Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hơn 100 ngày chiến sự ở Ukraine thay đổi cục diện thế giới

Ba tháng sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự" tại Ukraine, cục diện quân sự, diễn biến chính trị, cũng như tiếng nói của các bên đã có nhiều thay đổi.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, cục diện quân sự, diễn biến chính trị, tiếng nói giữa các bên liên quan và triển vọng đàm phán, cũng như tác động của cuộc chiến đến nền kinh tế toàn cầu, đã có nhiều thay đổi.

Tính đến nay, xung đột Nga - Ukraine đang ở trong giai đoạn thứ hai, mang tính quyết định với cả hai bên. Tuy nhiên, không nhiều dấu hiệu cho thấy căng thẳng sẽ sớm hạ nhiệt cũng như đàm phán có kết quả tích cực hơn.

Cục diện quân sự Nga - Ukraine đến nay

Chênh lệch lực lượng giữa Nga và Ukraine trong giai đoạn đầu đã làm cán cân nghiêng về phía Nga, trong khi phía Ukraine gặp bất lợi hơn về nhân sự và trang thiết bị.

Quân đội Nga có sự huy động đầy đủ các khả năng quân sự, bao gồm pháo binh và hệ thống hỗ trợ, hậu cần với đầy đủ lực lượng trên bộ, trên không và trên biển. Chính phủ Mỹ cho rằng Nga đã điều động lên đến 190.000 lính trong và gần biên giới Ukraine từ tháng 10/2021 đến trước thềm cuộc chiến nổ ra, theo New York Times.

Với quy mô tiến đánh gồm 4 hướng chiến lược, quân đội Nga gặp hạn chế trong việc sử dụng khả năng tích lũy trước cuộc chiến. Ngược lại, Ukraine tỏ ra có khả năng kháng cự tốt bằng các chiến lược du kích cô lập và làm suy kiệt lực lượng đối thủ, theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ.

Một số lính thuộc lực lượng ly khai thân Nga lái xe tăng tại khu vực Donetsk vào ngày 22/5. Ảnh: Reuters.
xung dot Nga va Ukraine anh 2
xung dot Nga va Ukraine anh 2

Một số lính thuộc lực lượng ly khai thân Nga lái xe tăng tại khu vực Donetsk vào ngày 22/5. Ảnh: Reuters.

Kết quả, Nga thay đổi chiến lược sau khi không chiếm được ưu thế trên không phận Ukraine. Mặt khác, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov đã công bố tổn thất của Ukraine lên tới 23.367 lính với hàng nghìn vũ khí quân sự bị phá hủy, theo Sputnik News.

Từ giai đoạn thứ hai, quy mô tiến đánh có sự thu hẹp hơn khi quân đội Nga có sự chuyển hướng sang khu vực Donbas và miền Nam Ukraine cho phù hợp với tình hình thực tế. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhận định “mục tiêu chính của quân đội Nga giai đoạn này là giải phóng Donbas”, theo Sputnik News.

xung dot Nga va Ukraine anh 3

Cảnh tượng tan hoang ở Slovyansk, Ukraine sau đòn tấn công của Nga. Ảnh: New York Times.

Đồng thời quân đội Ukraine cũng chiếm đóng cơ sở hạ tầng và phá hủy các tài sản quan trọng của Nga. Nổi bật, sự kiện Nga chiếm được Mariupol ngày 21/4 có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, bởi đây là thành phố quan trọng đầu tiên mà Nga nắm giữ từ khi bắt đầu cuộc chiến, theo TASS.

Tình hình và triển vọng đàm phán

Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến, Nga và Ukraine đã tiến hành đàm phán theo hai con đường. Đàm phán theo các tổ tư vấn được tổ chức theo nhiều hình thức, xoay quanh việc thực thi các hành lang nhân đạo, trao đổi tù binh, chuẩn bị chương trình nghị sự cho các cuộc họp giữa các bộ trưởng.

Ở cấp cao hơn, ngoại trưởng hai bên đã gặp nhau hai lần vào tháng 3.

Tuy nhiên, đàm phán hòa bình ở cấp bộ trưởng giữa Nga và Ukraine hiện đã rơi vào bế tắc, khi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây ra bất đồng quan điểm.

Yêu cầu của Nga trong các cuộc họp tập trung “phi phát xít hóa”, “phi quân sự hóa” Ukraine, bên cạnh đó là tình trạng của bán đảo Crimea, vùng Donbas và các quy chế trung lập của Ukraine, theo Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế.

xung dot Nga va Ukraine anh 4

Đàm phán hòa bình ở cấp bộ trưởng giữa Nga và Ukraine đã rơi vào bế tắc. Ảnh: AP.

Những đề xuất của phía Kyiv bao gồm việc Ukraine trung lập, không liên kết, không phát triển vũ khí hạt nhân với mục đích đổi lấy đảm bảo an ninh hợp pháp từ quốc tế.

Trong kịch bản được đăng trên website của Trung tâm Davis về Nghiên cứu Nga và Đại lục Á - Âu thuộc Đại học Harvard, Mỹ, tác giả Arvid Bell và Dana Wolf cho rằng để đàm phán hiệu quả hơn, Nga và Ukraine cần phải nhận thấy sự cần thiết của một thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình dựa vào tình hình chiến sự, bên cạnh đó vai trò trung gian của các quốc gia khác cũng cần được đẩy mạnh.

Trên tờ Responsible Statecraft, hai học giả George Beebe và Anatol Lieven nhận định Ukraine có thể sẽ phải nhượng bộ về các quy tắc trung lập của mình, vấn đề ở bán đảo Crimea và miền Đông Ukraine sẽ cần đàm phán lâu dài.

Động thái của phương Tây

Xung đột tại Ukraine đã chứng kiến một thái độ mạnh mẽ, đồng lòng chưa từng thấy trước đó của các quốc gia phương Tây trong việc ngăn chặn các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy vậy, các bất đồng diễn ra trong nội bộ các quốc gia phương Tây về nhiều quan điểm cũng dần đặt các bên vào một tình thế nan giải.

Mỹ là bên hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho Ukraine trong suốt cuộc chiến. Quốc hội nước này đã thông qua một gói cứu trợ lên tới 40 tỷ USD nhằm viện trợ cho Ukraine.

Washington sắp tới sẽ cung cấp gói cứu trợ quân sự thứ 11 cho Ukraine trị giá 700 triệu USD. Về phía Lầu Năm góc, cơ quan này khẳng định không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ tại Ukraine.

xung dot Nga va Ukraine anh 5

Phương Tây ngày càng gửi nhiều vũ khí hạng nặng hơn tới Ukraine để hỗ trợ nước này đẩy lùi lực lượng Nga. Ảnh: New York Times.

Tuy vậy, cách hành xử của Mỹ cũng bộc lộ sự khó hiểu trong cách tiếp cận về vấn đề xử lý khủng hoảng Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã kêu gọi thiết lập “lệnh ngừng bắn tức thời” sau cuộc điện đàm với đồng cấp Nga Sergei Shoigu, chỉ ba tuần sau khi ông tuyên bố phương Tây cần giúp Ukraine “chiến thắng”.

Ngoài ra, Nhà Trắng đã từ chối chuyển giao hệ thống tên lửa tầm xa do những lo ngại việc Ukraine có thể sử dụng để bắn phá vào các vùng lãnh thổ Nga, làm leo thang xung đột.

Ngay từ những ngày đầu khi chiến sự nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga, bất chấp lợi ích và quan hệ của các quốc gia thành viên với Điện Kremlin.

Theo CNN, EU cũng đã vừa thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga khi cam kết cắt giảm hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu.

Tuy vậy, sự thống nhất của EU lại bị thách thức bởi áp lực từ kinh tế, lạm phát, nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu ngày càng gia tăng dẫn đến việc các lệnh cấm dầu mỏ của Nga không đạt được hiệu quả toàn diện.

Ngoài ra, quy chế đặc biệt của EU cho phép Ukraine gia nhập cũng đã bị một số quan chức cấp cao EU phản đối, theo Newsweek cho biết.

Về phía NATO, khối liên minh quân sự này đã đổi mới trọng tâm trong chính sách bảo vệ lãnh thổ sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Các nước thành viên NATO cũng đã chuyển giao vũ khí, đạn dược, vật tư y tế các thiết bị quân sự và hàng triệu euro hỗ trợ tài chính tới Ukraine.

Ngoài ra, chiến sự tại Ukraine cũng đã thay đổi chính sách an ninh trung lập của Thuỵ Điển và Phần Lan khi hai quốc gia Bắc Âu đã gửi đơn chính thức xin gia nhập NATO. Động thái của hai quốc gia trên đã nhận phải những chỉ trích không chỉ từ Nga mà cả Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO.

Guardian cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO do lịch sử tiếp nhận các nhóm chiến binh người Kurd và việc Thụy Điển ngừng cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019.

Điều gì đang diễn ra ở Nga?

Tác động của cuộc chiến đến Nga được phản ánh ở ba phương diện cụ thể là tình hình đối ngoại, nội trị và diễn biến kinh tế trong nước.

Về mặt đối ngoại, dù vẫn phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ phương Tây, Nga vẫn giữ được một số đồng minh quan trọng. Những chính trị gia ủng hộ Nga như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen đang đạt được nhiều sự đồng tình của công chúng.

xung dot Nga va Ukraine anh 6

Nhân viên cứu hộ khẩn cấp đang hoạt động sau một vụ nổ ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 28/4. Ảnh AP.

Về mặt nội trị, Tổng thống Putin vẫn nhận được nhiều tình cảm từ người dân Nga. Theo cơ quan thăm dò độc lập Levada có trụ sở tại Moscow, từ sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt được phát động, tỷ lệ người ủng hộ Putin luôn ở mức trên 80%. Nhà khoa học chính trị Ilya Matveev đề cập trong bài viết trên Al Jazeera Studies rằng khả năng biến động quyền lực ở Moscow là không cao.

Về diễn biến kinh tế, mặc dù lạm phát tăng cao, đồng ruble vẫn mạnh nhờ biện pháp tăng lãi suất trần của Ngân hàng Trung ương Nga và chính sách yêu cầu các nhà xuất khẩu Nga sử dụng đồng tiền này trong giao dịch, theo New York Times.

Theo chuyên gia về thị trường Năng lượng và Dầu Khí Vyacheslav Mischenko, trước những lệnh cấm vận của phương Tây, Nga vẫn có thể tìm tới những khách hàng tiềm năng tại Đông Nam Á hoặc châu Phi. Vì vậy, những lệnh trừng phạt không quá ảnh hưởng tới vị trí của nước này trên thị trường quốc tế.

Tác động đến kinh tế thế giới

Xung đột tại Ukraine đã tạo nên một loạt tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề gia tăng lạm phát và đứt đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều quốc gia lâm vào tình thế chật vật để giải cứu nền kinh tế vốn đã bị suy thoái bởi đại dịch.

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu kéo theo hệ luỵ là sự gián đoạn thương mại và khủng hoảng lương thực. Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 4, khoảng 20% hàng hóa hàng không toàn cầu được báo cáo là bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm trên không phận.

xung dot Nga va Ukraine anh 7

Xung đột tại Ukraine làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu đứng trước nguy cơ trở nên tồi tệ hơn nếu nguồn cung ứng lương thực tiếp tục bị gián đoạn như hiện tại, gây ra “mối đe dọa lớn’ đối với “an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu”, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển.

Viễn cảnh này sẽ không còn là dự đoán nếu căng thẳng tiếp tục leo thang bởi Nga là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine dự kiến sẽ xuất khẩu tới 20 triệu tấn lúa mì trong vụ mùa này, tương đương khoảng 10% sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, theo Business Insider.

