Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra hôm 23/6, đại diện VinFast khẳng định Hàn Quốc là đối tác quan trọng trong kế hoạch mở rộng sang châu Á của tập đoàn. Vingroup cũng tiết lộ tham vọng cung cấp pin xe điện cho bất cứ đối tác nào muốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông xanh tại Việt Nam.
"Trong trụ cột công nghiệp và công nghệ, trái tim và linh hồn của Vingroup là VinFast. Một trong các trọng tâm là giao thông xanh và năng lượng sạch", bà Bùi Kim Thùy - Trưởng ban Đối tác Chiến lược Vingroup kiêm Phó tổng giám đốc Đối tác Chiến lược VinFast - cho biết.
Hàn Quốc là đối tác quan trọng
Tại diễn đàn, bà Thùy khẳng định việc hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu giúp hãng xe có thể đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng và chất lượng.
VinFast hợp tác với những nhà cung cấp hàng đầu, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung SDI và Posco.
"Với kế hoạch 'Grow Asia' (tạm dịch: mở rộng ra châu Á) trong năm nay của chúng tôi, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng với cộng động doanh nghiệp Việt Nam nói chung, và Vingroup, VinFast nói riêng", bà Thùy khẳng định.
Tại diễn đàn, bà kêu gọi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư) "làm mối" cho cái bắt tay giữa VinFast và các doanh nghiệp Hàn Quốc.
"Với mục tiêu giảm phát thải, tiến tới phát thải ròng bằng 0, chúng tôi đã và đang nỗ lực thông qua việc phát triển xe điện VinFast, tiên phong trong lĩnh vực xe bus điện tại Việt Nam và taxi xanh, cho thuê xe điện ở Đông Nam Á", bà Thùy cho biết.
Tại đây, bà còn giới thiệu về VinES, chuyên cung cấp các sản phẩm pin và giải pháp lưu trữ pin cho chuỗi cung ứng phương tiện điện.
Việt Nam cần 144 tỷ USD cho kinh tế xanh
Cũng tại diễn đàn, đại diện tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) nhận định Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc ứng phó với các nguy cơ từ biến đổi khí hậu, với cam kết mạnh mẽ về nền kinh tế xanh được thể hiện trong chiến lược quốc gia.
Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một lộ trình đầy thách thức, cần sự phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi trên toàn quốc.
"Để có thể giải quyết các nút thắt và đẩy mạnh tăng trưởng xanh, cần thực hiện những giải pháp quan trọng trong ngắn hạn, nhằm tạo dựng một môi trường hợp tác cho các đối tác tư nhân và quốc tế", tập đoàn này nhấn mạnh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gồm 4 mục tiêu rõ ràng, bao gồm giảm phát thải nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi.
Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao với nền kinh tế số được định giá 23 tỷ USD vào năm 2022. Thị trường tiêu dùng 100 triệu dân có ý thức bảo vệ môi trường cao.
Khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao với khoảng 8 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2021. Tốc độ tăng trưởng GDP xanh ở mức dương 10%, và trữ lượng carbon dồi dào với độ che phủ rừng toàn quốc trên 40%.
Theo BCG, Việt Nam cần tổng mức đầu tư 144 tỷ USD đến năm 2050 cho quá trình này. Trong đó, 25-42 tỷ USD là đầu tư từ chính phủ (20-30%), 15-29 tỷ USD của các tổ chức tài chính khí hậu quốc tế (10-20%).
Riêng thị trường tư nhân (trái phiếu, cho vay, tín dụng) chiếm tới 50-60% với 72-86 tỷ USD.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay là thu hút có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là một trong những hoạt động được tổ chức nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch các tập đoàn hàng đầu như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte cũng có trong đoàn tháp tùng Tổng thống Yoon Suk-yeol thăm Việt Nam.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.