Một phần trong tổng số nợ này là các khoản vay có được từ hai khoản bảo lãnh của chính phủ các nước châu Âu và IMF dành cho Hy Lạp từ năm 2010, cũng như trái phiếu chính phủ Hy Lạp, do Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng trung ương khác nắm giữ, theo Reuters.
Các nhà đầu tư tư nhân hiện nắm lượng trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 38,7 tỷ euro sau khi các khoản nợ đã được giảm trừ, đồng thời chủ nợ và Hy Lạp thực hiện hoán đổi nợ vào năm 2012. Nhờ đó, tổng nợ của nước này đã giảm 107 tỷ euro so với trước, và giá trị nợ của các nhà đầu tư tư nhân cũng giảm. Chính phủ Hy Lạp cũng đã phát hành 15 tỷ euro trái phiếu cho các ngân hàng trong nước.
Hiện Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang nắm giữ lượng trái phiếu của Hy Lạp trị giá 18 tỷ euro, song giá trị của khoản nợ này sẽ giảm chỉ còn một phần nhỏ nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Trong tháng 7 và 8, lượng trái phiếu Hy Lạp trị giá khoảng 6,7 tỷ euro do ECB nắm giữ sẽ đến hạn thanh toán.
Người biểu tình xếp chữ “Không” trong một cuộc biểu tình chống EU bên ngoài quốc hội Hy Lạp tại Athens . |
Bên cạnh các khoản nợ từ trái phiếu, ECB còn có nhiều khoản cho vay khác dành cho Hy Lạp, và ECB có nguy cơ bị thiệt hại nặng nếu Hy Lạp vỡ nợ.
Chủ tịch ECB Mario Draghi mới đây cho biết, trong thời gian qua, các ngân hàng Hy Lạp đã vay tới 118 tỷ euro từ ECB để duy trì khả năng thanh toán. Trách nhiệm trả món nợ này thuộc về ngân hàng trung ương Hy Lạp, nhưng chỉ trong trường hợp nước này còn ở trong Eurozone. Trong trường hợp Hy Lạp rời Eurozone, khoản nợ này sẽ trở thành gánh nặng với các nước khác trong khối.
Trong khi đó, năm 2010, các chính phủ thuộc Eurozone cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ nhất trị giá 52 tỷ euro. Năm 2012, Hy Lạp tiếp tục vay 142 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai, trong đó nguồn vốn chủ yếu lấy từ quỹ cứu trợ tài chính của Eurozone.
Trong hai gói cứu trợ này, Đức đóng góp 57,2 tỷ euro, Pháp góp 43 tỷ euro, Italy góp 38 tỷ euro và Tây Ban Nha góp 25 tỷ euro. Ngoài ra, các nước này đều đóng góp cho các khoản vay mà IMF dành cho Hy Lạp, tương ứng với hạn ngạch đóng góp của mỗi nước trong quỹ này.
Các nước Eurozone đã nới thời hạn cho vay đối với Hy Lạp từ 15 năm lên 30 năm, và giảm lãi suất với một số khoản vay xuống mức chỉ cao hơn lãi suất của chính các nước này 0,5 điểm phần trăm.
Hy Lạp đã đề nghị các chủ nợ châu Âu cho hoãn trả nợ và IMF ủng hộ phương án này. Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Âu tuyên bố, họ sẽ chỉ thảo luận vấn đề này nếu Athens tăng cường thắt chặt ngân sách.
Với IMF, Hy Lạp có một khoản nợ tổ chức này trị giá 1,6 tỷ euro đến hạn cuối tháng này. Quỹ này đã cam kết dành cho Hy Lạp khoản vay trị giá 48,1 tỷ euro, trong đó khoảng 16,3 tỷ euro sẽ được giải ngân vào tháng 3 năm 2016, nếu Athens thực hiện thành công chương trình cải tổ kinh tế lần thứ hai như IMF yêu cầu.
Hy Lạp đang phải trả lãi suất 3,5% cho một số khoản nợ của IMF, cao hơn mức lãi suất cứu trợ thông thường trong Eurozone.