Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Hy Lạp đau đầu vì tiền

Nợ nần chồng chất đã đánh gục Hy Lạp. Cuộc sống của người dân quốc gia này chỉ còn lại những lo lắng về việc làm, tiền bạc.

Stefanos Zouridakis là chủ một cửa hàng có truyền thống lâu đời tại trung tâm thủ đô Athens, Hy Lạp, CNN cho biết. Nối nghiệp cha và ông nội, Stefanos tự thiết kế túi xách và ví để bán. Cửa hàng của ông mang tên Zouridakis, nằm ở vị trí đắc địa trên khu phố mua sắm gần với tòa nhà Quốc hội Hy Lạp. Đến nay, Zouridakis gần như là cửa hàng duy nhất còn tồn tại trong cơn bão khủng hoảng chưa có hồi kết ở Hy Lạp. 

Bất chấp những nỗ lực chỉnh đốn nền kinh tế, sau 5 năm, Hy Lạp vẫn không thể thoát khỏi suy thoái. Tại Athens, minh chứng cho sự sụp đổ của nền kinh tế hiện hữu ở từng ngõ ngách. Hàng loạt cửa hàng bỏ hoang trên những con phố là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở quốc gia này.  Thu nhập của người Hy Lạp đã giảm 33% trong giai đoạn 2007-2014. 

"Tôi được trả lương khá hậu hĩnh so với nhiều người. Song, điều đó không làm tôi hết lo lắng về tương lai", Nikos Kontzialis, một nhân viên ngân hàng, nói. Lương của Nikos không thay đổi trong suốt 5 năm qua, nhưng mức thuế anh phải đóng đã tăng 10-15%.

"Chúng tôi không tiêu tiền và sử dụng các dịch vụ bên ngoài nhiều như trước. Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy một viễn cảnh tương lai khả quan nào", Nikos nói. 

Nhận xét của Nikos hoàn toàn có cơ sở. Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, chi tiêu cá nhân của người Hy Lạp giảm 30% kể từ năm 2010. 28% lượng chi tiêu cho thực phẩm cũng bị cắt bỏ. 

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc người Hy Lạp "thắt lưng buộc bụng" là các doanh nghiệp. Khoảng 20% doanh nghiệp tư nhân đã nộp đơn phá sản kể từ 2010, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tại đây tăng từ 10% năm 2010 lên 27% vào 2014.

Tuy nhiên, những người thất nghiệp hoặc có bảo hiểm lương hưu mới là những người chịu thiệt thòi nhất. Tiền lương hưu bị cắt giảm tới 60% xuống còn 830 euro mỗi tháng (930 USD). Hy Lạp cũng là quốc gia thuộc nhóm OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) có mức lương trung bình giảm mạnh nhất, với trung bình hơn 5% mỗi năm kể từ quý I/2009. 

Ở chiều ngược lại, giá cả tiêu dùng tại Hy Lạp lại có xu hướng tăng lên. Để thuê 1 căn hộ nhỏ tại Athens, người dân sẽ phải bỏ ra khoảng 300 euro mỗi tháng (336 USD). Vé tháng tàu điện ngầm tại đây cũng lên tới 30 euro (34 USD).

Cảnh hoang tàn tại sân vận động Olympic, Athens. Ảnh: CNN.

Thất nghiệp gia tăng khiến tiền lương hưu trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Gia đình Konstantinos Papageorgiou là một ví dụ tiêu biểu. Konstantinos vẫn không thể kiếm nổi việc làm ổn định sau 2 năm tốt nghiệp đại học. Anh sống với bố mẹ đã nghỉ làm và phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương hưu. "Tôi vẫn còn rất may mắn. Ngoài kia còn rất nhiều người không nhận được sự hỗ trợ của gia đình", Konstantinos cho biết.

Sân vận động (SVĐ) Olympic bị bỏ hoang nằm cách trung tâm Athens chỉ vài dặm. Từng là biểu tượng cho giây phút tự hào nhất của người Hy Lạp, SVĐ Olympic giờ đây là bằng chứng cho những gì quốc gia này đã phải chịu đựng trong suốt 7 năm. Công trình rỉ tróc. Những đài phun cạn nước. Những bức tường đầy hình vẽ graffity và rác thải ở khắp nơi.  Ít ai có thể tưởng tượng được 11 năm về trước, nơi đây từng diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. 

Đối với Christina Katsoulou, một nhân viên hành chính tại Trung tâm Thể thao dưới nước, Olympics 2004 là những giờ phút tự hào nhất trong cuộc đời cô. "Chúng tôi đã không tin rằng Hy Lạp có thể tổ chức thành công Olympic. Mọi thứ đều sạch sẽ và mới mẻ. Cảm giác lúc đó thật tuyệt vời. Olympic chính là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời chúng tôi", cô chia sẻ.

Tuy nhiên, sau 11 năm, mọi thứ đã thay đổi. "Giờ thì chúng tôi lại đang phải tìm cách sống sót", Christina nói.

Cần 13 tỷ phú giàu nhất châu Âu để cứu Hy Lạp

Trước sự lo lắng của cả châu Âu về nguy cơ vỡ nợ từ Hy Lạp, Bloomberg đưa ra một ý tưởng đầy táo bạo cho vấn đề này.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm