Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Hậu trường 10 phóng sự ảnh thu hút bạn đọc Zing năm 2020

Hình ảnh về thân phận con người trong lũ lụt, sạt lở ở miền Trung hay chân dung người hùng giữa đời thương là những tác phẩm báo chí được độc giả Zing quan tâm trong năm 2020.

HẬU TRƯỜNG 10 PHÓNG SỰ ẢNH ẤN TƯỢNG TRÊN ZING NĂM 2020

Cuộc chống chọi với bão lụt, sạt lở miền Trung, những mảnh đời chìm nổi trong xã hội là loạt phóng sự ảnh kết hợp bài viết được độc giả Zing quan tâm, đọc nhiều trong năm 2020.

LENS - định dạng phóng sự ảnh kết hợp những câu chuyện cảm xúc được Zing giới thiệu tới bạn đọc từ cuối 2017.

Đây là nơi các phóng viên Zing kể những câu chuyện bằng hình ảnh đặc sắc, mới lạ. Ngoài các đề tài thời sự, bài viết truyền cảm hứng, nhóm tác giả mong muốn mang đến cho bạn đọc những khoảnh khắc mến yêu, lạc quan về cuộc sống thông qua góc nhìn văn minh, khác biệt.

Như thường lệ vào dịp cuối năm, Zing chọn ra 10 trong số hơn 100 bài Lens được đội ngũ phóng viên Zing thực hiện trong 12 tháng qua để giới thiệu với độc giả chuyện hậu trường tác nghiệp.

Phút sinh tử của thuyền viên trên tàu gặp nạn

Hai ngày ăn nằm bên bờ biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) để ghi nhận công tác ứng cứu 12 thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 là một trong những chuyến công tác đáng nhớ nhất trong năm 2020 của tôi.

Những ngày tháng 10, miền Trung trải qua hàng loạt cơn bão đổ bộ gây mưa lớn, ngập lụt và sạt lở. Ngay cả việc di chuyển giữa các địa phương trong cùng một tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do nước lũ chia cắt. Hôm đó, tôi và đồng nghiệp vừa thay nhau lái xe vừa nghe ngóng tin tức trên radio hay những hội nhóm của địa phương trên mạng xã hội để tìm kiếm câu chuyện đặc sắc, hấp dẫn.

Sau khoảng nửa ngày lái xe, chúng tôi đến được bờ biển Cửa Việt, nơi đang có 12 thuyền viên mắc kẹt trên một con tàu lớn và những biện pháp giải cứu đều không thành công do sóng quá lớn. Trước mặt chúng tôi là một bãi biển trải dài nhiều cây số với hàng nghìn người dân địa phương đứng kín mít để theo dõi công tác giải cứu. Cách bờ biển hơn 400 m, một chiếc thuyền lớn bị sóng đánh chìm, chỉ còn nhô lên khỏi mặt nước vài công trình phụ như ống khói, nóc phòng điều khiển nơi có 12 thuyền viên mặc áo phao màu cam đang cố gắng bám trụ giữa những con sóng dữ đục ngầu liên tục ập đến.

Tôi bị ấn tượng bởi sự tương phản giữa vóc dáng nhỏ bé của con người so với sự kỳ vĩ, to lớn nhưng cũng vô cùng hung bạo của thiên nhiên. Tác nghiệp ở trên bãi biển giữa lúc bão đổ bộ vô cùng khó khăn vì gió sẽ bốc từng đụn cát lớn ném thẳng vào bất kỳ vật gì trên đường đi của nó, sau bão cát lại là mưa lớn dồn dập khiến tôi phải liên tục lau ống kính máy ảnh và ẩn nấp sau bất kỳ vật thể gì có thể che chắn cho mình.

Sau hai ngày vật lộn với sự giận dữ của thiên nhiên, cuối cùng toàn bộ thuyền viên mắc kẹt đã được giải cứu thành công bằng nỗ lực không biết mệt mỏi của các lực lượng chức năng cũng như người dân tỉnh Quảng Trị. (Phút sinh tử của thuyền viên trên tàu gặp nạn)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 5

Tác giả Việt Linh - Phạm Trường. Việt Linh sinh năm 1989 (trái), tốt nghiệp ngành Nhiếp ảnh. Thế mạnh của anh là các đề tài thời sự. Linh thường xuyên tham gia các cuộc thi ảnh trong nước và đoạt giải cao. Phạm Trường sinh năm 1993, là phóng viên Ban Thời sự - Pháp luật của Zing, thường trú khu vực Bắc Trung Bộ. Thế mạnh của anh là đề tài thời sự, câu chuyện nhân vật trong thiên tai, sự cố và đời sống dân sinh.

Cuộc sống trên đảo Lý Sơn sau trận bão số 9

Sau bão số 9, biển lặng trở lại. Nhưng bão liền bão, người dân đảo Lý Sơn chỉ còn vài ngày ngắn ngủi để chuẩn bị trước khi cơn bão số 10 ập đến. Chuyến tàu cao tốc cuối cùng đưa tôi rời đất liền ra Lý Sơn. Không biết chính xác là bao lâu nhưng tôi sẽ ở đảo tới khi biển lặng trở lại để có tàu về.

Đây là lần thứ hai tôi đến hòn đảo nổi tiếng của Quảng Ngãi. Ấn tượng lần đầu của tôi là màu biển xanh ngắt và những hàng cây tươi tốt rì rào. Lần trở ra này, tôi có chút bàng hoàng. Người dân tấp nập trở lại đảo sau đợt tránh bão. Là chuyến tàu hiếm hoi mang theo hàng hóa, rau củ, con tàu được cả trăm người ngóng đợi. Bến cảng đông như ngày Tết.

Mùa này, Lý Sơn tuyệt nhiên chẳng có lấy một khách du lịch. Đời sống của người dân chậm lại. Tối đó, hòn đảo vẫn mất điện. Dùng cơm cùng với một gia đình trên đảo, dưới ánh nến chập chờn, họ kể cho tôi về những trận bão, từ ngày rất xưa, khi họ còn chưa biết cách để xây ngôi nhà kiên cố. Một tuần trên đảo, tôi dành phần lớn thời gian để trò chuyện với người dân, cùng họ ra cánh đồng hành tỏi, đi lấy nước hay lợp lại mái nhà. Tôi muốn gần gũi hơn với họ, phụ giúp họ phần nào đó. Nhưng có lẽ tôi mới là người nhận được thật nhiều sự giúp đỡ từ những cư dân thân thiện ấy.

Thiệt hại ở Lý Sơn giống như nhiều nơi khác. Cũng là những ngôi nhà tốc mái; những hàng cây xanh đã thay sang màu lá úa, đổ gãy; đồ đạc và lương thực trong nhà bị hư hại… Chỉ có điều thái độ của người dân nơi đây đã không còn bàng hoàng, sợ hãi. Sau quá nhiều cơn cuồng phong, họ chỉ nói “chúng tôi quen rồi!” và có lẽ đó là điều làm tôi chua xót nhất. (Cuộc sống trên đảo Lý Sơn sau bão số 9)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 10

Tác giả: Thạch Thảo (sinh năm 1997), tốt nghiệp chuyên ngành Ảnh Báo chí. Cô là một trong số ít những nữ phóng viên lăn xả vào vùng ngập lụt trong đợt bão lũ miền Trung tháng 10 vừa qua. Thế mạnh của cô là các phóng sự ảnh về góc khuất cuộc sống, đặc biệt là chân dung nhân vật.

Nước mắt bên dòng sông Leng

Trở về sau chuyến công tác bão lũ, sạt lở miền Trung tháng 10, 11 vừa qua, có người anh hỏi tôi: “Đi chuyến này về tâm lý em vẫn ổn chứ?". Tôi hiểu câu hỏi của anh là về thảm họa kinh hoàng và những nỗi đau tôi đã chứng kiến tại Trà Leng. Khi nhắc lại, câu chuyện đó cứ như hiện ra trước mắt tôi.

Đêm 29/10, khi đang ở TP Quảng Ngãi ghi nhận hậu quả của bão số 9, tôi nghe tin sạt lở đất đã chôn vùi một ngôi làng thuộc xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ngay sáng sớm hôm sau, tôi di chuyển gần 200 km tới hiện trường.

Khi còn cách Trà Leng khoảng 20 km thì đường bị sạt lở, ôtô không thể di chuyển, tôi bắt gặp một người dân đi xe máy đến hiện trường tìm bà con. Tôi liền đi nhờ, được khoảng 15 km thì tiếp tục gặp sạt lở, vậy là tôi phải đi bộ. Có những đoạn đường bùn ngập quá đầu gối, nhưng tôi vẫn phải lội qua để vào hiện trường sớm nhất.

Vừa tới hiện trường, tôi bị ngợp với những hình ảnh tang thương trước mặt. Tôi không được né tránh, thậm chí còn phải quan sát từng chi tiết trong đống đổ nát, từng ánh mắt của người thân nạn nhân để có những bức ảnh chân thực.

Tôi mất ngày đầu tiên để cân bằng cảm xúc của mình và cố tìm một sự trợ giúp bằng việc nhắn tin cho cấp trên rằng: “Em bị ngợp quá, không biết bắt đầu từ đâu”.

Một tuần sau đó, tôi cùng các đồng nghiệp tiếp tục ra, vào hiện trường, cố ghi lại những cảm xúc và câu chuyện của người ở lại. Khi gặp trời mưa, chúng tôi tự hình thành thói quen rời khỏi hiện trường lập tức bởi đất đồi đã tích nước từ trước, nguy cơ sạt lở rất cao.

Thật may mắn, tôi cùng đồng nghiệp đã hoàn thành phóng sự sau từng ấy ngày mà không gặp bất cứ sự cố gì. (Nước mắt bên dòng sông Leng)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 15

Tác giả: Duy Hiệu - Thanh Đức. Nguyễn Thanh Đức, sinh năm 1996, là phóng viên thường trú của Zing tại Quảng Nam. Đức là một phóng viên năng nổ và có thể hoạt động độc lập.

Cặp song sinh bạch tạng hiếm gặp ở Hà Tĩnh

Nhẹ nhàng và bình yên là những gì mà tôi nhớ về quá trình thực hiện phóng sự ảnh hai cậu bé song sinh bạch tạng - Xuân Huy và Xuân Hùng.

Nơi ở của Huy và Hùng cách Hà Nội gần 400 km nhưng tôi cũng chỉ cần một giấc ngủ trên xe khách là đến. 4h30 sáng có mặt tại Hương Khê (Hà Tĩnh), tôi cùng chị đồng nghiệp ngồi bên lề đường chờ Xuân Huy đón. Nhìn mặt trời dần ló dạng, tôi có một cảm giác thân thuộc kỳ lạ.

Khi tôi đến nhà Huy và Hùng, ai trong gia đình nhỏ này cũng cởi mở, từ bố mẹ, anh trai đến cô cháu gái 7 tuổi. Tôi nghĩ mình cứ như một người họ hàng từ xa về quê chơi vậy. Tôi cũng được dịp ăn, ngủ và chơi cùng hai chàng trai trong 5 ngày.

Đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác đứng từ đập thủy điện Đá Hàn trượt xuống hồ nước cùng Huy và Hùng, rồi khung cảnh hoàng hôn từ bãi bồi sông Ngàn Sâu nhìn ra. Hai cậu đam mê ca hát, chúng tôi cùng nhau quay một MV cho màn cover ca khúc “Tình anh” của Xuân Huy. Mặc dù rất nghiệp dư nhưng nó đủ làm hai cậu thích mê, share điên đảo trên mạng xã hội.

Còn chuyện về những bức ảnh, nó cứ đến tự nhiên theo dòng cảm xúc của tôi. Có lẽ, tôi sẽ về thăm hai cậu và đi tắm ở đập thủy điện Đá Hàn vào mùa hè năm sau. (Cặp song sinh bạch tạng hiếm gặp ở Hà Tĩnh)

Tác giả: Duy Hiệu - Thảo Thu. Tăng Thu Thảo, sinh năm 1994, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh. Cô là phóng viên thuộc ban Đời sống của Zing, làm việc tại Hà Nội. Duy Hiệu (sinh năm 1997) tốt nghiệp ngành Báo ảnh. Là một trong những tay máy trẻ tuổi của Zing. Thế mạnh của anh là thực hiện phóng sự ảnh.

24h không ngủ và chuyến đi của những bác sĩ đặc biệt

Những ngày giữa tháng 3, tiếng còi báo động xe cấp cứu réo rắt khắp các ngả đường ở Hà Nội. Kể từ khi Hà Nội công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên (6/3), Việt Nam đánh dấu giai đoạn chống dịch khó khăn và phức tạp hơn: Toàn bộ hộ dân trên đoạn phố Trúc Bạch dài gần 100 m phải cách ly 14 ngày, nhiều chuyến bay quốc tế bị hủy, hàng loạt khu cách ly tập trung được dựng lên. Lực lượng cấp cứu 115 ngày đêm đi thu dung hàng trăm ca F1, F2 rải rác khắp thủ đô.

Tôi được theo những chuyến xe cấp cứu trong suốt hai tuần để ghi lại hình ảnh về đội ngũ tiếp xúc ban đầu với những ca nghi nhiễm Covid-19. Việc mặc và cởi bộ đồ bảo hộ đúng quy trình đã trở nên thuần thục đối với tôi ngay từ ngày đầu tiên. Nóng bức, khó thở, hấp hơi lên kính gây khó chịu khi tôi mặc nó nhiều giờ.

Trước khi lên xe cấp cứu, các anh chị trong đội 115 đều cảnh báo trước về tình trạng của các ca nghi nhiễm và khuyên tôi chỉ nên theo chân các trường hợp F2 để hạn chế rủi ro. Tôi thầm cảm phục những anh chị đã có gia đình.

Tháng 8/2020, trong một lần đón người trở về từ Mỹ, tôi cùng họ phải chờ 2 tiếng đồng hồ trong đêm vì chuyến bay đáp muộn. Hôm đó trời mưa rào, mặc đồ bảo hộ sẵn từ 2 tiếng trước khiến cả đoàn mệt hơn. Sau khi đưa người nghi nhiễm về khu cách ly cũng là lúc trời gần sáng. Tôi ngả lưng ngủ ngay trên băng ghế xe còn thấm đẫm thuốc khử trùng. Giấc ngủ ngắn chập chờn vì đường xóc, vì mùi cay nồng, vì đồ bảo hộ đẫm nước mưa, vì ánh đèn đường... Tất cả đã cho tôi những trải nghiệm đáng nhớ nhất về nghề trong cuộc đời. (24 giờ không ngủ và chuyến đi của những bác sĩ đặc biệt)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 24

Tác giả Phạm Thắng - Quỳnh Trang. Sinh năm 1993, Phạm Thắng tốt nghiệp thủ khoa tại Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh có niềm đam mê với các vấn đề thời sự và cộng tác cho một số báo ngay từ khi bước chân vào giảng đường. Phần lớn thời gian tác nghiệp của Thắng là làm tin tức thời sự. Vào tháng 2 năm nay, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, anh cũng thường xuyên theo dõi và chụp được nhiều bức ảnh ấn tượng.

Năm học mới của chị em sinh tư Việt, Nam, Hạnh, Phúc

Không có lễ khai giảng rợp cờ hoa, năm học mới của chị em sinh tư Việt, Nam, Hạnh, Phúc bắt đầu bằng buổi tựu trường. Bốn cô bé phụng phịu tạm biệt mùa hè. Đó là các con của chị Trần Thị Tình nhưng tên của các bé được bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đặt, gửi gắm hy vọng lớn lên khỏe mạnh, tương lai tươi sáng.

Để có được phóng sự về cuộc sống của bốn chị em Việt, Nam, Hạnh, Phúc, tôi và đồng nghiệp đã bắt xe từ TP.HCM về đến Đồng Tháp. Sau đó, tôi mượn xe máy chạy vài chục km, rồi xin ở nhờ nhà người dân nơi đây. Tôi còn nhớ như in thầy Thuấn, cô Ba, cô Bảy, chị Thu, và rất nhiều bà con đã yêu thương, coi chúng tôi như con cái trong gia đình. Đó đúng là miền Tây trong tưởng tượng của tôi, nơi có những con người hiền hậu, chân chất, thật tình.

4 đứa trẻ đen nhẻm nấp sau cánh cửa khi thấy có người lạ đến chơi. Sau khi chào hỏi bố mẹ, tôi đem ra một hộp bút chì màu, chúng nhảy lên sung sướng rồi thi nhau vẽ công chúa, vẽ lá cờ. Tập sách năm cũ còn dư vài trang, nay đã đầy màu sắc.

Những ngày tiếp theo, tôi cùng đi chơi với lũ trẻ, lúc tắm sông, lúc trốn mẹ buổi trưa đi bắt chuồn chuồn, lúc lại cùng các em đi đu quay. Vô tư chơi đùa những ngày cận kề năm học mới, nhưng Việt, Nam, Hạnh, Phúc vẫn biết được rằng 4 em đi học cùng lúc sẽ khiến gia đình khó khăn, vất vả hơn. Không hề đòi hỏi, năm học mới của các em là cặp sách được tặng, quần áo năm cũ.

Bố đi làm thuê ở xa, chị gái lớn nghỉ học từ sớm, anh trai vào lớp 10 nay cũng tính nghỉ học để lo cho các em. Tôi mong rằng sau bài viết này, các em được biết đến, được giúp đỡ để đi học và có một tuổi thơ thật đẹp bên nhau". (Năm học mới của chị em sinh tư Việt, Nam, Hạnh Phúc)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 29

Tác giả: Phương Lâm - Minh Nhật. Phương Lâm sinh năm 1998. Dù trẻ nhất trong các tay máy Zing nhưng cô đã có nhiều tác phẩm ảnh báo chí rất đặc sắc. Phương Lâm tự hào bản thân không ngại khó, sẵn sàng tác nghiệp ở nhiều lĩnh vực. Thế mạnh của cô là ở mảng đời sống, giải trí. Còn Minh Nhật, tên thật là Nhật Lệ, sinh năm 1996. Cô là phóng viên chuyên viết về mảng giáo dục.

Đôi bạn 10 năm cõng nhau đến lớp, cùng thi đại học

Hiếu và Minh, nhân vật khó khai thác nhất tôi từng gặp. Từ trước đến giờ tôi vốn tự tin về khả năng khai thác thông tin nhân vật ở mọi lĩnh vực nhưng khi tiếp xúc với hai bạn trẻ, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Các em đều là những người ít nói, thời gian gặp gỡ các em không nhiều nên những thông tin tôi có được chỉ là vài ý nhỏ nhặt.

Chưa biết phải viết gì thì sự quan tâm của Hiếu dành cho Minh khiến tôi chú ý. Em lo bạn ngồi không thoải mái, em đợi bạn xong việc mới về, thậm chí em còn lo lót xong chuyện nếu sau này hai đứa không học cùng một thành phố. Khi đã giải quyết xong vấn đề thông tin thì sự lo lắng từ trước ngày về Thanh Hoá lại xuất hiện. Phụ huynh của một em không đồng ý cho tôi chụp ảnh do sợ ảnh hưởng tâm lý hai em trước ngày diễn ra kỳ thi. Tôi đã phải nhờ sự giúp đỡ của chính Hiếu và Minh, hai em đã thuyết phục bố mẹ rằng hoàn toàn thấy tự tin và thoải mái về sự xuất hiện của phóng viên.

Bài phóng sự đã hoàn thành như ý muốn. Câu chuyện về đôi bạn cõng nhau 10 năm đến trường nhận được nhiều phản hồi tích cực và hai em cũng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội sau khi bước chân vào giảng đường đại học.

Sau hai chuyến về xứ Thanh để thực hiện bài phóng sự này, tôi rút ra được hai điều quan trọng cho bản thân: Thứ nhất, quan sát là cách tốt nhất để cảm nhận được nhân vật, từ đó khai thác được thông tin; thứ hai, đôi khi sự cản trở không đến từ nhân vật và để giải quyết được điều đó lại nhờ vào chính họ. (Đôi bạn cõng nhau đến lớp, cùng thi đại học)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 34

Tác giả Quỳnh Trang - Phương Lâm. Quỳnh Trang sinh năm 1993, tốt nghiệp ngành Báo ảnh. Cô là một phóng viên có sở trường khai thác phóng sự ảnh chân dung nhân vật đầy tính nhân văn, chân thực, giàu cảm xúc.

Vợ chồng 85 tuổi thoát chết sau lũ dữ

Lần tác nghiệp mưa bão ở miền Trung, tôi đến huyện Lệ Thủy, Quảng Bình - đây được xem là rốn lũ miền Trung thời điểm đó. Lũ đang rút, tôi có dịp đi sâu vào những khu vực dân cư bị ngập nặng nhất. Tình cờ, tôi gặp vợ chồng ông bà lão đã già loay hoay nhặt nhạnh vật dụng trôi nổi và sắp xếp lại căn nhà hoang tàn của mình khi nước lũ đang rút dần.

Đó là gia đình của vợ chồng ông Chức, 85 tuổi. Căn nhà cũ kỹ của hai người cũng là căn nhà bị ngập sâu nhất trong thôn do nhiều năm không được nâng nền. Lúc đỉnh lũ, căn nhà bị ngập gần đến tận nóc. Ông bà Chức may mắn thoát chết khi có người thân đến dỡ một phần mái ngói giải cứu.

Trò chuyện với tôi, ông bà lão cứ nhắc đi nhắc lại nhờ trời phú nên họ thoát chết. Xen lẫn trong câu chuyện là nỗi lo về căn nhà có nguy cơ đổ sập của bà Chức.

Ngủ đêm lại nhà ông bà trên chiếc gác gỗ cũ kỹ là một kỷ niệm rất khó quên. Ông bà nói chuyện rất tình cảm, thậm chí còn trêu đùa nhau. Tôi thì không thể ngủ đêm đó vì lạ chỗ.

Trong sự cùng khó của lũ, tôi nhận ra năng lực sinh tồn, sự lạc quan rất đáng quý của vợ chồng ông Chức. Bài báo này tôi làm không mất nhiều thời gian như những đề tài khác để theo kịp dòng thời sự. Dù ít thời gian, nhưng tôi thích cách thể hiện câu chuyện của mình. Nó làm tôi suy nghĩ, trăn trở về thân phận con người ở Quảng Bình và nhiều tỉnh miền Trung, nơi lũ lụt làm cuộc sống của họ đảo lộn, mất mát. (Vợ chồng 85 tuổi thoát chết sau lũ dữ)

hau truong tac nghiep cua phong vien Zing anh 39

Tác giả Phạm Ngôn (Tên thật là Phạm Hoàng Giám, sinh năm 1988). Anh đảm nhiệm tin bài cho Zing tại các tỉnh thành phía nam. Thế mạnh của Hoàng Giám là các đề tài những phận người hay lột tả và khai thác nhiều góc khuất của xã hội trong cuộc sống thường ngày.

Người Sài Gòn bất đắc dĩ 17 năm sống trên sông

Trong một lần nói chuyện với đồng nghiệp, tôi biết ở dạ cầu Bà Bướm (TP.HCM) có một nhóm người miền Tây neo đậu ghe, bám trụ mưu sinh hàng chục năm nay. Cũng là người quê miền Tây, tôi bị thu hút ngay bởi câu chuyện này. Theo lời chỉ dẫn, tôi tìm đến dạ cầu. Mọi việc khá giống như điều tôi được kể.

Dưới chân cầu Bà Bướm, tôi gặp nhiều người miền Tây và nghe những câu chuyện của họ. Trong đó, có trường hợp gia đình 5 người của anh Điền ám ảnh tôi vì sự nghèo khó, đơn độc và yếu thế. Trong nhiều ngày sau đó, tôi đồng hành cùng gia đình anh trong hoạt động thường nhật, lúc mưu sinh trên sông Sài Gòn giữa đêm khuya.

Mỗi ngày, anh Điền chỉ kiếm được thu nhập đủ nuôi mấy miệng ăn, sống lay lắt và lang bạt vì không biết bao giờ anh mới có bến dừng, hay một nơi ở ổn định trên bờ. Kết thúc câu chuyện của anh, tôi vẫn trăn trở, liệu trong những ngày tới cuộc sống gia đình anh sẽ như thế nào? Rằng có phải vẫn là chạy gạo từng ngày khi sông Sài Gòn đầy mưa gió? Các con anh vẫn không được đến trường như đã từng? Và ngày nào, ước mơ không còn phận lênh đênh giữa chốn phồn hoa Sài Gòn sẽ thành hiện thực? (Người Sài Gòn bất đắc dĩ 17 năm sống lênh đênh trên sông)

Tác giả Phạm Ngôn - Hà Đặng

Hiệp sĩ mù 40 năm lặn biển mưu sinh

Khoảng 10 năm trước, tôi đọc một bài phóng sự viết về một ngư dân mù một mình sống ở một hòn đảo ít người đặt chân đến thuộc Kiên Giang. Như một cơ duyên, 10 năm sau, trong lần đến thị trấn Kiên Lương của tỉnh này tác nghiệp, tôi tình cờ gặp con gái nuôi của vị “hiệp sĩ mù” này. Sau đó, tôi theo chị về nhà chị và cha nuôi - ông Ân - đang sinh sống, cũng ở khu vực thị trấn Kiên Lương.

Mấy ngày ở nhà ông Ân, tôi cùng ăn, cùng ở và đi với anh ra khu vực biển Ba Hòn xem anh lặn bắt hải sản. Tôi thật sự quá ấn tượng về ngư dân này. Ông mù lòa, nhưng vẫn rất thạo nghề lặn bắt hải sản, thậm chí làm giỏi hơn những người bình thường.

Trong những tối trò chuyện với nhau, ông Ân đọc cho tôi nghe những bài thơ ông sáng tác và ghi nhớ trong nhiều năm. Ông nói mình không biết chữ, tập làm thơ theo cách những bài thơ được nghe bạn bè đọc, hay đâu đó trên radio. Những bài ông đọc tất cả đều về tình yêu, những nỗi niềm yêu thương chưa trọn vẹn của ông. Hỏi nhiều lần, ông thú thật với tôi những bài thơ đó anh nghĩ ra trong lúc ở đảo hoang, khi người con gái anh yêu thương rời đảo đó và lấy chồng.

Từ giã anh Ân trong một chiều mưa mù, ông không chịu, cứ nằng nặc mời tôi ở lại thêm uống cùng anh ly rượu và ăn mớ hải sản anh bắt được lúc trưa. Trên đường về, tôi vẫn nhớ những lời ông kể, về những nỗi niềm, về những quan niệm sống lạc quan và nghị lực hiếm thấy… (Hiệp sĩ mù 40 năm lặn biển mưu sinh)

Tác giả Phạm Ngôn

Hậu trường 10 phóng sự ảnh ấn tượng trên Zing năm 2019

Hậu trường 10 phóng sự ảnh lay động độc giả trên Zing năm 2018

Zingnews

Bạn có thể quan tâm