1. Irene Kavoura (60 tuổi, giáo viên): Chẳng còn chút tự trọng nào Tôi là giáo viên tiếng Anh và có ngôi trường của riêng mình. Nhưng khi mọi người chẳng có tiền để trả học phí, bạn sẽ không thể kinh doanh. Chúng tôi sẽ sống sót, nhưng đó không phải là vấn đề. Châu Âu phải nhận ra họ đang làm gì với người dân Hy Lạp. Chúng tôi bị chế giễu và chỉ trích. Tại sao? Vì chúng tôi muốn làm việc, an toàn và được tôn trọng? Có cảm giác như quyền con người đã bị đem bán, và Hy Lạp là vật thí nghiệm của châu Âu. Có thể cần cả một thế hệ để lấy lại những gì đã mất, song chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Người Hy Lạp không lo lắng về việc từ bỏ đồng euro, họ lo lắng vì đang mất dần phẩm giá của mình. |
2. Fatis Sarantopoulos (57 tuổi, nhà hóa học): Tôi rất lo lắng nếu rời bỏ EU Tôi muốn Hy Lạp ở lại khối Eurozone, chính phủ hiện tại thật điên rồ. Câu hỏi hiện nay là: Liệu châu Âu có thể tin tưởng Hy Lạp? Tôi rất thận trọng với các tin tức hiện nay, và chỉ tin khi chính mắt mình thấy chúng tôi vẫn ở trong khu vực đồng euro, cũng như đạt được một thỏa thuận. |
3. Manolis Spathis (29 tuổi, thất nghiệp): Tôi muốn Hy Lạp rời khỏi Eurozone Tôi đã thất nghiệp 6 tháng, và trở thành nhà hoạt động toàn thời gian, mặc dù vẫn tìm kiếm việc làm. Trước đây, tôi là một nhà phân tích kinh tế, nhưng chẳng hề nhận được đồng lương nào trong 4 tháng. Thật khó để tìm việc hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp ở Hy Lạp hoạt động theo mô hình gia đình. Họ thích thuê người mà mình biết. Tôi đã nhận được trợ cấp thất nghiệp 360 euro mỗi tháng, không nhiều nhưng còn hơn thời kỳ đi làm chẳng nhận được đồng lương nào. Tôi muốn Hy Lạp từ bỏ đồng euro, đó là giải pháp duy nhất để xóa bỏ các khoản nợ. Dù sao thì Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng không ủng hộ chúng tôi nữa, và Hy Lạp nên quốc hữu hóa các ngân hàng. Tôi không cho rằng đồng drachma sẽ mất giá. Việc quốc hữu hóa các tập đoàn lớn trong ngành năng lượng hay tài chính sẽ giúp nó tăng giá trị. |
4. Antonis Ferraras (41 tuổi, chủ quán bar và cà phê): Đó là lỗi của chúng tôi Việc kinh doanh đang rất khó khăn, chúng tôi đã giảm giá 3 lần trong 6 năm qua, mỗi lần 10-15%. Trước đó, lợi nhuân thu được từ cửa hàng cao hơn 50-60% hiện nay. Tôi có khoảng 18 nhân viên lâu năm. Việc trả lương cho họ cũng như đóng đủ thuế không hề dễ dàng. Điều này ảnh hưởng tới mối quan hệ vốn rất tốt đẹp giữa chúng tôi. Tôi hy vọng sẽ có một giải pháp. Đó hoàn toàn là lỗi của chúng tôi. Thực ra, tôi không quan tâm đến việc Hy Lạp có ở lại khối Eurozone hay không. Trong rất nhiều năm, mọi thứ vô cùng bất ổn, và bản thân tôi cảm thấy mệt mỏi. Đất nước cần tìm ra giải pháp dài hạn và bền vững. Ngoài ra, Hy Lạp cũng nên trả các khoản đã vay, hoặc ít nhất là một phần trong số chúng. Tôi cho rằng, nền kinh tế đang ở dưới đáy, và tình hình có thể tốt hơn. Nếu không đạt được thỏa thuận, mọi thứ sẽ tệ đi đôi chút, nhưng rồi nó cũng sáng sủa sau vài năm. Tuy nhiên, điều này sẽ làm thay đổi châu Âu, giống như trong trò domino vậy. |
5. Yannis Sifakekis (45 tuổi, nhà hoạt động chính trị): Chúng ta nên chia tay EU Tôi phản đối các cuộc đàm phán với IMF và EU. Chúng ta phải chống lại các chương trình thắt lưng buộc bụng mới. Thay vào đó, hãy xóa bỏ các khoản nợ và đặt những công ty lớn dưới sự kiểm soát của nhân dân. Chính phủ đã sai lầm khi đưa ra các khoản vay hay cơ cấu lại nợ. Điều đáng ra nên làm là hủy bỏ chúng. Hy Lạp nên chia tay EU. Điều quan trọng không nằm ở chỗ chúng ta dùng đồng euro hay drachma, nó nằm ở việc kiểm soát các ngân hàng. Chúng ta đang có 1,3 triệu người thất nghiệp, và cần chiến đấu để thay đổi tình hình. |
6. Vasso Zotou (21 tuổi, sinh viên): Chúng ta cần phải khôn khéo hơn Tôi không nghĩ rằng, chính phủ đang làm tốt công việc của họ, sẽ rất khó nếu quay lại với đồng drachma. Chúng tôi không sản xuất nhiều ở Hy Lạp mà chủ yếu nhập khẩu, điều đó khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ. Thật khó để kiếm được việc làm hiện nay. Bạn phải cố gắng rất nhiều để nhận về đồng lương ít ỏi. Tôi có một công việc làm thêm trong mùa hè, và phải cố gắng để giữ nó, nhằm phụ giúp gia đình. Đôi khi tôi cảm thấy tức giận với chính phủ và các thế hệ trước, vì họ đã tiêu quá nhiều số tiền họ chẳng hề có. Tôi cho rằng, sai lầm thuộc về người Hy Lạp và cả những chính phủ tại châu Âu. Song cho dù đó là lỗi của ai, chúng ta cũng cần phải khôn khéo hơn. |
7. Bob Hios (62 tuổi, giáo viên đã về hưu): Chúng ta không cần đồng minh như vậy Tôi là người Mỹ gốc Hy Lạp. Tôi sống ở Boston nhưng thường xuyên về quê hương. Tôi chứng kiến những gì chính sách thắt lưng buộc bụng làm với người dân nơi đây. Hàng triệu người thất nghiệp, 300.000 cử nhân rời bỏ đất nước - tổn thất to lớn đối với những người đóng thuế, những người đã chi trả cho tấm bằng của họ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ thi nhau đóng cửa, vậy chính phủ sẽ thu thuế của ai? Cần phải biết rằng, các doanh nghiệp này là vô cùng quan trọng với bất kỳ nền kinh tế nào. Chính phủ Hy Lạp đang gánh chịu rất nhiều áp lực từ đồng minh châu Âu, chúng ta không cần những đồng minh như vậy. Đây là chính quyền đầu tiên đứng về phía người dân, nếu từ bỏ đồng euro, tổn thất cho EU sẽ cao hơn tới 8 lần so với Hy Lạp. |
8. Stefanos Zouridakis (25 tuổi, chủ cửa hàng): Chúng ta, bằng cách nào đó, phải sống sót Tôi điều hành cửa hàng của gia đình, do không thể xin được việc sau khi tốt nghiệp. Tôi học chuyên ngành kinh tế và có thể nói được 3 ngoại ngữ. Dĩ nhiên bán túi xách cho phụ nữ không phải ước mơ của tôi, nhưng chúng ta phải sống sót bằng cách nào đó. Tôi nghĩ sự hiểu lầm lớn nhất là người dân ở các nước khác cho rằng, người Hy Lạp không muốn lao động. Song tôi có rất nhiều bạn bè làm việc 10-14 tiếng mỗi ngày ở các quán cà phê, chỉ để kiếm 500 euro mỗi tháng, cho dù họ có bằng đại học. Họ không thể tìm nổi công việc tốt hơn. Hy Lạp chủ yếu kiếm tiền từ du lịch, khi đồng euro trở nên mạnh hơn, du khách sẽ tìm đến những quốc gia có giá cả dễ chịu như Bulgary. Bạn có thể thấy sự khủng hoảng hiện rõ trên con phố này, đây từng là nơi sầm uất nhất Athens, hiện tại nó chẳng còn gì cả. |
9. Ioanna Tsironis (37 tuổi, thanh tra y tế): "Nó giống như đang đánh bài vậy" Tôi đã bị giảm lương từ 1.400 xuống 830 euro mỗi tháng. Rất khó khăn, song như vậy còn tốt chán. Tôi không mua thêm quần áo mới, không đi du lịch nước ngoài - những điều vẫn thường làm khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn trong quá khứ. Với công việc của mình, tôi có thể thấy doanh nghiệp ở Hy Lạp đang gặp rất nhiều khó khăn, người dân hạn chế đi ăn nhà hàng, hy vọng duy nhất nằm ở khách du lịch vào mùa hè. Tôi không lo lắng về đồng euro, tôi ủng hộ chính phủ. Họ đã hỗ trợ tôi trong suốt 3 năm, và đang có những bước đi thận trọng. Tôi thích cách họ thương lượng với EU, giống như đang đánh bài vậy, và họ chơi rất hết mình. |
10. Gia đình Klitoraki: Chúng ta phải trả các khoản nợ Chúng tôi muốn Hy Lạp ở lại châu Âu, tôi lo lắng về các chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng chúng ta đã vay tiền và cần phải trả lại. Nếu không, chẳng ai ở châu Âu sẽ tin Hy Lạp nữa. Chúng tôi thực sự lo lắng về việc rời bỏ châu Âu, nó sẽ rất tệ cho đất nước, cho cả tình hình việc làm. Sẽ chẳng ai đến đây nữa, chính phủ này thực sự không có trách nhiệm. |