Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 6 ghi nhận 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, có 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Tính chung nửa đầu năm có hơn 113.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 là 103.887 người, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 6 ghi nhận những tín hiệu tích cực, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Con số này đã giảm so với mức bình quân doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng của giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023 (17.600 doanh nghiệp) và giai đoạn 4 tháng đầu năm 2023 (hơn 19.000 doanh nghiệp).
Đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Tính riêng tháng 6, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 5.102 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, giảm 0,5%; 5.749 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,7%; 1.482 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 12,2%.
Dù vậy, các dữ liệu chỉ ra doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn về vốn kinh doanh. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022).
Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, bằng khoảng 75-80% tổng số vốn đăng ký cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017.
Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 48,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu cũng cho thấy kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này đều có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm lần lượt 58,9% và 54,1%).
Trong khi đó, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao (tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng cao nhất trong 17 lĩnh vực).
Điều này đối lập với mức tăng trưởng ấn tượng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường của lĩnh vực này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020 (44,8%).
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.