Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hệ thống phòng thủ tên lửa bị người Hàn ghét nhất

Cư dân địa phương và các nhà hoạt động liên tục biểu tình phản đối triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, song vẫn không thể cản bước chính phủ Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), do Mỹ sản xuất, được coi là một phép thử với chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol về mức độ sẵn sàng hỗ trợ Washington khi đối đầu với Bắc Kinh.

Seoul và Washington cho rằng hệ thống THAAD sẽ bảo vệ Hàn Quốc trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Ngược lại, Trung Quốc coi đây là mối đe dọa an ninh trực tiếp.

Trong khi đó, các nhà hoạt động và cư dân địa phương chỉ trích căn cứ này, nói chính phủ hành động mà không có "quy trình pháp lý phù hợp".

“Chính phủ vội vàng khảo sát tác động môi trường (của THAAD) mà không có quy trình pháp lý thích hợp. THAAD không phải để bảo vệ Hàn Quốc mà nhằm vào Trung Quốc”, Kang Hyun Wook, nhà hoạt động hàng đầu, cho biết.

Kể từ tháng 5/2021, người dân thành phố Seongju và những người biểu tình đã túc trực từ rạng sáng đến tối để chặn các phương tiện chở vật tư và vật liệu đến địa điểm xây dựng.

Hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để giải tỏa đám đông. Trong đó, một số người nhấn mạnh họ sẽ dùng mọi cách để ngăn chặn việc xây dựng.

Gấp rút triển khai

Đầu tháng 8, giới chức Hàn Quốc đã thành lập một ủy ban tham vấn - bao gồm các quan chức chính phủ, chuyên gia và đại diện người dân - để đánh giá tác động môi trường của hệ thống THAAD ở Seongju, phía đông nam nước này, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong Sup phát biểu trước Quốc hội vào ngày 29/8.

Việc xây dựng căn cứ tại khu đất rộng 700.000 m2 chỉ có thể bắt đầu sau khi ủy ban này hoàn thành khảo sát tác động môi trường. Quá trình đánh giá thường mất hơn một năm, song các quan chức vẫn đặt mục tiêu kết thúc trong nửa đầu năm 2023.

Han Quoc anh 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Sự nóng vội của giới chức Hàn Quốc, bất chấp phản đối từ Trung Quốc và người dân địa phương, cho thấy chính quyền Tổng thống Yoon đang muốn nhanh chóng vượt qua thử thách đầu tiên khi gia nhập liên minh quân sự ba bên (Mỹ - Nhật - Hàn).

Washington coi vấn đề với THAAD là phép thử đầu tiên với chính phủ đương nhiệm trong việc sẵn sàng tham gia các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một liên minh đối đầu với Trung Quốc, ông Kim Joon-hyung, cựu Giám đốc Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.

“THAAD đánh dấu sự khởi đầu của mạng lưới phòng thủ tên lửa Mỹ trong khu vực. Mỹ muốn xác nhận liệu chính phủ ông Yoon có thể vượt qua sự phản kháng từ người dân, sự phản đối từ Trung Quốc để triển khai THAAD và làm nhiều hơn thế nữa hay không”, ông Kim nói.

“Hiện chưa rõ việc xây dựng hệ thống này có thực sự cấp bách với Mỹ và Hàn Quốc hay không, nhưng vấn đề quan trọng với Mỹ là thúc đẩy Seoul gia nhập liên minh quân sự ba bên Mỹ - Nhật - Hàn”, ông nhận định.

Hàn Quốc hiện sở hữu một tổ hợp THAAD, được cho là có 4 bệ phóng gắn trên xe tải với 8 tên lửa đánh chặn, ở Soseong-ri, thành phố Seongju.

Kể từ khi được triển khai vào tháng 9/2017, tổ hợp THAAD luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng phát hiện và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Nguyên tắc "3 không"

Trung Quốc đã thúc giục chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol duy trì chính sách “3 không” của cựu Tổng thống Moon Jae In: Không triển khai thêm hệ thống THAAD, không tham gia vào mạng lưới phòng thủ tên lửa do Mỹ dẫn đầu, và liên minh quân sự ba bên với Mỹ và Nhật Bản.

Han Quoc anh 2

Người dân Hàn phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Ảnh: AFP.

Hệ thống phòng thủ tên lửa này là vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 8. Trong đó, hai bên nhất trí vấn đề hóc búa này không nên là “trở ngại” với quan hệ song phương.

Tuy nhiên, khi trở về Seoul sau chuyến đi 3 ngày đến thành phố Thanh Đảo, ông Park cho biết ông đã nói rõ với người đồng cấp Trung Quốc rằng đó không phải một thỏa thuận hay một lời hứa với Bắc Kinh.

Ông cũng lưu ý nguyên tắc "3 không" của người tiền nhiệm không phải ràng buộc đối với chính quyền Tổng thống Yoon.

Động thái này đã nhận nhiều chỉ trích từ đảng đối lập. Ông Woo Sang Ho, lãnh đạo lâm thời của đảng Dân chủ đối lập, nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Yoon đang tự kích động hiềm khích.

Ông khẳng định chính quyền cựu Tổng thống Moon đã bình tĩnh xử lý các vấn đề khó khăn trong bối cảnh Mỹ - Trung đối đầu và cư dân cư quận Seongju biểu tình gay gắt.

Trước đó, cựu Tổng thống Park Geun Hye đã phê chuẩn việc triển khai hệ thống THAAD trong nhiệm kỳ, bất chấp sự phản đối từ người dân địa phương và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền ông Moon Jae In, người kế nhiệm bà, đã không tiến hành xây dựng căn cứ.

Tướng Hàn Quốc lần đầu chỉ huy tập trận chung với Mỹ

Lần đầu tiên một vị tướng Hàn Quốc tiếp nhận quyền chỉ huy cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do Ulchi với Mỹ, theo Reuters.

Mỹ - Hàn tập trận gây ồn ào, người dân bức xúc

Cư dân sinh sống tại các khu vực gần thao trường tập trận chung Mỹ - Hàn đang phàn nàn vì tiếng ồn. Họ cũng lo ngại sự an toàn từ những hoạt động quân sự này.

Hải Linh

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm