Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên quân do Mỹ dẫn đầu thiếu khí tài để diệt IS

Các nước như Anh, Đức, Mỹ đều cạn kiệt về đạn dược, tên lửa, hoặc phụ tùng để thay thế, sửa chữa máy bay bởi cuộc không kích khủng bố ở Syria quá tốn kém và kéo dài.

“Không quân Đức hiện nay quá yếu. Trong vài năm qua, các chiến đấu cơ của quân đội nước này bị hư hỏng và không thể sửa chữa do thiếu phụ tùng thay thế. Số lượng máy bay có thể hoạt động hiện nay của Đức là rất ít”, Sputnik trích bài viết của chuyên gia Robert Beckhusen trên trang web War is Boring.

Der Spiegel trích dẫn một thông báo gần đây của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, Đức có tổng cộng 93 tiêm kích Tornado. 66 chiếc trong số đó có thể triển khai hoạt động nhưng thực chất chỉ 22 chiếc có thể chiến đấu.

Đầu tuần này, đài ARD dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho hay, 30 chiến đấu cơ Tornado có thể hoạt động, số khác chưa thể thay mới khiến tình hình ngày càng tệ.

Trong năm 2014, Đức có 38 chiếc Tornado. 57 % chiến đấu cơ đa chức năng sẵn sàng chiến đấu. Một năm sau, chỉ 44% phi cơ có thể thực hiện nhiệm vụ. Tình trạng này cũng xảy ra với các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Đức.

“Eurofighter Typhoon là chiến đấu cơ hai động cơ, cánh tam giác và cánh mũi đa nhiệm hiện đại nhất của Đức. Không quân nước này sở hữu 109 biến thể của Eurofighter Typhoon. 74 chiếc đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhưng chỉ 42 chiếc được triển khai trong năm 2014”, chuyên gia Beckhusen trích một báo cáo của không quân Đức trên tờ Der Spiegel.

Đức không phân biệt giữa khả năng hoạt động đầy đủ và hạn chế của phi cơ khiến tình trạng thêm tồi tệ. Mặc dù vậy, Berlin đang có kế hoạch điều 6 cường kích ném bom Panavia Tornado để thực hiện các chuyến bay trinh sát ở Syria. Số lượng 6 chiến đấu cơ Tornado (trong số 30 chiếc có thể chiến đấu mà Đức sở hữu) tới Syria là không quá nhiều.

Anh thiếu phụ tùng cho chiến đấu cơ

Không quân Anh phải tháo dỡ 4 máy bay để có phụ tùng thay thế cho các chiến đấu cơ khác. Ảnh: Mirror

Không quân Hoàng gia Anh buộc phải tháo dỡ 4 chiến đấu cơ Typhoon trị giá 750 triệu USD, để thay thế phụ tùng cho các máy bay chiến đấu khác có thể hoạt động. Động thái này diễn ra sau khi Anh điều 6 chiếc Typhoons tới căn cứ không quân Cyprus để thực hiện chiến dịch không kích IS ở Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Philip Dunne thừa nhận: “Thay thế phần giữa của các chiến đấu cơ trong phi đội bay Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh là hoạt động thường xuyên để đảm bảo các máy bay hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Bốn máy bay này được sử dụng nhằm cung cấp phụ tùng cho các chiến đấu cơ khác. Vì vậy, chúng không thể hoạt động”.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron công bố kế hoạch sẽ kéo dài thời hạn phục vụ của các máy bay chiến đấu Typhoon thêm 10 năm, tức là đến năm 2040.

4 năm trước, Bộ Quốc phòng Anh đề xuất rằng việc tháo dỡ máy bay Typhoon để lấy phụ tùng sẽ kết thúc vào năm 2015. Đề xuất này được đưa ra khi giới chức cho rằng, đến thời điểm này các máy bay sẽ hầu hết được thay thế và hoạt động ổn định. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philip Dunne cho thấy vấn đề này vẫn đang diễn ra.

Mỹ không còn bom để không kích IS

Theo tướng Mark Welsh, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, lực lượng không quân nước này "đang tiêu tốn nhiều đạn dược hơn so với khả năng bổ sung", trong bối cảnh nước này tăng cường chiến dịch chống IS ở Iraq và Syria.

"Các máy bay B-1 đã ném bom với số lượng kỷ lục. Trong khi đó, F-15E được sử dụng vì chúng có thể triển khai nhiều loại vũ khí với khả năng linh hoạt cao. Chúng ta cần ngân sách để đảm bảo sẵn sàng cho cuộc chiến lâu dài này. Đây là nhu cầu cấp thiết", CNN dẫn ông Welsh.

Theo Welsh, Không quân Mỹ đã đề nghị cấp thêm ngân sách để bổ sung tên lửa Hellfire và đang triển khai các kế hoạch tăng cường sản xuất vũ khí để bổ sung nhanh chóng. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất đến 4 năm.

Cuộc chiến chống IS đổi chiều khi lính Mỹ, Đức ra trận?

Trước sự lộng hành của lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), đặc biệt là sau vụ thảm sát Paris, Mỹ và Đức đã quyết định điều bộ binh tới Trung Đông.


Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm