Hình ảnh mới của "cột sáng tạo" từ kính viễn vọng James Webb. Ảnh: NASA. |
Cái gọi là “cột sáng tạo” là những đám mây khí hydro và bụi lạnh dày đặc trong Tinh vân Đại bàng thuộc chòm sao Serpens, cách Trái Đất khoảng 6.500 năm ánh sáng.
Mọi kính thiên văn lớn đều đã ghi lại được hình ảnh này, nhưng nổi tiếng nhất đến nay là hình ảnh từ đài quan sát Hubble vào năm 1995 và 2014. Tuy nhiên, hình ảnh mới từ James Webb đã cho chúng ta một góc nhìn đáng kinh ngạc khác, theo BBC.
Các cột nằm ở trung tâm của cái mà các nhà thiên văn gọi là Messier 16 (M16), hay Tinh vân Đại bàng. Đây là một vùng hình thành sao đang hoạt động.
(Từ trái sang) Hình ảnh "cột sáng tạo" từ James Webb và Hubble. Ảnh: NASA. |
“Tôi đã nghiên cứu Tinh vân Đại bàng từ giữa những năm 1990, cố gắng nhìn vào ‘bên trong’ các cột khí và bụi trải dài hàng năm ánh sáng mà Hubble ghi lại được, tìm kiếm các ngôi sao trẻ bên trong chúng. Tôi luôn biết rằng khi James Webb chụp ảnh, chúng sẽ rất đẹp. Và đúng là như vậy”, giáo sư Mark McCaughrean, cố vấn cấp cao về Khoa học tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nói với BBC.
Kính viễn vọng James Webb, với thiết bị dò hồng ngoại, có thể nhìn thấy phần lớn hiệu ứng tán xạ ánh sáng của bụi trong các cột để kiểm tra hoạt động của những ngôi sao mới hình thành.
Các đám mây khí và bụi của M16 được chiếu sáng bởi ánh sáng cực tím cường độ cao từ những ngôi sao lớn gần đó. Bức xạ đó cũng đang phá hủy dải khí.
Theo BBC, các cột khí và bụi khổng lồ này có thể đã biến mất và chúng ta chỉ đang nhìn thấy hình ảnh của chúng trong quá khứ, chỉ chiều tới vị trí hiện tại sau 6.500 năm.
James Webb là một dự án hợp tác của các cơ quan vũ trụ Mỹ, châu Âu và Canada. Nó đi vào hoạt động vào tháng 12 năm ngoái và được coi là sự kế thừa của kính viễn vọng không gian Hubble.