Hơn một thập kỷ qua, Israel thử nhiều biện pháp nhằm kiềm chế Hamas, tổ chức quân sự của người Palestine kiểm soát Dải Gaza.
Israel phong tỏa Hamas vào dải đất nhỏ bé bên bờ Địa Trung Hải, ba lần tiến hành các cuộc chiến tranh với lực lượng này.
Để xoa dịu người Palestine, Israel thỏa thuận với Ai Cập và Qatar. Theo đó, Qatar trả lương cho nhân viên công vụ của Palestine. Israel cho phép người Palestine đánh cá trên biển Địa Trung Hải, đồng thời cung cấp điện ở mức giới hạn vài giờ mỗi ngày cho Dải Gaza.
Nhà nước Do Thái theo đuổi một chính sách bất thành văn, rằng "yên bình được đáp lại bằng yên bình", theo ông Shaul Shay, cựu Phó giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Israel.
Nhưng giờ đây, khi Israel và Hamas bước vào cuộc xung đột vũ trang tồi tệ nhất kể từ 2014, ông Shay tin rằng Tel Aviv đang trả giá cho chính sách lược ấy, theo Financial Times.
Các thành viên lực lượng Hamas. Ảnh: Reuters. |
Kho vũ khí của Hamas
Quân đội Israel ngày càng quan ngại trước khả năng Hamas đã dành những năm tháng yên bình vừa qua, kể từ cuộc xung đột cuối cùng vào năm 2014, để sản xuất số lượng khổng lồ rocket, đạn pháo cối hay các loại vũ khí khác.
"Hamas có một kho rocket khá lớn. Rocket của họ có thể tấn công hầu hết khu vực đông dân cư của Israel", Trung tá Jonathan Conricus của quân đội Israel cho biết.
Các chiến binh Hamas ở Gaza có kho dự trữ khoảng 20.000-30.000 quả rocket và đạn pháo cối, đa phần là tự chế. Ông Conricus cho biết kho vũ khí này "tương đương với hỏa lực của một quốc gia nhỏ ở châu Âu".
"Họ có một ngành tiểu thủ công nghiệp 'ra trò', và có thể sản xuất rocket dựa trên bản thiết kế cũng như chỉ dẫn nhận được từ Iran, hoặc các nước khác", ông Conricus nói.
Tối 11/5, Hamas cho thấy chính xác quy mô kho vũ khí của tổ chức này. Các chiến binh Hamas bắn dồn dập nhiều lượt rocket nhằm vô hiệu hóa hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt của Israel.
Tổng cộng, ít nhất 1.000 rocket được Hamas bắn vào Israel chỉ trong tối 11/5. Những ngày sau đó, Hamas tiếp tục bắn hàng trăm rocket vào lãnh thổ nhà nước Do Thái.
Giàn phóng rocket của Hamas. Ảnh: AP. |
Ở Tel Aviv và Beer Sheva, cách Gaza khoảng 60 km, còi báo động không kích vang lên khiến người Israel phải chạy vào các hầm trú ẩn. Quốc hội Israel phải di tản. Sân bay quốc tế duy nhất của Israel ở Tel Aviv cũng đóng cửa.
Dù phần nhiều các quả rocket được bắn đi không có tính toán điểm rơi chính xác, chúng vẫn để lại ký ức khó quên với người Israel.
"Tôi biết chúng (rocket) không nguy hiểm, nhưng thế thì vẫn thật đáng sợ", Alizza, một giáo viên ở Tel Aviv, cho biết. Người phụ nữ trốn trong phòng trú ẩn cùng hai con suốt nhiều giờ sau khi Hamas tấn công.
Israel sau đó tiến hành một chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm khuất phục Hamas. Hàng trăm phi vụ không kích được thực hiện khiến 14 tay súng Hamas thiệt mạng, trong đó có những chỉ huy cấp cao thuộc lữ đoàn Qassam - một đơn vị thiện chiến của Hamas.
Các vụ không kích nhắm vào gần như mọi vị trí tại Dải Gaza, nhằm tiêu diệt tất cả cơ sở mà từ đó Hamas bắn rocket về phía Israel.
Tất cả là toan tính của Hamas
Xung đột tuần qua bắt nguồn từ vụ đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem hôm 9/5.
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Israel leo thang khiến hàng trăm người bị thương, đó là lúc Hamas nhìn thấy cơ hội.
Hamas đặt hạn chót là 18h ngày 9/5 để cảnh sát Israel rời khỏi thánh đường, cũng như yêu cầu người định cư Do Thái rời khỏi khu dân cư Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
"Họ (Hamas) đợi người Israel nhận ra đâu là điểm dừng, đợi người Israel chấm dứt chính sách Do Thái cực hữu, và khi Israel không chấp nhận, Hamas quyết định gửi lời cảnh báo", Ahmed Yousef, cố vấn Thủ tướng Palestine Ismail Haniyeh, cho biết.
"Họ tính toán mọi thứ, họ biết cái giá của xung đột là gì, và họ sẵn sàng trả cái giá đó", ông Yousef nói thêm.
Chỉ một phút sau hạn chót 18h, 7 quả rocket đã xâm nhập không phận Israel, cho thấy Hamas không hề ngần ngại nổ phát súng đầu tiên châm ngòi xung đột quân sự.
Các vụ tấn công bằng rocket giúp Hamas phô diễn khả năng đánh thọc sâu vào lãnh thổ Israel, dù độ chính xác là điều còn tranh cãi.
Đồng thời, Hamas cũng chứng tỏ tổ chức này là lực lượng mạnh nhất có thể bảo vệ quyền lợi của người Palestine, làm lu mờ vị trí của tổ chức chính trị đối thủ là Fatah vốn theo đuổi đường lối ôn hòa.
Thủ tướng Palestine Haniyeh tuyên bố Hamas đã giành chiến thắng. "Chúng tôi đã có thể liên kết các mặt trận Jerusalem và Gaza", ông Haniyeh nói trong bài phát biểu được phát trên nhiều kênh tin tức Arab.
Quân đội Israel dường như không lường trước Hamas sẽ tấn công Jerusalem cũng như các khu định cư khác của người Do Thái.
"Chúng tôi cứ nghĩ đã nói rõ hậu quả (của chiến tranh) sẽ là gì", ông Conricus cho biết.
Hamas sẵn sàng trả giá trong cuộc xung đột vũ trang với quân đội Israel. Ảnh: Reuters. |
Với Hamas, dù hứng chịu tổn thất nhân mạng cũng như cơ sở hạ tầng ở Gaza bị hư hại, tổ chức này không có nhiều thứ để mất, giáo sư Mkhaimar Abusada, chuyên gia về khoa học chính trị từ Đại học Al-Azhar, cho biết.
"Mất một vài tòa nhà ở đâu đó, mất một trại huấn luyện, đó không phải là cái giá đắt với Hamas", ông Abusada nói.
Dẫu vậy, Hamas vẫn chỉ là tổ chức được trang bị nghèo nàn, phần lớn vũ khí là tự chế, kinh phí hoạt động ít ỏi. Trong khi đó, bên kia chiến tuyến là lực lượng quân sự hùng mạnh bậc nhất Trung Đông, với đầy đủ khả năng giao tranh trên không, trên biển và trên bộ.
Và kho rocket của Hamas dù lớn đến đâu thì cũng đa phần là thô sơ.
"Rocket chắc chắn đáng sợ, nhưng chúng có khả năng gây thiệt hại quân sự lớn không ư? Không đâu", ông Conricus nói, nhấn mạnh hệ thống Vòm Sắt của Israel đã đánh chặn 90% số rocket của Hamas.
Dù có sức mạnh quân sự vượt trội, quân đội Israel chưa từng thực sự chiến thắng Hamas trong những cuộc chiến tranh trước đây.
Năm 2014, khi cuộc chiến kéo dài 67 ngày, hơn 2.000 người Palestine và 73 người Israel thiệt mạng, đa phần là binh sĩ. Cuối cùng, Hamas tuyên bố chiến thắng. Còn về phía Israel, chính quyền Do Thái nhận thấy gây đủ thiệt hại cho Hamas và có thể hưu chiến trong vài năm.
Ông Shay cho rằng cách duy nhất để Israel kiềm chế mối đe dọa là thay đổi chiến lược với Hamas, đồng thời chủ động nhắm vào các cơ sở quân sự của tổ chức này, ngay cả trong giai đoạn tương đối bình yên.
"Chừng nào chiến lược hiện nay còn được giữ nguyên, kịch bản ít nhiều sẽ vậy như vậy, điều đó chỉ có lợi cho Hamas", ông Shay nói.