Vật giá chạm mốc kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, theo Business Insider. Sự thiếu hụt về nguồn cung khiến giá hàng hoá trải qua cú sốc lớn nhất trong gần 50 năm qua, kéo theo sự tăng mạnh của lạm phát. Kể từ đầu chiến sự, giá than đã tăng 60%, khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng hơn 30% và giá lúa mì tăng khoảng 40%.

Giá năng lượng có khả năng tăng hơn 50% vào năm 2022 trước khi giảm bớt vào năm 2023 và 2024, trong khi giá nông nghiệp được dự báo sẽ tăng gần 20% trong năm nay trước khi giảm dần.

Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại địch Covid-19 sẽ tiếp tục bị cản trở, theo Liên Hợp Quốc. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 4,0% được đưa ra vào tháng 1/2022.

Sự tụt hạng về triển vọng tăng trưởng bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu - và phần lớn các nền kinh tế phát triển và đang phát triển khác.

Giá cổ phiếu trên thị trường tài chính giảm nhanh và sự mất giá một cách kỷ lục của tiền điện tử có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Rủi ro này đang dần được hiện thực hóa khi tỷ giá hối đoái của đồng tiền Mỹ tăng mạnh.

IMF đã phải hạ thấp đáng kể dự báo kinh tế của mình so với tháng 1/2021, đặc biệt là đối với các nước mới nổi, làm trầm trọng thêm tình trạng mất tăng trưởng mà các nước này phải gánh chịu do đại dịch.

Khủng hoảng người tị nạn gây thêm sức ép cho nền kinh tế, theo World Bank. Áp lực kinh tế từ các cuộc khủng hoảng di cư sẽ trở thành một thách thức lớn đối với các quốc gia sở tại khi phải giải quyết sự xuất hiện đột ngột của một số lượng rất lớn người tị nạn.

xung dot Nga va Ukraine anh 8

Những người tị nạn Ukraine tiếp tục hành trình đến Warsaw (Ba Lan) trên chuyến tàu từ Przemysl. Ảnh: New York Times.

Cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Trong đó, các thị trường mới nổi, các nước đang phát triển ở châu Âu và Trung Á sẽ phải đối mặt hậu quả.

Đến nay, tình hình căng thẳng tại Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và sẽ còn nhiều tác động lên kinh tế - chính trị của các bên liên quan cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, để đánh giá sâu hơn những thiệt hại và lợi ích mà cuộc chiến để lại cần phải có sự theo dõi sát sao và dài hạn đối với những diễn biến trên thực địa cũng như động thái của các bên liên quan.

Nga tung video tên lửa phòng không S-300PM2 bắn hạ drone Ukraine
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
Nga tung video tên lửa phòng không S-300PM2 bắn hạ drone Ukraine Nga tung video tên lửa phòng không S-300PM2 Favorit của nước này tiêu diệt drone Bayraktar TB2 của Ukraine. Ngoài drone, S-300PM2 còn có thể tấn công máy bay và tên lửa hành trình.
Bài liên quan

Sievierodonetsk đang bị 'chia đôi'

Sievierodonetsk đang bị 'chia đôi'

Nga và Ukraine mỗi bên đang kiểm soát một nửa thành phố Sievierodonetsk sau khi quân đội của Kyiv đẩy lùi được đối phương trong hai ngày qua, theo thống đốc tỉnh Lugansk.

Thi truong Newark phan no hinh anh

Thị trưởng Newark phẫn nộ

0

Thị trưởng Ras Baraka và các nhà lập pháp bày tỏ sự phẫn nộ với các cuộc đột kích nhập cư trong khi các thành phố trú ẩn trên toàn quốc chuẩn bị cho các hành động tương tự của ICE.

Nga Đặng - Yến Nhi - Diệu Linh - Như Quỳnh - Nhật Minh