'HIỆP SĨ MÙ' 40 NĂM LẶN BIỂN MƯU SINH
Hiệp sĩ mù Chín Ân bắt đầu câu chuyện bằng cách đọc diễn cảm mấy câu thơ về tình biển ông tự sáng tác từ mười mấy năm trước. Ông kể đời mình đã hơn 40 năm phiêu bạt trên biển mưu sinh.
Hiệp sĩ mù 40 năm trên biển cả
"Về Bãi Ớt chiều nay mưa ngập lối
Sóng xô bờ, chầm chậm lá bàng rơi
Mùa thu ơi em đã đi rồi
Trăng nửa mảnh rơi vào trong giấc ngủ
Người xưa đâu biển chiều nay buôn sóng
Biển bên ngoài trời trở gió mùa đông…".
Mời chúng tôi uống ngụm nước trà, ông Vương Hoài Ân, thường được gọi là Chín Ân (ngụ khu phố Kiên Tân, thị trấn Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) đọc diễn cảm bài thơ tự viết về tình yêu biển quê hương. Trong suốt cuộc trò chuyện, người ngư dân 55 tuổi nhiều lần nhắc đến biển, có khi đượm buồn, lúc vui tươi dào dạt. Ông nói trái tim mình muôn đời dành trọn cho biển.
Người đàn ông không biết chữ nhưng vẫn sáng tác và ghi nhớ từng câu thơ. Ông nói mình có cách cảm nhận lời thơ riêng, không cần chép ra giấy mực.
Rồi ông rủ chúng tôi đi lặn biển cùng. Thật ngạc nhiên khi thấy một người khiếm thị vẫy vùng thỏa thích trong làn nước biển Ba Hòn, lúc bơi nhanh, lúc trầm mình.
Đã 55 tuổi, nhưng hàng ngày ông Ân vẫn ra khu vực biển Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương lặn biển, bắt hải sản mưu sinh. |
Năm 6 tuổi, ông bị ban đỏ không có thuốc điều trị. 2 mắt ông mù cả từ đó. Không đầu hàng số phận mù lòa, ông tập tành theo người lớn đi ghe biển. Khoảng 10 tuổi, ông đã thạo những việc của người đi biển như tóm câu, vá lưới, kéo dây neo, lặn biển… Những người chủ ghe ít khi trả tiền công, chỉ cho ăn cơm hàng ngày, Tết đến cho ít tiền tiêu vặt và sắm cho vài bộ đồ mới.
Thời gian trôi, tình yêu biển của ông Ân ngày càng lớn dần. Ông theo làm ngư phủ cho những chủ tàu, lênh đênh trên biển hàng tháng trời đánh bắt hải sản. Khi cái lạnh và những cơn ê ẩm khắp người thoạt đến, ông biết rằng gánh nặng tuổi tác đã ngày dần đè nặng lên đôi chân miệt mài với biển.
"Đã hơn 40 năm tôi làm biển, giờ chưa thể bỏ nghề được. Cứ không làm 1-2 hôm do bệnh là lại thấy nhớ nghề", ông Ân tâm sự. |
Năm 2000, ông quyết định không làm ngư nữa. Như định mệnh sắp đặt, ông tìm về Hòn Móng Tay để sinh sống. Thời điểm đó, cư dân thưa thớt, có lúc toàn đảo chẳng có ai ngoài ông. Biệt danh “chúa đảo” hay “hiệp sĩ mù” được mọi người gán ghép gọi ông từ đó.
Ông Ân được mọi người gọi vui với biệt danh "hiệp sĩ mù". |
Năm 2003, ông Ân nhận chị Vương Thị Kim Vui làm con nuôi. 12 năm trời, cô con gái có chồng và sinh con, cuộc sống vô gia cư, phiêu bạt của ông Ân bỗng chốc rộn ràng tiếng khóc cười của trẻ thơ. Thời gian này, ông sống và chăm sóc con, cháu bằng thu nhập từ nghề đánh bắt hải sản bằng xuồng nhỏ và lặn biển đục hàu, bắt dòm xanh, cua biển, bắt cá mang ếch…
Đã mấy mươi năm, ông Ân trầm mình lặn biển để mưu sinh. Công việc này đối với ông như một thói quen rất khó từ bỏ. |
Đến năm 2015, cha con ông Ân đồng ý bán mảnh đất ông khai khẩn, rời đất đảo về quê nhà ở Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương rồi dự định lập nghiệp và sinh sống tại đây. Tuy nhiên, khi về nơi chôn nhau cắt rốn, lòng ông Ân không lúc nào nguôi cơn sóng. Ký ức ngày xưa với cha mẹ, những người thân quen nơi quê nhà đã không còn. Phần lớn gia đình ông đã qua đời, hoặc vì mưu sinh mà bỏ đi biệt xứ.
"Tui thà sống trong cô quạnh ở xứ người, còn hơn ngày đêm gặm nhấm nỗi nhớ thương xưa cũ nơi quê nhà", ông Ân nói.
Ở tuổi 55, không còn sức khỏe để làm ngư phủ, cũng chẳng làm thuê mướn cho ai, ông hiển nhiên bám nghề lặn biển mưu sinh. Hàng ngày, ông làm bạn với biển. Những thứ ông bắt được sẽ mang lại nguồn thu nhập ít ỏi, nhưng đủ để ông, con ông và đứa cháu nhỏ tiêu dùng hàng ngày.
