Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

IS hưởng lợi từ hoạt động buôn bán vũ khí tại Iraq

Hoạt động buôn bán và vận chuyển vũ khí không kiểm soát hàng thập kỷ ở Iraq vô tình trở thành nguồn cung béo bở cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong báo cáo được đưa ra hôm nay, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn chặn hậu quả đáng báo động từ các hoạt động gia tăng vũ khí trong nước.

"Nguồn vũ khí dồi dào và đa dạng đang được nhóm vũ trang IS sử dụng là minh chứng điển hình cho thấy giao dịch vũ khí không kiểm soát đã dẫn đến những hành động tàn bạo trên quy mô lớn như thế nào", nhà nghiên cứu Patrick Wilcken của tổ chức cho hay.

Theo Patrick, quy định lỏng lẻo và thiếu giám sát nguồn vũ khí tuồn vào Iraq hàng thập kỷ qua đã giúp IS và các nhóm vũ trang khác hưởng lợi.

 Ảnh: AFP
Lực lượng quân đội ủng hộ chính phủ Syria kiểm tra vũ khí do IS để lại ở khu vực Arkile, Syria hôm 20/11. Ảnh: AFP

Kể từ khi chiếm đóng thành phố Mosul của Iraq hồi tháng 4/2014, IS đã tịch thu một lượng vũ khí lớn được sản xuất từ nước ngoài. Chúng sử dụng nguồn này để gia tăng sức mạnh tấn công nhiều khu vực khác của Iraq và thực hiện tội ác nhằm vào dân thường. 

Ngoài kho vũ khí lớn ở Mosul, phiến quân còn cướp và chiếm giữ nhiều thiết bị quân sự khác khi chúng tấn công các căn cứ quân sự và đồn cảnh sát tại Fallujah, Tikrit, Saqlawiya, Ramadi cũng như ở Syria.

Khi lực lượng an ninh Iraq chiến đấu giành lại Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, nhiệm vụ của họ trở nên phức tạp hơn bởi IS chiếm "hơn 100 xe chiến đấu bọc thép, hàng chục xe tăng và thiết vận xa" của thành phố này. 

Theo AFP, tổ chức cực đoan đã tận dụng số vũ khí thu được một cách triệt để khi tràn vào nhiều nơi khác nhau trên khắp Iraq. Những vũ khí lấy từ Mosul được sử dụng trong cuộc tấn công ở phía bắc Syria khoảng hai tuần sau đó. 

Ngoài các loại chính do Nga thiết kế và sản xuất như súng trường tấn công Kalashnikov, nhóm phiến quân còn sử dụng vũ khí và đạn dược từ ít nhất 25 quốc gia khác. 

Với vũ khí nhỏ, IS có nhiều lựa chọn khác nhau, từ súng trường Tabuk do Iraq sản xuất đến Bushmaster E2S do Mỹ chế tạo. Ngoài ra còn có các loại khác như CQ của Trung Quốc, G36 của Đức, FAL của Bỉ...

 Ảnh: AFP
IS hưởng lợi từ nguồn vũ khí của Iraq và thực hiện nhiều vụ tấn công. Ảnh: AFP

Kho dự trữ của quân đội Iraq được các nước trên thế giới hỗ trợ trong cuộc chiến Iraq-Iran giai đoạn 1980-1998. Nguồn vũ khí của Iraq dồi dào hơn sau cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu năm 2003. Các thỏa thuận mới đạt được sau năm 2011, khi Mỹ rút quân, tiếp tục đổ vũ khí vào nguồn dự trữ của nước này.

Tổ chức Ân xá cho biết các quốc gia xuất khẩu, bao gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã nhận thức được những rủi ro khi vận chuyển vũ khí cho Iraq, nơi tham nhũng khá phổ biến và cơ chế kiểm soát còn lỏng lẻo. 

"Lạm dụng vũ khí tại Iraq cùng các khu vực xung quanh đã hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người và đẩy họ vào mối họa hiện hữu", Wilcken nói. Ông nhấn mạnh rằng hậu quả của việc vận chuyển vũ khí đến Iraq, Syria và hành động cướp bóc của IS là lời cảnh tỉnh đối với các nước xuất khẩu vũ khí trên thế giới.

Tổ chức này kêu gọi lệnh cấm vận với lực lượng chính phủ Syria và áp dụng quy định nghiêm ngặt khi xuất khẩu vũ khí cho Iraq. 

Liên quân do Mỹ dẫn đầu thiếu khí tài để diệt IS

Các nước như Anh, Đức, Mỹ đều cạn kiệt về đạn dược, tên lửa, hoặc phụ tùng để thay thế, sửa chữa máy bay bởi cuộc không kích khủng bố ở Syria quá tốn kém và kéo dài.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm