Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Phía sau những phóng sự ảnh lay động độc giả năm 2018

Năm 2018, phóng viên Zing.vn có mặt ở mọi miền của đất nước, gặp gỡ nhiều số phận, ghi lại các góc cạnh của cuộc sống. Dưới đây là 10 phóng sự ảnh nổi bật cùng chuyện hậu trường.

HẬU TRƯỜNG 10 PHÓNG SỰ ẢNH LAY ĐỘNG ĐỘC GIẢ TRÊN ZING.VN NĂM 2018

Năm 2018, phóng viên ảnh của Zing.vn đã có mặt trên mọi miền của đất nước, gặp gỡ nhiều số phận và ghi lại nhiều góc cạnh của cuộc sống.

LENS - định dạng phóng sự ảnh kết hợp bài viết, được Zing.vn giới thiệu tới bạn đọc từ cuối 2017. 

Đó là nơi chúng tôi tập hợp những câu chuyện, được thể hiện thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Bên cạnh các đề tài thời sự, bài viết truyền cảm hứng, Zing.vn hy vọng mang đến cho độc giả những khoảnh khắc về cuộc sống mến yêu, lạc quan thông qua góc nhìn văn minh, tôn trọng sự khác biệt. 

Gần 100 phóng sự được các nhiếp ảnh gia, bạn đọc và đội ngũ phóng viên Zing.vn thực hiện trong năm qua. Dưới đây là những câu chuyện bếp núc đằng sau 10 phóng sự ảnh nổi bật nhất, do chính những người thực hiện kể lại. 

Quân đội và dân bản chung vai di chuyển những căn nhà nghìn cân

Tác giả: Hoàng Việt

“Cứ đi đi và bạn sẽ tìm thấy” - đây chính là điều tôi có được trong chuyến đi tới ngọn núi Cheng Leng ở Gia Rai.

Ban đầu, mục đích của tôi là tìm kiếm một bác voi già còn sót lại trong rừng. Sau hai ngày chạy xe máy hàng trăm cây số và kết thúc trong thất vọng, tôi lang thang chạy xe vào sâu trong một ngôi bản bất định.

Bỗng từ xa, thấp thoáng hình ảnh hàng trăm người khiêng một chiếc nhà sàn vừa hò dô vừa chạy như những đàn kiến tha mồi. Quá bất ngờ trước hình ảnh lần đầu nhìn thấy trong đời, tôi đã lặng người trong sự may mắn trời cho này.

Thì ra đó là chiến dịch bộ đội giúp dân bản định cư cuộc sống, di chuyển chỗ ở. Ban đầu những chiến sĩ có phần e dè trước tên phóng viên đi một mình, không giấy tờ, chỉ cầm theo cái máy ảnh nên từ chối.

Tôi đi về, lòng nặng trĩu nhưng quyết không bỏ cuộc. Chợt nhớ người anh đồng nghiệp "cao thủ", tôi lập tức nhờ đến sự trợ giúp của người thân. Ngay sau đó, anh báo mai vào chụp thoải mái vì đã xin phép. 

Sau ba ngày ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, chứng kiến bao mồ hôi và thậm chí cả máu của những người lính trong thời bình, tôi đã hoàn thành bộ ảnh phóng sự về hành trình của những người lính vận chuyển những căn nhà nghìn cân cho đồng bào.

Chuyện 50 anh lính 'cõng' cả bản làng ở Tây Nguyên

50 người lính cùng dân bản hô vang, vác nhà sàn di chuyển từng mét một. Cả trăm đôi vai oằn xuống dưới sức nặng nghìn cân vẫn tiến về phía trước như bầy kiến tha mồi về tổ.

Cuộc sống nông dân giữa nơi xa hoa mới của Sài Gòn

Tác giả: Hoàng Việt

Tìm câu chuyện của những người dân Thủ Thiêm trong những tháng ngày căng thẳng, tôi thấy một ông lão đen đúa cùng hai người con trai đang lội trên dòng kênh đen ngay dưới chân những cao ốc sang trọng ở quận 2.

Những người nông dân đó là gia đình ông Hơn - một trong bốn hộ còn bám trụ lại ở khu đất Thủ Thiêm này sau nhiều năm giải tỏa. Suốt 10 năm theo kiện, tiếp hàng trăm phóng viên, họ đã trở nên mất niềm tin vào những người tới đây. Dĩ nhiên, trong đó có tôi.

Nhưng điều đó chỉ khiến tôi càng muốn hiểu hơn về những mảnh đời này. Nhiều ngày làm quen, lội bùn bắt cá, ăn ở cùng họ đã giúp tôi càng hiểu thêm về cuộc sống khó khăn của những người một sáng thức dậy đã mất nhà, sống nhiều năm trong ẩn ức.

Cuộc sống nông dân giữa nơi xa hoa mới của Sài Gòn

Ông Hơn lội xuống dòng kênh ngập quá đầu để bắt con cá rô cho bữa ăn chiều. Người nông dân này là một trong số hơn hai mươi cư dân còn bám trụ ở khu tạm cư Thủ Thiêm, TP.HCM.

3 phút lũ dữ cuốn phăng cả bản nghèo

Tác giả: Việt Linh - Phạm Trường

Ba ngày sau trận lũ dữ, chúng tôi có mặt ở xã Sơn Lương, Văn Chấn, Yên Bái. Để đến được bản Tủ, chúng tôi phải băng rừng, lội suối hàng chục km trên chiếc xe Honda Win. Phải mất cả ngày trời, đoàn mới tiếp cận được địa điểm đang bị cô lập.

Cơn lũ quét xảy ra sáng 20/7 đã "xoá sổ" bản nghèo nằm bên khe Suối Ma. Nhà cửa, tài sản của hơn 70 hộ dân tộc Thái giờ vùi lấp trong đất đá, cây cối ngổn ngang.

Bản Tủ yên bình giờ tang thương, những chiếc khăn trắng xơ xác phất phơ trong gió. Mùi khói nhang cùng tiếng khóc xé lòng của người bà nội thương đứa cháu nhỏ chưa đầy 3 tuổi đã ra đi. Bên bờ suối, người chồng bê bát hương nghi ngút khói vật vờ tìm vợ và con bị lũ cuốn trôi đã 3 ngày chưa tìm thấy tung tích. 

Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ cuối tháng 7 với 29 người chết, mất tích và bị thương; trên 3.870 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có gần 300 nhà bị sập trôi hoàn toàn… Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng.

Lũ dữ trong đêm cuốn phăng bản nghèo

Chỉ trong 3 phút, khi vạt đồi cao hàng chục mét nứt nẻ, ùn ùn đổ xuống theo dòng suối, không chỉ con người mà nhà cửa, tài sản... của người dân bản Tủ (Yên Bái) đều bị cuốn đi.

Cậu bé ở xứ sở chăn cừu nắng gió độc nhất miền Trung

Tác giả: Hoàng Việt

Chuyến đi chăn cừu cùng cậu bé Hiệp đến nay là hành trình đáng nhớ nhất trong quãng đời làm phóng viên ảnh của tôi.

Một lần trên đường chạy xe, do quá khát nước tôi rẽ đại vào một khu lán chăn cừu, vô tình gặp những mục dân nơi đây. Tôi xin ở lại và ghi nhận cuộc sống chăn cừu của họ.

Ngày chúng tôi đến cũng là ngày mà bố của Hiệp bị tai nạn giao thông, nên cậu bé 13 tuổi sẽ phải đi chăn cừu thay. Tôi lập tức theo Hiệp. Và vậy là hành trình lần đầu tiên trong đời với 30 cây số đi bộ cùng cả đống máy móc đến một cách bất ngờ. Nước thì không có, dưới cái nắng cháy da của đất Ninh Thuận, tôi kiệt sức hoàn toàn.

Những mục dân di chuyển liên tục từ 7h sáng tới 5h chiều theo đàn cừu. Có lúc tôi thiếp đi vì thiếu nước và quá mệt. Nhưng ở đây, cậu bé 13 tuổi này ngày nào cũng có một hành trình như thế suốt nhiều năm tháng về sau. Kết quả của chuyến đi là một hành trình chi tiết kể lại cuộc sống của những người dân du mục Ninh Thuận.

Cậu bé ở xứ sở chăn cừu nắng gió độc nhất miền Trung

Mặt trời thẳng đứng, Hiệp - cậu bé gầy nhẳng vừa chạy vừa thở dốc đuổi theo đàn cừu, bất chấp nắng rát cùng những cơn gió hanh nóng của mảnh đất Ninh Thuận.