Dù không nhìn thấy gì, nhưng biệt tài lặn biển đục hàu, bắt cua, dòm xanh... của ông Ân được nhiều người ngưỡng mộ. Khoảng hơn 2 giờ lặn biển, ông đã bắt được hơn 10 kg dòm xanh. |
Ông Ân nói rằng được ra biển, hòa mình vào biển thì dù là vui chơi hay làm lụng đều thích. Nhiều người nói nghề ông cực nhọc, kiểu như "bán mặt cho biển, bán lưng cho trời" nhưng ông nói không hoàn toàn như vậy. Ông làm việc vì tình yêu với công việc, với biển. Đôi lúc có mệt mỏi, nhưng điều đó không khiến ông e dè trước biển. Ở tuổi xế chiều, ông là một trong những người lặn biển giỏi bậc nhất ở nơi này. Nhắc đến ông, ai cũng biết.
Hiện mỗi ngày ông Ân dành khoảng 3 giờ để lặn biển, thu nhập khoảng 150.000 đồng. |
Ông nhận nuôi chị Vui từ lúc chị 9 tuổi. Hơn 20 năm trời, tình nghĩa cha con ngày càng sâu đậm. 2 người thường xuyên trò chuyện cùng nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc. Chị Vui cũng là người bạn đồng hành không thể thiếu của cha mình trong những chuyến lặn bắt hải sản trên biển.
Mỗi ngày, chị dùng xe máy chở cha đến nơi lặn biển, xong lại đón về. Hải sản ông Ân lặn bắt được thì chị mang ra chợ bán lẻ, hoặc bỏ mối cho các vựa hải sản. Chuyện cơm nước, giặt giũ ở nhà đều một tay chị lo liệu.
Chị Vui (con gái nuôi của ông Ân) hàng ngày chở ông đến nơi lặn biển. Khoảng 2-3 giờ sau lại đến đón ông về. |
Mái ấm tuổi xế chiều
Thời trẻ, ông Ân từng yêu một người con gái trong lúc lênh đênh trên biển với đời ngư phủ. Người con gái ông đem lòng yêu có giọng nói trong trẻo, ngày ngày theo cha mẹ buôn bán hải sản ở khu vực ghe neo đậu. Ông Ân kể có nhiều khi, đã ở rất gần người con gái ấy, hiểu được tâm tình của cô, nhưng vì dị tật và nghèo đói mà không một lần cất được tiếng nói yêu. Tình yêu thời đôi mươi của ông là vậy, nó u uất, hờn dỗi và câm nín. Có những tối khóc vì nhớ người con gái ấy. Rồi, ông làm thơ, yêu thích những bài tình ca sầu khổ, vì nó đúng với tâm trạng của mình. Trong những tháng ngày đó, đôi khi ông mơ đến một gia đình nhỏ. Ông đi làm biển, vợ ở nhà chăm con chờ ông về.
Ông Ân và cháu ngoại nuôi Lê Thị Hoài Xuân (7 tuổi), học lớp 2. |
Nhưng rồi mọi thứ đột ngột thay đổi. Người con gái ấy theo cha mẹ đi không hẹn ngày về. Ông thấy cuộc sống mình không còn nhiều ý nghĩa. Rồi ông vùi mình vào biển, lao vào công việc ngư phủ, làm ngày đêm như thể để xóa đi những muộn phiền, đau khổ trong lòng.
Ông trời chưa phụ lòng ông. Giờ đây, ở khu phố ông ở có gia đình bé nhỏ của con gái ông sống cùng một nhà. Đứa con gái 8 tuổi tên Hoài Xuân của chị Vui hàng ngày quấn quýt ông không rời.
Ông Ân dù bị mù nhưng di chuyển khá linh hoạt, tự chăm sóc bản thân và làm được nhiều việc khác. |
Quan sát ông Ân, tôi bất ngờ bởi khả năng di chuyển gọn gàng và linh hoạt. Có vẻ như dù không nhìn thấy gì, nhưng ông đã thuộc làu và ghi nhớ hết đường đi trong căn nhà này.
Cháu gọi ông là "ông ngoại", yêu mến và quyến luyến ông hơn cả với cha mẹ. Ông nói ngày xưa, ông chỉ ngỡ đời chỉ còn yêu biển nhưng bây giờ, tình yêu ấy dành phần nhiều hơn cho đứa cháu này.
Hai ông cháu quấn quýt trong căn nhà nhỏ. Ông Ân nói đây là niềm vui, niềm hạnh phúc hiện tại của ông chứ chẳng ở đâu xa vời. |
Chiều muộn, ông, con gái nuôi và đứa cháu nhỏ quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Mẹ cháu quở trách con gái việc kén ăn. Ông ngồi nghe, thỉnh thoảng khuyên chị Vui bớt la rầy cháu. Rồi tiện thể nói sang cháu Hoài Xuân: "Thôi con ráng ăn cho no, nghe lời ông ngoại thương".
Chập tối, gia đình ông Ân ăn bữa cơm đạm bạc. |
Giấc mơ có mái ấm gia đình của ông Ân trên biển ngày nào giờ đã thành hiện thực. Tuy tổ ấm này có khác so với những gì trước đây ông suy nghĩ. “Nếu không có con, có cháu, chắc đời tôi vẫn ở ngoài đảo, chứ không về đây”, ông tâm sự. Ông nói mình thích sống ở biển, thích lặn biển, bắt cá tôm, buổi chiều nghe sóng biển vỗ về. Nhưng con cháu cần được sống ở nơi có điều kiện sinh hoạt và học tập tốt hơn, nên ông đành ngậm ngùi rời đảo.