Hãng IndiGo của Ấn Độ viết tay thẻ lên máy bay cho khách. Ảnh: @akothari. |
Sự cố công nghệ quy mô toàn cầu diễn ra vào sáng nay (19/7, theo giờ Việt Nam), ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng và doanh nghiệp sử dụng hệ điều hành Windows.
Trong đó, nhiều hãng bay và sân bay lớn tê liệt hoàn toàn, phải hoãn, huỷ nhiều chuyến bay và chuyển sang làm các thủ tục bằng phương pháp thủ công tốn nhiều thời gian.
Tại Mỹ, toàn bộ chuyến bay của 3 hãng lớn nhất United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines phải hoãn lại, bất kể điểm đến ở đâu.
Theo trang web của Cục Hàng không Liên bang, American Airlines cho biết họ có thể tiếp tục hoạt động vào lúc 5h sáng (giờ Mỹ). Họ đã hủy lệnh dừng mặt đất đã ban hành cho đội bay của mình trước đó, theo Bloomberg.
Trước đó, sự cố khiến hãng Frontier phải hủy 131 chuyến bay và hoãn 223 chuyến bay khác, chiếm gần 30% tổng số chuyến bay của hãng, theo Reuters.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết cơ quan này đang theo dõi các vấn đề hủy và hoãn chuyến bay tại Frontier, đồng thời nói thêm rằng sẽ yêu cầu công ty và tất cả các hãng hàng không khác “có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của hành khách”.
Hàng loạt hãng hàng không lớn trên các châu lục khác như Ryanair, Cathay Pacific, Singapore Airlines, IndiGo, AirAsia, Tigerair Đài Loan và các sân bay lớn báo cáo sự cố khiến hệ thống đặt chỗ, hệ thống thông tin liên lạc sân bay... ngừng hoạt động. Nhiều hãng bay phải chuyển sang làm thủ tục thủ công.
Sân bay Hong Kong đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp khi sự cố xảy ra. Ảnh: Reuters. |
Tại Malaysia, hành khách không thể làm thủ tục ký gửi hành lý cho chuyến bay của AirAsia tại sân bay quốc tế Kota Kinabalu ở Sabah.
Tại sân bay Changi ở Singapore, hãng bay phát đồ ăn nhẹ và nước đóng chai cho hành khách đang chờ đợi xếp hàng dài để làm thủ tục.
Các kiosk tự làm thủ tục của hãng hàng không Jeju tại sân bay quốc tế Seoul đã ngừng hoạt động và hành khách phải xếp hàng dài để nhận thẻ lên máy bay viết tay. Hành khách cho biết họ chưa được chỉ định chỗ ngồi nên phải xếp hàng chờ đợi để biết mình sẽ ngồi ở đâu trên máy bay.
Sân bay quốc tế Dubai - một trong những trung tâm trung chuyển bận rộn nhất thế giới - cho biết trên X rằng họ đã “trở lại hoạt động bình thường” sau khi hệ thống toàn cầu ngừng hoạt động ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục của một số hãng hàng không tại hai nhà ga.
Trong khi đó tại sân bay Hong Kong, các chuyến bay đến và đi sân bay vẫn không bị gián đoạn nhưng cơ quan quản lý cho biết họ đã “kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp”. Ít nhất hai hãng hàng không địa phương khuyên du khách nên đến sân bay trước 3 giờ so với giờ khởi hành dự kiến.
Akasa Air, Air India và SpiceJet cùng với Indigo - các hãng hàng không của Ấn Độ đã đăng tải về sự cố lên các phương tiện truyền thông mạng xã hội và cảm ơn hành khách vì sự kiên nhẫn.
Lỗi màn hình xanh (Blue Screen of Death - BSOD) là một sự cố nghiêm trọng khiến hệ điều hành Windows phải dừng hoạt động đột ngột. Nguyên nhân thường do xung đột phần cứng, lỗi driver, phần mềm độc hại hoặc sự cố hệ thống. Khi xảy ra, màn hình hiển thị thông báo lỗi màu xanh kèm mã lỗi.
Để khắc phục, người dùng có thể thử khởi động lại máy tính, gỡ bỏ phần cứng và phần mềm mới cài đặt, cập nhật driver, quét virus, hoặc khôi phục hệ thống. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể cần cài đặt lại Windows hoặc kiểm tra phần cứng.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.