Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mọi ánh mắt dồn về Mossad sau vụ nổ máy nhắn tin chết chóc ở Lebanon

Vụ hàng loạt máy nhắn tin của Hezbollah phát nổ cùng lúc hôm 17/9 (giờ địa phương) được giới chuyên gia nhận định là có thể kích động một cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah.

Mặc dù phía Israel chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ hàng loạt máy nhắn tin ở Lebanon và Syria phát nổ, nhiều luồng ý kiến đồn đoán rằng Mossad, cơ quan tình báo nước ngoài của Israel, đứng sau chiến dịch này.

Mossad đã tham gia vào các nỗ lực tiêu diệt những lãnh đạo của Hamas và Hezbollah trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nếu cơ quan này xác nhận đã thực hiện chiến dịch ngày 17/9, căng thẳng giữa Hezbollah và Mossad có dấu hiệu leo thang đáng kể.

Đợt phát nổ hàng loạt của các máy nhắn tin đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Nghi vấn đổ dồn về Israel

Hiện chưa có thông báo chính thức về nguyên nhân gây ra các vụ nổ. Tuy nhiên, nhiều báo cáo từ các hãng truyền thông quốc tế cho rằng loạt thiết bị nhắn tin của Hezbollah đã bị can thiệp và cài chất nổ cùng kíp nổ kích hoạt từ xa trước khi được giao đến Lebanon.

“Chúng ta đều biết Mossad có khả năng thâm nhập vào Hezbollah hết lần này đến lần khác”, Yossi Melman, một tác giả có nhiều năm nghiên cứu về tình báo Israel, nói.

Tuy nhiên, ông Melman cũng đặt dấu hỏi lớn về độ tỉ mỉ cũng như khả năng tính toán của chiến dịch này khi các báo cáo cho biết nhiều dân thường, trong đó có cả một bé gái 10 tuổi, nằm trong con số thương vong của đợt tấn công.

may nhan tin phat no anh 1

Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc trọng yếu của Hezbollah vì lực lượng này lo ngại việc sử dụng điện thoại di động sẽ bị theo dõi bởi Israel. Ảnh: Wikimedia Commons.

“Sự vụ lần này có thể khiến cuộc khủng hoảng biên giới leo thang thành một cuộc chiến”, ông Melman nhận định.

may nhan tin phat no anh 2

Yossi Melman, tác giả có nhiều năm nghiên cứu về tình báo Israel, nhận định Israel có nhiều khả năng đứng sau vụ phát nổ hàng loạt của các máy nhắn tin ở Lebanon và Syria. Ảnh: Wikipedia.

Ông Melman cũng cho rằng chiến dịch lần này, nếu thực sự do Mossad đứng sau, phản ánh dấu hiệu của sự hoảng loạn.

Bởi lẽ, mặc dù có thể tấn công trực diện vào điểm yếu chí mạng của Hezbollah, phía Mossad dường như không thể kiểm soát hoàn toàn mục tiêu của đợt tấn công, cũng không thay đổi cục diện bức tranh tổng thể của cuộc khủng hoảng giữa Israel và lực lượng Hezbollah.

“Tôi không nhìn ra bất kỳ bước tiến nào”, ông Melman kết luận.

Trước đó, vào ngày 17/9, xuất hiện một số báo cáo của cơ quan tình báo Shin Bet cho rằng Hezbollah đang lên kế hoạch tiêu diệt một cựu quan chức an ninh Israel bằng cách kích hoạt một thiết bị phát nổ từ xa.

Dựa vào thông tin trên, giới quan sát cho rằng chiến dịch kích nổ loạt máy nhắn tin ở Lebanon và Syria có thể là một thông điệp từ phía Israel rằng “tôi có thể làm bất cứ điều gì mà anh làm, nhưng tôi sẽ làm tốt hơn”, hãng tin Guardian nhận định.

Bài học từ quá khứ

Lịch sử chứng minh rằng các hoạt động tấn công từ xa của phía Israel hầu như chỉ làm căng thẳng leo thang và hiếm khi xoa dịu được tình hình, theo Guardian.

