Buổi lễ ra mắt chiến hạm tàng hình được tổ chức long trọng tại căn cứ hải quân Bandar Abbas, nằm trên Vịnh Ba Tư, vào ngày 1/12 và được truyền hình trực tiếp, Reuters đưa tin. Chiến hạm tàng hình mới được gọi là Sahand, số hiệu 74. Theo truyền thông nhà nước Iran, Sahand được trang bị công nghệ tàng hình để đối phó với kẻ thù.
Chuẩn đô đốc Alireza Sheikhi, người đứng đầu các xưởng đóng tàu Iran nói với IRNA News: “Tàu này là kết quả của thiết kế táo bạo, sáng tạo và được đóng trên kiến thức, kỹ thuật của Iran và được chế tạo theo công nghệ tàng hình”.
Chiến hạm Sahand có thể hoạt động liên tục 5 tháng trên biển mà không cần phải tiếp tế. Theo Navy Times (trang web của Hải quân Mỹ), Sahand là chiếc thứ 3 thuộc tàu hộ vệ tên lửa lớp Moudge do công nghiệp quốc phòng Iran chế tạo.
Tàu hộ vệ tên lửa Sahand mới đưa vào trang bị của hải quân Iran. Ảnh: Press TV. |
So với 2 tàu trước cùng lớp, Sahand được nâng cấp toàn diện về hệ thống điện tử và hỏa lực. Sahand có lượng choán nước toàn tải khoảng 2.000-2.500 tấn, so với 1.500 tấn của phiên bản gốc. Đuôi tàu có sàn đáp cho trực thăng nhưng không có nhà chứa.
Tàu được vũ trang pháo 76 mm, tên lửa hải đối không Sayyad-2 được chế tạo dựa trên tên lửa RIM-66 Standard của Mỹ bán cho Iran trước năm 1979. 8 tên lửa chống hạm Qader, phiên bản của tên lửa chống hạm C-704 của Trung Quốc sản xuất tại Iran. 2 cụm phóng ngư lôi để đối phó với tàu ngầm đối phương.
Đặc biệt, Sahand được trang bị hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kamand do Iran chế tạo. Hệ thống này được giới thiệu là có tốc độ bắn 4.000 đến 7.000 viên/phút. Kamand có thể đánh chặn bất kỳ mục tiêu nào ở cự ly 2 km.
Sahand được đánh giá là chiến hạm mạnh nhất của hải quân Iran. 2 tàu khác có thiết kế giống Sahand đang được đóng. Trước đó vài ngày, Iran cũng đã hạ thủy 2 tàu ngầm mini Fateh và Qadir, cho thấy khả năng phát triển công nghệ hiện đại đẳng cấp thế giới của Iran, Press TV cho biết.
Trước đó vài ngày Iran đã hạ thủy cùng lúc 2 tàu ngầm mini. Ảnh: Defa Press. |
Iran hạ thủy tàu chiến nội địa đầu tiên vào năm 2010, một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội, nhằm thay thế phần lớn trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất và chuyển giao cho Iran trước Cách mạng Iran năm 1979.
Tehran đang cố gắng đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng trong nước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí của Mỹ và phương Tây. Đặc biệt từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái trừng phạt nước này.
Trong cuộc họp với các quan chức quân đội vào tuần trước, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei yêu cầu quân đội phải tăng cường sức mạnh quân sự và sẵn sàng để ngăn chặn kẻ thù. Nhà lãnh đạo Khamenei nói rằng Iran không tìm kiếm chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào nhưng cần mở rộng khả năng phòng thủ.
Tướng Abdolrahim Mousavi, Tổng tư lệnh quân đội Iran cho biết trong lễ ra mắt chiến hạm mới, rằng sức mạnh của lực lượng vũ trang Iran đã bước vào giai đoạn mới.