Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 19/9 cho biết tàu thăm dò InSight của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã ghi nhận những chấn động khi thiên thạch va chạm với Sao Hỏa trong hai năm qua, CNN đưa tin.
Nghiên cứu cho biết thiên thạch đã va vào bầu khí quyển Sao Hỏa vào ngày 5/9/2021, sau đó phát nổ thành ít nhất 3 mảnh, với mỗi mảnh rơi xuống và tạo ra những vết lõm trên bề mặt hành tinh này. NASA hôm 19/9 đã công bố đoạn ghi âm về vụ va chạm, ghi nhận 3 tiếng va đập.
Tàu quỹ đạo trinh sát Sao Hỏa sau đó bay đến hiện trường vụ va chạm và chụp những bức ảnh chi tiết về những miệng hố do thiên thạch gây ra.
"Sau 3 năm chờ đợi để InSight ghi nhận những tác động, những miệng hố đó trông rất đẹp", Ingrid Daubar, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Những miệng hố do thiên thạch va chạm với Sao Hỏa vào tháng 9/2021. Ảnh: NASA. |
Đây là lần đầu tiên sứ mệnh InSight thu được sóng địa chấn và sóng âm từ một tác động vào Sao Hỏa.
Giới khoa học vẫn đặt ra nhiều câu hỏi rằng vì sao chưa thể phát hiện ra nhiều vụ va chạm thiên thạch vào Sao Hỏa, khi hành tinh này nằm cạnh vành đai tiểu hành tinh chính của hệ Mặt Trời. Bầu khí quyển Sao Hỏa chỉ có độ dày bằng 1% so với bầu khí quyển Trái Đất, do đó các thiên thạch có thể đâm xuyên qua mà không bị phá hủy.
Những miệng hố do thiên thạch va chạm giúp các nhà khoa học biết được niên đại của bề mặt hành tinh. Giới nghiên cứu cũng có thể xác định có bao nhiêu miệng hố được hình thành từ thuở sơ khai của hệ Mặt Trời.
Dữ liệu từ InSight có thể giúp các nhà nghiên cứu phân tích quỹ đạo và kích thước của các đợt sóng xung kích khi thiên thạch tiến vào bầu khí quyển cũng như khi nó va chạm mặt đất, từ đó hiểu được quá trình va chạm.
Sứ mệnh của InSight trên Sao Hỏa sắp kết thúc khi bụi tích tụ trên các tấm pin mặt trời và làm giảm năng lượng của con tàu. Tàu thăm dò này dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào khoảng tháng 10 đến tháng 1/2023.