Vào tháng 1/1996, chiếc điện thoại di động của Yahya Ayyash, kiến trúc sư trưởng trong hoạt động chế tạo chất nổ của Hamas, đã bị kích nổ ở thành phố Gaza.

Ayyash, biệt danh là “kỹ sư”, được xem là người chịu trách nhiệm đưa ra chiến lược thực hiện các vụ đánh bom liều chết trên xe buýt ở Israel.

Sau cái chết của ông Ayyash, một làn sóng các vụ đánh bom trên xe buýt đã diễn ra, hầu như không xoa dịu chút nào cuộc khủng hoảng giữa Israel và Hamas thời điểm đó.

may nhan tin phat no anh 3

Các chiến dịch ám sát của Israel trong quá khứ đa phần kích động tình trạng căng thẳng leo thang. Ảnh: IDF.

Vào năm 1997, Khaled Meshal, một lãnh đạo khác của Hamas, cũng là nạn nhân của một vụ ám sát song đã sống sót.

Cụ thể, ông Meshal đã bị tiêm thuốc độc vào tai khi đang ở Jordan. Chiến dịch này được cho là chỉ đạo bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Sau vụ ám sát bất thành, một số đặc vụ Israel đã bị bắt giữ. Vua Hussein của Jordan đe dọa sẽ phá vỡ hiệp ước hoà bình và hành quyết người đứng sau vụ ám sát nếu phía Israel không cung cấp thuốc giải.

Vào tháng 2/2010, Mahmoud al-Mabhouh, một nhà lãnh đạo Hamas chịu trách nhiệm mua sắm khí tài quân sự, đã bị tiêu diệt chỉ sau 5 tiếng đồng hồ có mặt tại Dubai.

Vụ ám sát được cho là thực hiện bởi một nhóm 11 sát thủ sử dụng hộ chiếu giả đến từ châu Âu để che giấu thân phận. Hamas cáo buộc Israel đứng sau chiến dịch ám sát này.

Kể từ khi bắt đầu đợt xung đột quân sự mới nhất với Hamas, phía Israel thậm chí đã nỗ lực nhiều hơn để loại bỏ các nhà lãnh đạo của nhóm chiến binh Palestine này.

Ismail Haniyeh, cựu lãnh đạo chính trị của Hamas, đã bị tiêu diệt bởi một “vật thể bay tầm ngắn” ở Tehran vào tháng 8. Điều này khiến căng thẳng leo thang và Iran cảnh báo sẽ phản ứng với đợt triển khai quân sự trực tiếp chống lại Israel.

Mặc dù Iran đã kiềm chế và chưa xuất quân, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đang bước sang năm thứ hai và tình hình căng thẳng với Hezbollah đang ở tình trạng leo thang chưa từng thấy, vốn dĩ chỉ khiến phía Israel gặp bất lợi.

Người bị thương nằm la liệt khắp các bệnh viện tại Lebanon Ít nhất 9 người thiệt mạng và 2.800 người bị thương khắp Lebanon sau khi hàng loạt máy nhắn tin phát nổ. Israel được cho là đã can thiệp vào thiết bị của các thành viên Hezbollah.

Hé lộ công ty sản xuất loạt máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon và Syria

Gold Apollo, công ty ở đảo Đài Loan, ngày 18/9 cho biết các máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon và Syria được sản xuất bởi một công ty ở Budapest và sử dụng thương hiệu của Gold Apollo.

Nhân chứng vụ nổ máy nhắn tin kể cảnh tượng như 'thành phố xác sống'

Một nhân chứng miêu tả quang cảnh vùng ngoại ô trông như "thành phố zombie (xác sống)" khi những người bị thương nằm la liệt do máy nhắn tin phát nổ.

Toàn cảnh vụ hàng loạt máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon

Trong vụ việc nghi là chiến dịch tấn công tinh vi từ xa, một loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah đã phát nổ gần như cùng lúc ở Lebanon và Syria hôm 17/9 (giờ địa phương).

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm