Mỹ vừa công bố kế hoạch đưa khoảng 200 biệt kích tới Iraq để chiến đấu chống IS. Ảnh: USA Today |
Ngày 1/12, Nội các Đức công bố kế hoạch đưa 1.200 binh sĩ hỗ trợ liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Các nhà lập pháp xem xét kế hoạch vào ngày 2/12. Liên minh do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu chiếm đa số trong Quốc hội Đức nên nhiều khả năng kế hoạch tiếp tục được thông qua.
Ngay sau vụ thảm sát Paris, bà Merkel đã chấp thuận yêu cầu của Pháp trong nỗ lực chống lại IS ở Syria. Đức cũng có kế hoạch điều máy bay trinh sát, máy bay tiếp nhiên liệu và một tàu chiến tới khu vực để hỗ trợ.
Trong một bài báo trên tờ Bild, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier cho biết, quân đội Đức sẽ tham gia “cuộc chiến chống khủng bố như một phần của liên minh chống IS” cũng như hỗ trợ Pháp và Iraq trong cuộc chiến. Sứ mệnh của Đức có thể tiêu tốn khoảng 134 triệu Euro.
Tờ Bild nhận định quyết định triển khai quân tới Syria là hành động cho thấy sự đoàn kết của Đức với Pháp sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11 khiến 130 người thiệt mạng. Đây cũng là động thái mang tính bước ngoặt của chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel bởi từ sau Thế chiến II, Đức rất miễn cưỡng tham gia các chiến dịch quân sự ở nước ngoài.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố kế hoạch đưa 200 lính đặc nhiệm tới Iraq để chống IS trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. “Đất nước đang trong thời chiến. Chúng ta sử dụng những lực lượng chiến đấu tốt nhất thế giới. Hàng chục nghìn quân nhân Mỹ hoạt động ở khu vực Trung Đông và một lượng lớn khác đang tới đó”, ông Carter nói.
Biệt kích Mỹ sẽ thu thập thông tin tình báo, giải cứu con tin và tù nhân hay tiêu diệt và bắt thủ lĩnh cấp cao của IS. Giữa các chiến dịch, họ có thể hỗ trợ nhóm chiến binh người Kurd và quân đội Iraq chống IS. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa đưa ra thời gian biểu chính xác về thời điểm biệt kích tới Iraq.
Kế hoạch đưa biệt kích tới Trung Đông được Nhà Trắng đưa ra sau hàng loạt chiến dịch hỗ trợ cho lực lượng chiến binh bản địa thất bại. Quân đội Iraq do Mỹ hậu thuẫn liên tiếp thất bại trước IS trong khi phiến quân mà CIA và Lầu Năm Góc đào tạo ở Syria cũng lép vế trước phiến quân Hồi giáo. Nhiều khí tài Mỹ viện trợ cho lực lượng chống IS lại rơi vào tay IS.
Tương lai cuộc chiến chống IS
Sự hiện diện của 1.200 lính Đức dường như không thay đổi nhiều cục diện cuộc chiến chống IS ở Trung Đông. Berlin khẳng định 1.200 quân có thể tới Syria bất cứ lúc nào nhưng họ chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ tạo ra một vùng đệm. Trong khi đó, khí tài quân sự của Đức cũng chỉ đóng vai trò hỗ trợ chiến dịch không kích của Pháp. Berlin sẽ không trực tiếp tham gia không kích. Chiến đấu cơ Tornado của Đức cũng chỉ diễu qua khu vực IS kiểm soát.
Nhiều quan điểm cho rằng sự hiện diện của biệt kích Mỹ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống IS. Ảnh: NBC News |
Đức cũng bác bỏ khả năng hợp tác quân sự với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay chống họ. Tuy nhiên, Berlin vẫn bảo lưu quan điểm al-Assad phải chuyển giao quyền lực để đạt được thỏa thuận chính trị lâu dài cho Syria.
Về quyết định điều động biệt kích của Mỹ, CNN cho rằng đây không phải là giải pháp mang tính đột phá và dẫn lời các quan chức quân sự cho rằng, điều động lính đặc nhiệm Mỹ tới Iraq cũng như Syria không phải là giải pháp toàn diện. Dù liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích IS trong suốt hơn một năm nhưng dư luận lại chứng kiến những thảm kịch đẫm máu nhất do ISIS gây ra trong 3 tuần qua.
Việc sử dụng lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ ở Iraq từng phát huy hiệu quả trong những năm 2000. Tuy nhiên, khi đó Mỹ tiến hành hoạt động thu thập thông tin tình báo với sự đồng thuận và hỗ trợ của chính phủ Iraq. Washington có ưu thế vượt trội trong không chiến và nhận được sự ủng hộ của phần lớn người dân địa phương. Người dân Iraq sẵn sàng hỗ trợ họ trên nhiều phương diện, bao gồm sơ tán thương binh.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi nhanh chóng. Chính phủ Iraq vừa tuyên bố không hoan nghênh các hoạt động quân sự mà Baghdad không đồng ý. Trong khi đó, biệt kích Mỹ còn phải thực hiện nhiệm vụ chống IS ở Syria, nơi họ không được hỗ trợ vượt trội nhưng phải đối mặt với rất nhiều kẻ thù.
Ngoài ra, thành công về chiến thuật - như chiếm lại các khu dầu mỏ của ISIS - không thể giúp Washington diệt IS một cách trọn vẹn. Một số lượng lính đặc nhiệm rất nhỏ có thể mang lại lợi thế lớn nhưng đó không thể là một sách lược thành công. Tương tự như các cuộc không kích, lực lượng đặc nhiệm là những công cụ để thực thi chiến thuật, chứ không phải chiến lược, CNN nhận định.
Phản ứng của người Iraq
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi lên tiếng cho biết Baghdad không cần bộ binh nước ngoài can thiệp. “Chính phủ Iraq nhấn mạnh, mọi hoạt động quân sự hay điều động lực lượng nước ngoài, bao gồm lính đặc nhiệm, sẽ không thể diễn ra nếu không có sự chấp thuận, điều phối của Iraq. Ngoài ra, các hoạt động phải hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Iraq", ông nói.
Trong khi đó, Sydney Morning Herald cho rằng một bộ phận người dân Iraq nghĩ Mỹ là đồng minh của IS. Họ thấy trực thăng Mỹ thả vũ khí và các kiện nhu yếu phẩm cho các chiến binh Hồi giáo. Thậm chí họ còn ghi hình những cảnh tượng như thế.
Mustafa Saadi, một người chỉ huy lực lượng dân quân người Shiite ở Iraq cho biết, ông từng thấy trực thăng Mỹ thả nước đóng chai cho IS. “Chúng đã rất yếu. Nếu người Mỹ ngừng hỗ trợ cho chúng, chúng tôi có thể đánh bại IS ngay trong ngày”, Saadi tuyên bố.
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn quân đội Mỹ đóng tại Baghdad, cho biết: “Cáo buộc hết sức vô lý. Rõ ràng không có nước phương Tây nào chấp nhận lời cáo buộc nhưng thật không may, nhiều người dân Iraq tin vào điều đó”.
Trong khi đó, các quan chức quân đội cấp cao của Mỹ cho rằng họ không cần phản hồi những lời buộc tội như thế.
Mỹ đang dẫn đầu liên minh không kích IS ở Iraq và Syria. Washington cũng hỗ trợ các lực lượng chiến binh địa phương chống lại IS. Hàng viện trợ của Mỹ từng rơi vào tay IS nhưng đó chỉ là sơ suất trong quá trình tiếp tế cho lực lượng chống phiến quân Hồi giáo.
Mỹ hành động đối phó dư luận
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường. Ảnh: Hồng Duy |
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cho biết, việc Mỹ đưa đặc nhiệm vào Iraq không thể thay đổi cục diện cuộc chiến chống lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
“Theo quan điểm của tôi, việc Mỹ tuyên bố đưa biệt kích vào Iraq chỉ là động thái đối phó dư luận, nhất là trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh các hoạt động chống khủng bố ở Iraq và Syria. Biệt kích Mỹ chỉ có khả năng thúc đẩy các hoạt động chống IS chứ không thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến”, Tiến sĩ Trường nhận định.
Cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra theo kiểu mạnh ai nấy đánh. Nó tạo ra tình cảnh rối loạn chung trong khu vực. Nếu muốn đạt được kết quả tốt, các bên cần phối hợp với nhau để chống lại IS. Phía Mỹ cũng lên tiếng thúc giục Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sớm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ bắn rơi Su-24 để cùng nhau chống kẻ thù chung. Tuy nhiên, triển vọng hợp tác trước mắt là chưa có.
Trên thực tế, Nga đang đánh canh bạc lớn ở Syria. Trong khi đó, tác động của Mỹ tới tình hình khu vực vẫn còn bị hồ nghi. Trong tương lai gần, Mỹ sẽ không thể đưa bộ binh can thiệp khu vực vì gặp nhiều phản đối trong chính nội tại đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra.