Sao Hải Vương được chụp bởi kính viễn vọng James Webb |
Ngày 21/9, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố hình ảnh chi tiết nhất của Hải Vương tinh do kính viễn vọng James Webb chụp lại. Các camera còn cho thấy hành tinh này có một vẻ ngoài hoàn toàn khác, theo AFP.
Nổi bật nhất là cái nhìn sắc nét về những vành đai của sao Hải Vương. Đặc biệt, một trong số các vành đai này chưa từng được phát hiện. Lần cuối cùng các nhà thiên văn học có thể quan sát rõ ràng sao Hải Vương là khi tàu vũ trụ Voyager 2 bay qua hành tinh này vào năm 1989.
Nhờ chất lượng hình ảnh ổn định và chính xác, kính viễn vọng còn cho thấy một số dải bụi mờ của sao Hải Vương.
Hình ảnh sao Hải Vương và vệ tinh được chụp bởi kính viễn vọng James Webb. Ảnh: NASA. |
“Đã ba thập kỷ kể từ lần cuối chúng tôi nhìn thấy những vành đai này và là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy chúng thông qua tia hồng ngoại”, Heidi Hammel, một chuyên gia về sao Hải Vương, lưu ý.
“Giờ đây, khả năng chụp hồng ngoại chưa từng có của kính viễn vọng James Webb đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn mới về bầu khí quyển sao Hải Vương”, Mark McCaughrean, cố vấn cấp cao về khoa học và khám phá tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết. Ông McCaughrean đã làm việc với dự án kính James Webb trong hơn 20 năm.
Sao Hải Vương xuất hiện với màu xanh đậm trong các hình ảnh trước kia được chụp bởi tàu Voyager 2 và kính viễn vọng Hubble. Màu xanh này được tạo ra do lượng khí mêtan trong khí quyển hành tinh, theo NASA.
Trên kính viễn vọng James Webb, thông qua các bước sóng cận hồng ngoại được chụp bởi NIRCam, sao Hải Vương hiện ra với màu trắng xám và một số đám mây trên bề mặt. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học không thể quan sát được cực Bắc của sao Hải Vương.
Hình ảnh sao Hải Vương được chụp bởi tàu Voyager 2, kính Hubble và James Webb. Ảnh: AP. |
“Các vành đai phản chiếu nhiều hơn khi dùng hồng ngoại. Vì vậy, chúng dễ nhìn thấy hơn nhiều”, ông McCaughrean nói.
Kính viễn vọng cũng phát hiện ra 7 trong số 14 vệ tinh của sao Hải Vương. Vật thể rất sáng phía trên sao Hải Vương trên thực tế là Triton, vệ tinh tự nhiên lớn nhất của hành tinh này.
Vệ tinh Triton phản chiếu 70% ánh sáng Mặt Trời do được bao phủ hoàn toàn bởi băng. Triton quay quanh sao Hải Vương theo một quỹ đạo bất thường, khiến các nhà thiên văn học suy đoán rằng vệ tinh này ban đầu là một vật thể thuộc vành đai Kuiper và bị sao Hải Vương “bắt giữ” bằng trọng lực.
Sao Hải Vương đã mê hoặc các nhà nghiên cứu kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1846. Nằm cách Mặt Trời xa gấp 30 lần so với Trái Đất, sao Hải Vương quay quanh vùng tối tăm bên ngoài của hệ Mặt Trời với quỹ đạo 164 năm/vòng.