Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hình ảnh dấu vân tay trong vũ trụ từ kính viễn vọng 10 tỷ USD

Kính viễn vọng không gian James Webb đã chụp được 17 vòng bụi đồng tâm tạo thành hình ảnh gần giống như dấu vân tay. Đây là kết quả của việc hai ngôi sao tương tác gần.

Hình ảnh từ kính viễn vọng không gian James Webb cho thấy các vòng bụi gần như tạo thành một dấu vân tay. Ảnh: NASA.

Các nhà thiên văn học đã chụp được hình ảnh nổi bật của 17 vòng bụi đồng tâm trong các quan sát mới nhất từ kính viễn vọng không gian James Webb. Hình ảnh này được cho giống dấu vân tay trong vũ trụ, theo Guardian.

Điều này được tạo ra bởi sự tương tác của hai ngôi sao khổng lồ, được gọi chung là hệ nhị phân Wolf-Rayet 140, cách Trái Đất hơn 5.000 năm ánh sáng. Các vòng bụi này được tạo ra sau mỗi 8 năm khi các ngôi sao đi gần nhau.

Trong quá trình tiếp cận, các luồng gió Mặt Trời từ các ngôi sao va chạm vào nhau, khiến luồng khí từ các ngôi sao bị nén thành bụi.

Theo giáo sư Peter Tuthill, thuộc Viện Thiên văn học tại Đại học Sydney và đồng tác giả nghiên cứu, WR140 tạo ra một vòng bụi cứ 8 năm một lần.

Cấu trúc 17 vòng này được tạo ra trong khoảng 130 năm và trải dài trong một vùng không gian lớn hơn cả hệ Mặt Trời.

Hệ nhị phân WR140 bao gồm một ngôi sao Wolf-Rayet khổng lồ và một ngôi sao màu xanh thậm chí còn lớn hơn. Wolf-Rayet đang sắp kết thúc vòng đời của nó.

Ngôi sao Wolf-Rayet tạo ra những cơn gió mạnh đẩy một lượng khí khổng lồ vào không gian. Nó được cho là đã mất ít nhất một nửa khối lượng ban đầu trong quá trình này.

Khi các nguyên tố cacbon và các nguyên tố nặng được thổi vào không gian, chúng bị nén lại ở ranh giới nơi các luồng gió của cả hai ngôi sao gặp nhau.

Tiến sĩ Olivia Jones, thuộc Trung tâm Công nghệ Thiên văn Vương quốc Anh và là đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định gió từ ngôi sao khác khiến khí tạo thành đường và có đủ vật chất gần nhau để nó ngưng tụ thành bụi.

“Đây không chỉ là một hình ảnh tuyệt đẹp, mà hiện tượng hiếm gặp này còn tiết lộ bằng chứng mới về bụi vũ trụ và cách nó có thể tồn tại trong môi trường không gian khắc nghiệt”, ông nói thêm.

Nói về khám phá này, nhà thiên văn học Ryan Lau cho biết: "Hình ảnh đó chứng minh rằng kính thiên văn này nhạy đến mức nào. Trước đây, chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy hai vòng bụi khi sử dụng kính thiên văn trên mặt đất. Bây giờ, chúng tôi thấy ít nhất 17 vòng bụi”, ABC đưa tin.

Ảnh rõ nét chưa từng có của Hải Vương tinh từ kính viễn vọng 10 tỷ USD

Máy ảnh hồng ngoại của kính viễn vọng không gian James Webb đã chụp được những hình ảnh rõ ràng nhất từ trước đến nay của Hải Vương tinh và các vệ tinh xung quanh.

Hình ảnh Tinh vân Orion sắc nét từ kính viễn vọng 10 tỷ USD

Một nhóm nghiên cứu hôm 12/9 đã công bố những hình ảnh sắc nét của Tinh vân Orion được chụp bằng kính viễn vọng James Webb.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm