Cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ Pháp ở Paris hôm 7/3. Ảnh: Reuters. |
Lần thứ sáu kể từ đầu năm, các tổ chức công đoàn kêu gọi đình công và biểu tình trên toàn nước Pháp. Nhiều cuộc biểu tình hôm 7/3 đã thu hút đám đông lớn hơn so với những cuộc biểu tình được tổ chức trước đó kể từ giữa tháng 1, Guardian dẫn nguồn tin từ chính quyền và truyền thông địa phương.
Fabrice Michaud, thuộc nhánh công nhân đường sắt của công đoàn CGT, cho biết kế hoạch của cuộc biểu tình là “khiến nước Pháp đứng yên”.
Các công đoàn đường sắt kêu gọi đình công luân phiên. Điều này có thể ảnh hưởng đến tất cả chuyến tàu trong nước và quốc tế, bao gồm cả Eurostar. Những người thu gom rác và tài xế xe tải cũng đã tham gia đình công.
Vào giữa trưa 7/3, khoảng 39% công nhân tại công ty điều hành đường sắt nhà nước SNCF đã đình công, nguồn tin của AFP cho biết. Đây là con số cao nhất kể từ cuộc đình công đầu tiên phản đối những thay đổi về hưu trí vào ngày 19/1.
Xe buýt địa phương và tàu điện ngầm ở các thành phố lớn đã bị ảnh hưởng, cũng như các hãng hàng không, khi có tới 30% chuyến bay bị hủy vào ngày 6-7/3.
Khoảng 24% công nhân khu vực công ngừng làm việc và nhiều trường học đóng cửa khi giáo viên tổ chức đình công kéo dài một ngày. Một số sinh viên cũng đã bắt đầu phong tỏa các khoa vào tối 6/3.
Công nhân nhà máy lọc dầu và năng lượng cũng tham gia đình công. Công đoàn CGT cho biết việc cung cấp nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu trên khắp nước Pháp đã bị chặn từ sáng 7/3. Điều này có thể khiến các trạm xăng cạn kiệt nếu những cuộc biểu tình tiếp diễn.
Một người đàn ông tham gia biểu tình ở Saint-Nazaire. Ảnh: Reuters. |
“Chính phủ phải lưu tâm đến sự phản đối này khi có quá nhiều người xuống đường, khi chính phủ gặp quá nhiều khó khăn trong việc giải thích và thông qua cải cách của họ”, Laurent Berger, người đứng đầu liên minh CFDT ôn hòa, cho biết tại một cuộc biểu tình ở Paris.
Các đề xuất của ông Macron về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 và tăng số năm làm việc cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ đang được tranh luận tại Thượng viện Pháp.
“Cuộc chiến thực sự bắt đầu ngay bây giờ”, Reuters dẫn lời ông Marin Guillotin, đại diện công đoàn FO tại nhà máy lọc dầu Donges ở miền Tây nước Pháp.
"Chúng tôi không được lắng nghe. Chúng tôi đang sử dụng phương tiện duy nhất còn lại: Đó là cuộc đình công quyết liệt. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, ông nói thêm.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.