Không cần nhiều thời gian làm việc tại Việt Nam, nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn nắm được những vấn đề khái quát của môi trường có nhiều đặc thù. Ông từng có thời gian dài làm việc tại quê nhà và đạt những thành công nhất định. Theo HLV Jong Song-chon, cả bóng đã nữ Hàn Quốc và Việt Nam đều gặp những vấn đề tương đồng trong việc phát triển.
Bóng đá nữ Việt Nam có sự phát triển đáng kể trong những năm gần đây. |
Hãy cố gắng thêm một chút
"Hàn Quốc có khoảng 1.000 người đang công tác trong lĩnh vực bóng đá nữ. Việt Nam cũng có ít, chỉ khoảng 600 người, bao gồm cả cầu thủ. Đó là số lượng rất ít so với tiềm năng phát triển", ông Jong chia sẻ.
Không chỉ có ít người đang hoạt động, làm việc, bóng đá nữ Việt Nam và Hàn Quốc còn đối mặt với việc chảy máu nhân sự. Nhiều cầu thủ và cả HLV lựa chọn rẽ ngang giữa đường. Điều này càng khiến việc phát triển trở nên khó khăn hơn. "Đó là vấn đề nan giải đối với bất cứ nền bóng đá nào. Tôi cũng đang phải đối mặt. CLB bóng đá nữ Hà Nội đang có một số cầu thủ có ý định giải nghệ sớm. Tôi đau đầu với vấn đề này", ông nói với Zing.
Việc chảy máu lực lượng được xem là khó khăn mang tính truyền thống với bóng đá nữ Việt Nam. Mùa giải 2021, CLB nữ Sơn La phải rút lui khỏi giải vô địch quốc gia vì thiếu cả kinh phí lẫn nhân lực. Mùa giải 2020, HLV Lường Văn Chuyên phải mượn 15 cầu thủ từ đội nữ Hà Nam mới đủ quân số dự giải quốc gia. Ông Chuyên đã 2 lần phải đối mặt với khủng hoảng lực lượng trầm trọng chỉ sau 9 năm đội nữ Sơn La hoạt động.
Theo HLV Jong Song-chon, các cầu thủ nữ bỏ dở và tìm lối đi khác phần lớn đến từ những khó khăn về mặt kinh tế và vấn đề tương đối đặc thù. Cầu thủ nữ phải hy sinh nhiều hơn so với đồng nghiệp nam trong khi quyền lợi nhận được lại có sự chênh lệch đáng kể.
"Bóng đá nữ Việt Nam đang đạt những thành tích rất tốt, nó là bước đệm để thu hút thêm sự quan tâm và đầu tư từ xã hội. Nếu duy trì và tiếp tục phát huy, chắc chắn đời sống cầu thủ nữ sẽ được cải thiện đáng kể".
Ông Jong cũng nhắn gửi tới các cầu thủ nữ nói riêng và VĐV nữ nói chung, với mong muốn họ tiếp tục gắn bó với công việc mình lựa chọn: "Nhiều người dừng lại khi chỉ cách thành công chặng đường không xa. Nhiều trường hợp khiến tôi rất tiếc nuối khi lựa chọn như vậy. Chỉ cần mỗi người nỗ lực thêm một chút, chịu khó thêm một chút, chắc chắn sẽ được đền đáp".
Các cầu thủ nữ đang có nhiều lựa chọn để kiếm thêm thu nhập ngoài công việc chuyên môn. |
Nên có kế hoạch rõ ràng khi làm thêm
"Thực ra, bóng đá nam cũng từng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Khi bóng đá nam chưa nhận được sự quan tâm như hiện tại, nhiều người cũng bỏ dở sự nghiệp. Hiện nay, cuộc sống họ tốt hơn rất nhiều. Tôi tin sẽ tới thời điểm bóng đá nữ cũng được quan tâm tương xứng và cầu thủ nữ sẽ bớt khổ. Vấn đề là danh hiệu và thành tích. yếu tố này quan trọng", ông nói.
Bóng đá nữ Việt Nam thu hút sự quan tâm nhiều hơn sau thành công của đội tuyển nữ Việt Nam tại giải châu Á, với tấm vé dự World Cup nữ 2023. Ngoài việc thưởng nóng, một số tổ chức còn hứa tạo điều kiện để các tuyển thủ có việc làm sau khi giải nghệ, tuyển thẳng các cầu thủ vào một trường đại học.
Trước khi đạt những thành công nhất định, để đảm bảo cuộc sống, nhiều cầu thủ làm thêm các công việc khác nhau ngoài thời gian tập luyện và thi đấu. Có người bán hàng trực tuyến, có người hùn vốn mở cửa hàng kinh doanh. Ông Jong không bất ngờ với thông tin này.
"Không chỉ ở Việt Nam, tôi biết ở Nhật Bản, nơi bóng đá nữ đã từng vô địch thế giới, cũng có những cầu thủ đi làm thêm. Thực ra, không thể cấm đoán họ làm như vậy. Tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên với họ rằng hãy làm việc có kế hoạch cụ thể, đừng để chúng gây ảnh hưởng xấu lẫn nhau. Chỉ cần họ vẫn đạt hiệu quả và thu về thành công là được", ông nói.
Trước khi kết thúc cuộc trao đổi, nhà cầm quân người Hàn Quốc bày tỏ hy vọng: "Bóng đá nữ Việt Nam đang phát triển và giành nhiều thành tích đáng kể trong những năm vừa qua. Tôi tin bóng đá nữ Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa, khi những thành công đó thu hút về sự đầu tư và quan tâm từ xã hội. Sẽ tới ngày bóng đá nữ cũng được như bóng đá nam hiện nay".