Ngày 17/9, hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ gần như cùng lúc ở Lebanon, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, và gần 3.000 người bị thương. Chỉ một ngày sau đó, trên khắp Lebanon lại diễn ra hàng loạt vụ nổ bộ đàm cầm tay của Hezbollah, làm ít nhất 20 người chết và 450 người bị thương.
Chuyên gia Julian Borger từ tờ Guardian nhận định hai vụ việc này là một “cú đấm kép” từ Israel, cho thấy mức độ mà Tel Aviv có thể xâm nhập vào hệ thống phòng thủ của Hezbollah. Việc Hezbollah bị can thiệp vào hệ thống an ninh một cách dễ dàng tới hai lần liên tiếp, và không thể bảo vệ được chính thành viên của mình, hoàn toàn khiến lực lượng này bẽ mặt.
Israel chưa thừa nhận trách nhiệm về các vụ nổ, nhưng các ý kiến đều hướng tới giả thuyết đây là hoạt động mang dấu ấn của cơ quan tình báo Mossad. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn về ý đồ thực sự đằng sau các cuộc tấn công.
Liệu động thái này chỉ nhằm gây bất ngờ về mặt chiến thuật, hay sẽ thuộc một phần của bản kế hoạch toàn diện với những hệ quả lớn hơn? Liệu sự việc có phải là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến ở Lebanon, hay sẽ thay thế cho một cuộc chiến?
Ý định của Israel là gì?
Những quả bom nhỏ phát nổ ở Lebanon trùng với thời điểm Israel ngày càng tỏ ra hiếu chiến. Trong cuộc họp đêm muộn vào hôm 17/9, nội các an ninh nhất trí mở rộng các mục tiêu giao tranh từ Dải Gaza lên phía bắc, bao gồm việc cho phép hơn 60.000 người Israel trở về nhà. Đây là những người phải di dời do xung đột xuyên biên giới với Hezbollah nổ ra kể từ ngày 7/10/2023.
Về mặt logic, những người này không thể trở về nhà ở các thị trấn và làng mạc phía bắc, trong khi Hezbollah vẫn cố thủ ở miền Nam Lebanon, giữa biên giới và sông Litani.
Mỹ và các bên trung gian hòa giải trong khu vực hy vọng một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ở biên giới Israel - Lebanon, cho phép người Israel trở về nhà mà không có thêm xung đột.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza dường như là viễn cảnh xa vời, trong khi mặt trận Lebanon lại nóng hơn bao giờ hết. Những ngày gần đây, có thông tin văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cân nhắc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, trong đó có lý do ông Gallant không mặn mà và đi ngược lại mong muốn về tình hình ở Lebanon.
Như thường lệ, thật khó để dự đoán hai vụ nổ này thực sự liên quan đến ý định quân sự nào, hay có vai trò thế nào trong tính toán chính trị nội bộ của ông Netanyahu. Thủ tướng Israel cần liên tục để mắt tới liên minh để giữ ông tại vị. Ông đang nói chuyện với ông Gideon Sa’ar - người có khả năng thay thế ông Gallant, lãnh đạo đảng New Hope, có những thành viên giúp ổn định vị thế của liên minh.
Thế khó
Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu cho thấy động tĩnh khẩn trương ở biên giới Lebanon. Các đơn vị Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục được luân chuyển khỏi Dải Gaza đế tiến về phía bắc, nhưng họ đã kiệt sức và không đủ quân số để tấn công vào Lebanon bằng đường bộ.
Israel có thể tăng cường hoạt động trên không nhằm vào Lebanon, nhưng rất ít nhà quan sát quân sự cho rằng mối đe dọa từ Hezbollah và kho tên lửa cùng rocket đáng gờm của họ có thể bị ngăn chặn chỉ bằng không quân. Ngoài ra, việc giao tranh bằng đường bộ với Hezbollah ở miền Nam Lebanon có thể gây thiệt hại lớn về người, kéo theo rủi ro chính trị.
Việc cho nổ các thiết bị liên lạc ở Lebanon có thể giúp ông Netanyahu ghi điểm, khi ông chiếm thế chủ động trước đối thủ trong lúc Hezbollah và đồng minh có vẻ lo ngại, muốn tránh một xung đột toàn diện với Israel.
Trong khi đó, lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, lại cố gắng giữ thể diện trước những người ủng hộ bằng cách phóng đại thành công của cuộc tấn công hồi tháng 8. Điều này nhằm giảm bớt áp lực chính trị nội bộ buộc phải gây thêm thiệt hại lớn hơn cho Israel.
Ông Nasrallah hiện đứng trước sức ép phải thắng thế. Trong tuần này, Cơ quan An ninh Israel, Shin Bet, tuyên bố phá vỡ thành công âm mưu Hezbollah ám sát một cựu thành viên cấp cao. Nếu âm mưu này thành công, những yêu cầu giải quyết mối đe dọa từ Hezbollah "một lần và mãi mãi" sẽ tăng lên đáng kể.
Tình hình hiện tại vốn dĩ đã bất ổn. Hezbollah cần duy trì uy tín như một tổ chức Hồi giáo tiên phong chống lại Israel. Trong khi đó, ông Netanyahu cần giữ nguyên hiện trạng Israel hiện giờ để trì hoãn bầu cử, tránh tác động chính trị.
Do đó, cả hai bên đều muốn trong thế bấp bênh, đứng trên bờ vực của một cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, hai bên lại không thể hoàn toàn kiểm soát được tình hình, khiến cho xung đột có thể vượt khỏi tầm tay và đẩy cả khu vực vào một cuộc chiến toàn diện.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...