Sau hơn 2 thập kỷ làm việc với cường độ 35 giờ mỗi tuần, khiến năng suất lao động tại Pháp vươn lên đứng đầu châu Âu, hàng triệu người dân đã cảm thấy mệt mỏi và quyết định xuống đường biểu tình chống lại những cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.
Một lượng lớn người biểu tình đã tuần hành tại các thành phố và thị trấn trên khắp nước Pháp gần đây để thể hiện sự phản đối trước đề xuất nhằm tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 62 lên 65.
Dẫu vậy, giáo sư Giovanni Capoccia, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford (Anh) nhận định dự luật cải cách hệ thống hưu trí, nếu được thông qua, sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới giới đầu tư quốc tế về việc chính phủ Pháp giám sát chặt chẽ tình hình tài chính trong nước và chi tiêu ngân sách công.
“Cải cách hệ thống hưu trí là một hành động cần thiết nhằm kích thích dòng vốn đầu tư nước ngoài và tăng năng suất lao động tại Pháp”, ông nói với Zing.
Nhu cầu cấp thiết
Kế hoạch mới của Pháp quy định rằng người lao động phải làm việc ít nhất 43 năm để hưởng lương hưu đầy đủ. Đối với những người không đáp ứng được điều kiện trên, tuổi nghỉ hưu sẽ giữ nguyên ở con số 67. Những người làm việc sớm hoặc gặp vấn đề sức khỏe sẽ được phép nghỉ hưu sớm.
Giáo sư Giovanni Capoccia, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford (Anh). Ảnh: University of Oxford. |
Theo giáo sư Capoccia, phần lớn những người phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của ông Macron có xu hướng ủng hộ và có liên quan đến phong trào cực tả tại Pháp.
“Liên minh nhân dân mới vì sinh thái và xã hội (NUPES) là tổ chức đang dẫn đầu phong trào phản đối cải cách hệ thống hưu trí Pháp tại Nghị viện và cả trên đường phố”, ông cho hay. Đây là một liên minh chính trị gồm nhiều đảng có xu hướng cánh tả.
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Pháp đối với những thay đổi trong hệ thống hưu trí của nước này, giáo sư Capoccia nhấn mạnh rằng hệ thống trên có nhiều khuyết điểm và cần phải được cải cách.
“Hệ thống hưu trí của Pháp quá hào phóng với người nhận trợ cấp, dẫn đến tiêu tốn một lượng lớn nguồn ngân sách công”, giáo sư Capoccia nhận định.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Capoccia cho biết nhu cầu cải cách hệ thống lương hưu và hạn chế chi tiêu công càng trở nên cấp thiết khi nợ công của Pháp tăng mạnh sau đại dịch Covid-19.
“Pháp cần gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường tài chính thế giới, giảm thiểu khả năng các chủ nợ nước ngoài tăng lãi suất đối với quốc gia châu Âu này, khiến mức chi tiêu công vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ”, giáo sư Capoccia trả lời Zing.
Theo số liệu của Bộ Lao động Pháp, những cải cách hệ thống hưu trí của Tổng thống Macron, nếu được thông qua, sẽ tạo ra thêm 19,1 tỷ USD mỗi năm cho ngân sách của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu.
Trong những tháng qua, hàng triệu người dân Pháp đã xuống đường biểu tình chống dự luật cải cách hệ thống hưu trí của Tổng thống Macron. Ảnh: Reuters. |
Trong số những người tham gia biểu tình bao gồm cả các thành phần là học sinh trung học. Nhận định về vấn đề này, ông cho biết thật khó để nói liệu "giới trẻ" nói chung có tham gia biểu tình hay không.
“Một số hiệp hội sinh viên, cả học sinh trung học và sinh viên đại học, đã ủng hộ các cuộc biểu tình, nhưng phần lớn trong số này là hiệp hội sinh viên có cùng quan điểm chính trị với các đảng khác nhau trong liên minh NUPES”, ông cho biết.
Ông Macron không còn đường lui
AFP nhận định cải cách hưu trí là một phép thử lớn đối với ông Macron và đặc biệt gây tranh cãi vào thời điểm nhiều hộ gia đình Pháp đang phải vật lộn với lạm phát cùng giá năng lượng tăng cao.
Nhận định về những ảnh hưởng của làn sóng phản đối cải cách hưu trí đối với vị thế chính trị của ông Macron và đảng của mình, ông Capoccia cho rằng phần lớn sẽ phụ thuộc vào những tiến triển của cuộc đấu tranh hiện tại.
Nhiều sinh viên và học sinh cũng tham gia biểu tình chống cải cách hưu trí tại Pháp. Ảnh: AP. |
“Chính phủ có khả năng đạt được thỏa hiệp với đảng Cộng hòa (LR) - một đảng cánh hữu ôn hòa. Điều đó sẽ giúp đề xuất cải cách hưu trí nhận được sự ủng hộ đa số tại Quốc hội - nhưng Hiến pháp của nền Đệ ngũ Cộng hòa cung cấp cho chính phủ phương tiện để buộc Quốc hội thông qua cải cách ngay cả khi không có sự ủng hộ rõ ràng của đa số nghị sĩ”, ông nói với Zing.
Dẫu vậy, vị chuyên gia từ Đại học Oxford cho rằng liệu cuộc biểu tình trên đường phố sẽ kết thúc trong những tuần tới hay không vẫn chưa rõ ràng.
“Đảng Nước Pháp Bất khuất (LFI) và NUPES đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình mới và xung đột xã hội vẫn có thể leo thang. Tuy vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, ông Macron rất khó có khả năng rút lại cải cách”, ông cho hay.
Theo ông Capoccia, điều đó có thể ảnh hưởng đến vị thế chính trị của ông Macron trong phần còn lại của nhiệm kỳ, ít nhất là đối với chính trường trong nước.
Tổng thống Macron đối mặt với áp lực lớn từ cả giới chính trị và công chúng Pháp vì những đề xuất cải cách hưu trí của ông. Ảnh: Reuters. |
Ngoài Pháp, các phong trào biểu tình cũng đang diễn ra ở một số quốc gia châu Âu khác. Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng biểu tình ở Pháp là một vấn đề riêng biệt và không liên quan đến những phong trào còn lại.
“Nền kinh tế của các quốc gia châu Âu đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng đình công không xảy ra ở tất cả quốc gia”, ông nhận định.
Theo ông, điều kiện cụ thể của từng địa phương là rất quan trọng. “Chẳng hạn, ở Pháp, các cuộc đình công và biểu tình đang diễn ra nhằm phản đối đề xuất cải cách lương hưu. Nếu được thông qua, hệ thống hưu trí của Pháp sẽ vẫn hào phóng hơn hệ thống của Đức và Anh”, vị chuyên gia kết luận.
Bản sắc Liên minh châu Âu
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.