếp giữa doanh nghiệp) ngày càng phổ biến, riêng năm 2022, tính năng này đã thu hút hơn 13 triệu người xem trên nền tảng, tăng 198% so với cùng kỳ năm trước đó.

Bà Annabel Sykes, Cố vấn về chuyển đổi kỹ thuật số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ITC cho biết doanh nghiệp MSMEs là xương sống của hầu hết nền kinh tế trên thế giới. Số hóa thương mại là công cụ thay đổi cuộc chơi và có thể giúp các doanh nghiệp này tiếp cận các thị trường mới. “Alibaba.com là một đối tác quan trọng trong hành trình này”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Steven To, Phó giám đốc điều hành Hành Sanh - nhà sản xuất quạt điện tại Việt Nam - cho biết thông qua Alibaba.com, công ty có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới trong tương lai. Là một nhà cung cấp, việc sở hữu kiến ​​thức và kỹ năng thương mại điện tử là rất quan trọng cho sự thành công của tổ chức”, ông nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc kinh doanh tại Hộ kinh doanh Phạm Bá Tiến - một MSME sản xuất và phân phối các sản phẩm về tóc - cho biết năm 2015, đơn vị chỉ tập trung vào sản xuất, nhưng theo thời gian, đơn vị nhận ra có thể hưởng lợi từ việc bán trực tiếp cho người mua là các doanh nghiệp, thay vì bán qua các công ty thương mại.

Hộ kinh doanh này sau đó có đơn hàng xuất khẩu đầu tiên vào năm 2016 qua nền tảng Alibaba.com và kể từ đó, doanh thu của hộ đã tăng gần gấp 4 lần.

Theo số liệu của Alibaba.com, trong năm nay, đã có hơn 40 triệu doanh nghiệp MSMEs trên toàn thế giới tham gia nền tảng thương mại điện tử B2B.

Với 785.000 doanh nghiệp MSMEs ở Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thành công của các doanh nghiệp này là một phần không thể thiếu trong thành công chung của toàn nền kinh tế.

“Bằng cách kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam với mạng lưới người mua và người bán trên toàn thế giới, nền tảng như Alibaba.com có thể giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng mới ở nước ngoài”, đại diện ITC nhấn mạnh.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Lạm phát đang hạ nhiệt

Thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá điện sinh hoạt tăng đã kéo CPI tháng 6 đi lên, nhưng vẫn giảm đáng kể so với tháng 1.

TP.HCM đạt mức tăng trưởng 5,87% trong quý II như dự báo

Từ mức 0,7% của quý đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) trong quý II đã tăng mạnh và đạt mốc 5,87%.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm