Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Iraq buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi đất nước trong 48 giờ

Chính phủ Iraq yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân ra khỏi lãnh thổ trong 48 giờ, nếu không, Baghdad sẽ sử dụng mọi biện pháp, bao gồm cầu viện Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra gần biên giới với Iraq ở tỉnh Sirnak. Ảnh: AFP

“Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân trong thời gian quy định, Iraq có quyền sử dụng tất cả các ‘lựa chọn có sẵn’, bao gồm nhờ cậy tới Hội đồng Bảo an”, Văn phòng Thủ tướng Iraq, ông Haider al-Abadi, tuyên bố.

Theo AFP, các lực lượng của Ankara cùng xe tăng, pháo binh vào lãnh thổ Iraq mà không có sự cho phép của Baghdad và chính phủ Iraq cũng không hề hay biết. Yêu cầu của Iraq nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia khi tiếp nhận viện trợ nước ngoài tới lãnh thổ để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu sau đó gửi thư cho người đồng cấp Iraq, ông Haider al-Abadi, và khẳng định nước này sẽ không điều thêm lực lượng tới Iraq cho tới khi những quan ngại của Baghdad được xoa dịu. Tuy nhiên, ông Davutoglu không đề cập tới yêu cầu của ông al-Abadi về việc rút binh sĩ.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ điều khoảng 150 binh sĩ, 20-25 xe tăng tới khu vực Bashiqa, gần thành phố Mosul của Iraq, nơi đang bị IS kiểm soát, nhằm huấn luyện cho lực lượng bản địa. Iraq gọi động thái của Ankara là “cuộc đột nhập” và yêu cầu lực lượng này lập tức rời đi.

Vị trí thành bố Mosul của Iraq. Đồ họa: Al Jazeera.

Thực tế, những ‘lựa chọn có sẵn’ mà Iraq nhắc tới chủ yếu là biện pháp ngoại giao bởi quân đội nước này được điều động chiến đấu với IS và lực lượng của Ankara mạnh hơn rất nhiều.

Trong bức thư gửi ông al-Abadi, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu nói rằng việc đưa quân tới Iraq chỉ nằm trong chương trình đào tạo mà Ankara tiến hành ở Bashiqa trong vài tháng qua nhằm giúp Iraq chiếm lại thành phố từ tay IS. Khu vực này bị IS kiểm soát từ tháng 6/2014.

Theo ông Davutoglu, việc triển khai quân là “hoạt động luân chuyển thường xuyên" liên quan tới chương trình đào tạo và tăng viện quân số nhằm chống lại các rủi ro an ninh.

Phản ứng trước yêu cầu rút quân của của chính phủ Iraq, ngày 7/12 Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ binh sĩ của mình ở thành phố bị IS kiểm soát tại Iraq bởi các binh sĩ tới đây chỉ nhằm đào tạo cho các lực lượng địa phương.

Ngoài ra, ông Cavusoglu nói rằng ông Abadi từng nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Iraq nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS. Ông Cavusoglu tin rằng quốc gia nào đó đã khiến Iraq phản ứng với việc triển khai quân đội như hiện nay.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq gần đây được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn căng thẳng bởi mối quan hệ giữa Ankara với khu vực tự trị người Kurd ở phía bắc Iraq và sự khác biệt trong lập trường hai nước về cuộc nội chiến ở Syria.

Ông al-Abadi nhiều lần tuyên bố rằng Iraq cần sự hỗ trợ để chống IS. Tuy nhiên, ông vẫn muốn cân bằng giữa việc nhận viện trợ từ nước ngoài và vấn đề chủ quyền quốc gia.

Iraq yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi lãnh thổ

Tổng thống Iraq hôm 5/12 gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hàng trăm binh sĩ gần thành phố Mosul là "vi phạm quy tắc và luật pháp quốc tế".


Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm