1. Có tiền sử gặp rắc rối kinh tế
Thông tin trên Business Insider cho biết, lần vỡ nợ đầu tiên của Hy Lạp xảy ra vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Từ đó, 13 thành bang đất nước này đã phải vay mượn từ đền Delos.
Tuy vậy, phần lớn các con nợ đã không thể trả tiền và đền Delos chịu mất 80% khoản cho vay.
2. Vỡ nợ 5 lần trong 200 năm
Năm 1826: Hy Lạp vỡ nợ trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ đế quốc Ottoman.
Năm 1843: Hy Lạp sử dụng vốn từ khoản vay năm 1832 để chi cho quân đội Otto và hoàng tử Bavaria, ngừng chi trả vào năm 1843.
Năm 1860: Sau lần vỡ nợ này, Hy Lạp bị loại ra khỏi thị trường quốc tế cho đến năm 1878.
Năm 1894: Khi thị trường mở cửa, lượng cho vay tại Hy Lạp tăng trưởng nhưng không bền vững, chính phủ nước này ra lệnh tạm hoãn chi trả vào năm 1893.
Năm 1932: Khủng hoảng kinh tế một lần nữa xảy ra do ảnh hưởng của đại suy thoái.
3. 90 năm chịu khủng hoảng kinh tế
Hy Lạp giành độc lập từ đế quốc Ottoman năm 1830, sau khi Anh, Pháp và Nga can thiệp hỗ trợ cuộc chiến. Kể từ đó, đất nước này đã có 90 năm chìm trong khủng hoảng tài chính trên tổng số 196 năm độc lập.
4. Mỗi năm, tham nhũng gây thiệt hại 8-10% GDP
Tiến sĩ Daniel Kaufmann, đến từ Brookings - viện nghiên cứu lâu đời nhất nước Mỹ - đã đưa ra con số nói trên. Phần lớn tham nhũng đến từ hoạt động hàng ngày của người dân.
"Nếu Hy Lạp kiểm soát tham nhũng tốt hơn như Đan Mạch hay Tây Ban Nha, số thâm hụt ngân sách sẽ giảm đi 4%", Kaufmann nhận định.
Một nghiên cứu năm 2014 của Uỷ ban châu Âu đã chỉ ra, Hy Lạp là quốc gia có nạn tham nhũng tồi tệ nhất trong Liên minh châu Âu và được đánh giá ngang Trung Quốc.
5. Cá thể kinh doanh đang trốn thuế
"Các hộ kinh doanh cá nhân đang phải bỏ ra hơn 100% thu nhập để trả lãi cho nợ của người tiêu dùng" là nhận định được trích ra từ phần giới thiệu trong một nghiên cứu của Đại học Chicago năm 2012.
Các nhà phân tích cho rằng, những người tự kinh doanh tại xứ sở các vị thần đang báo cáo thiếu thu nhập. Số thuế các cá thể kinh doanh độc lập ở Hy Lạp đã trốn năm 2009 ước tính lên đến 28 tỷ euro.
6. 49,7% người trẻ Hy Lạp đang thất nghiệp
Những người lao động Hy Lạp đang phải xếp hàng dài đợi đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Năm ngoái, tỷ lệ không có việc làm trong nhóm dân số trẻ là 56,4%. Tháng 3/2015, con số chung là 25,6%, thấp hơn một chút so với đỉnh điểm 28% vào tháng 9/2013.
7. 63,5% người Hy Lạp trong độ tuổi 18-34 sống với cha mẹ
Nếu chỉ xét độ tuổi 25-34, tỷ lệ người Hy Lạp sống với cha mẹ là hơn 50%, tăng dần kể từ năm 2010.
Flavia Krause-Jackson và Giovanni Salzano, hai phóng viên của Bloomberg, nhận xét như sau: "Chuyển ra khỏi căn nhà tuổi thơ được coi như một nghi lễ trưởng thành. Chuyển về nhà cùng gia đình là một lời kêu cứu. Ở Hy Lạp, chuyện đó đã trở nên bình thường".
8. Dân số già
Hy Lạp sở hữu dân số già, khi chỉ 9,8% nằm trong độ tuổi 15-24. Có đến 32,9% người dân nước này trong độ tuổi trên 55. Tỷ lệ sinh giảm xuống còn 1,3 trẻ trên 1 phụ nữ.
9. Hy Lạp lớn gấp 5 lần bang Massachusetts (Mỹ) nhưng GDP chỉ bằng 1/2
GDP của Hy Lạp là 242,2 tỷ USD, trong khi con số này của Massachusetts là 420,75 tỷ USD. Về diện tích, Massachusetts rộng hơn 27.000 km2, còn Hy Lạp rộng 131.000 km2.
10. Cơn ác mộng kinh tế của Hy Lạp hiện nay tệ hơn cuộc đại suy thoái những năm 1930 ở Mỹ
Đại suy thoái là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940. Cuộc khủng hoảng bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán phố Wall ngày 29/10/1929.
Khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ và nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu, mọi nơi trên thế giới, phá hủy cả các nước phát triển. Thương mại quốc tế suy sụp rõ rệt. Thu nhập cá nhân, thuế, lợi tức đều bị ảnh hưởng.
11. Sản lượng dầu oliu hàng năm nặng tương đương 1.575 con cá voi xanh
Đứng thứ 3 thế giới về dầu oliu, chỉ sau Tây Ban Nha và Italy, Hy Lạp sản xuất 300.000 tấn dầu một năm, tương đương với cân nặng của 1.575 con cá voi xanh. 90% sản lượng được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.