Trong nghiên cứu được Guardian đưa tin hôm 31/8, các nhà nghiên cứu báo cáo kể từ khi bắt đầu vào tháng 4/2021, MOXIE có thể sản xuất oxy trong 7 lần chạy thử nghiệm. Công cụ này hoàn thành nhiệm vụ trong nhiều điều kiện khí quyển khác nhau, bao gồm cả ngày lẫn đêm và qua các mùa khác nhau trên sao Hỏa.
Trong mỗi lần thử nghiệm, MOXIE đạt mục tiêu tạo ra 6 gram oxy mỗi giờ, tương đương tốc độ của một cái cây nhỏ trên Trái Đất.
“Điều duy nhất chúng tôi chưa chứng minh được là MOXIE có thể hoạt động vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, khi nhiệt độ thay đổi đáng kể”, Michael Hecht - điều tra viên sứ mệnh MOXIE tại Đài quan sát Haystack, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Thành viên dự án Mars 2020 của NASA lắp đặt MOXIE vào khung của Perseverance. MOXIE hấp thụ CO2 từ khí quyển, xử lý chúng thành oxy và phân phối giống một cái cây. Ảnh: NASA. |
MOXIE phiên bản nhỏ được tích hợp với tàu thám hiểm Perseverance trong khuôn khổ sứ mệnh khám phá sao Hỏa của NASA. Phiên bản hiện tại được chế tạo để chạy trong thời gian ngắn, bật và tắt sau mỗi lần chạy. Việc hệ thống này hoạt động thành công sẽ mở đường cho thiết bị quy mô lớn hơn, chạy liên tục và có thể sử dụng trong hàng nghìn giờ.
Các nhà khoa học hy vọng khi đạt công suất tối đa, MOXIE có thể tạo ra đủ oxy để hỗ trợ con người khi tới sao Hỏa và cung cấp nhiên liệu cho tên lửa đưa con người trở lại Trái Đất.
“Nhằm hỗ trợ sứ mệnh của con người trên sao Hỏa, chúng tôi mang theo rất nhiều thứ từ Trái Đất. Nhưng oxy ư, chúng tôi có thể tạo ra thứ này ngay tại đây”, ông Jeffrey Hoffman - thành viên dự án - nói.
“Đây là minh chứng đầu tiên về việc thực sự tận dụng tài nguyên trên bề mặt một hành tinh khác và biến đổi chúng thành thứ có ích cho sứ mệnh của con người", ông nói thêm.
Nghiên cứu mới nhất được công bố hôm 31/8 trên tạp chí Science Advances.