Những đứa trẻ đi tìm chữ giữa đêm trên đỉnh núi

Tác giả: Hoàng Việt

Tôi đã tìm đến buôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk để ghi lại con đường đi học từ ba giờ sáng xuyên núi của bọn trẻ nơi đây.

Và thực tế còn khắc nghiệt hơn rất nhiều những gì tôi đã hình dung.

Mượn được chiếc xe ga, tôi không ngờ mình còn phải chạy hàng trăm cây số, trong đó đường núi với toàn đá hộc và dốc chiếm tới 30 km. Chiếc xe oằn mình đưa tôi vào bản sâu nhất trong rừng vào chiều tối.

Những người dân đón tôi bằng sự e dè. Nhưng người dân tộc H'Mông cũng rất tinh tế và tình cảm. Sau ba ngày cứ ở lỳ ăn ngủ cùng họ, tôi đã có được tình cảm của đồng bào rồi chụp bọn trẻ. Chúng đi học theo ba buổi: 3h sáng, 6h sáng, 9h sáng. Quyết tâm đã đến thì không bỏ buổi nào, tôi theo chân từng nhóm trong ba ngày khác nhau.

Vất vả nhất là lúc 3h sáng ở bản, trời núi giữa đêm lạnh ngắt. Bọn trẻ đeo một chiếc đèn trên trán rồi phóng xe mất hút vào màn đêm. Lóng ngóng, chưa quen thời tiết và cả đêm không ngủ do lạnh, tôi chạy theo từng guồng đạp xe của lũ trẻ.

Đường núi quanh co và chưa thuộc địa hình, cùng với ánh đèn xe không đủ mạnh, tôi chưa bao giờ mừng đến thế khi thấy bình minh. Lúc ấy, tôi mới hình dung được bọn trẻ đã phải trải qua những gì suốt quãng đời đi học.

Những đứa trẻ đi tìm chữ giữa đêm trên đỉnh núi

Lũ trẻ ở buôn H'Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, phải đi xuyên rừng giữa đêm, vượt qua hai con suối, leo hàng chục dốc đá để đến trường.

Nữ sinh mồ côi nuôi giấc mơ Đại học

Tác giả: Quỳnh Trang

Tôi gặp Định vào một ngày tháng 6 nắng gắt, đó là thời điểm ôn thi cuối cùng trước ngưỡng cửa lớn của cuộc đời em - kỳ thi THPT quốc gia.

Khác với tưởng tượng về một cô bé đầy lo lắng, hồi hộp, Định vô cùng bình tĩnh, ban ngày học bài, chiều tối em lại tranh thủ móc nắp ấm kiếm thêm thu nhập.

Trong ngôi nhà còn chưa được trát vữa, không có tivi, không có smartphone, bữa cơm chỉ là lá sấu non nấu chua với vài con cá nhỏ nhưng tiếng cười luôn tràn ngập. 4 đứa trẻ tự bảo ban nhau học hành, giúp đỡ nhau công việc nhà dù vắng bóng mẹ.

Cô gái nhỏ bé với chiếc xe đạp lọc cọc trên đường đi tìm con chữ. Những đoạn dốc cao phải xuống dắt bộ nhưng Định chưa lúc nào kêu mệt hay chán nản về cuộc sống. Em luôn tâm niệm rằng: “Đằng sau không có ai chống lưng nên nhất định không được gục ngã".

Mẹ mất vì căn bệnh ung thư gan năm 2016, bố đi làm từ sáng tới tối, mọi việc trong gia đình và chăm sóc 3 đứa em dồn lên đôi vai cô gái 18 tuổi Tống Thị Định ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Nữ sinh mồ côi nuôi giấc mơ thành phiên dịch viên

Mẹ mất vì bệnh ung thư gan năm 2016, bố đi làm từ sáng tới tối, mọi việc trong gia đình và chăm sóc 3 đứa em dồn lên đôi vai cô gái 18 tuổi Tống Thị Định.

Hai năm sau cuộc trở về của bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước

Tác giả: Liêu Lãm - Phan Nhơn

Vượt quãng đường gần 120 km từ TP.HCM đến thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước), tôi cùng đồng nghiệp rất tò mò muốn biết được cuộc sống của Lan Anh - Ngọc Yến cũng như cha mẹ của hai bé sau sự cố trao nhầm diễn ra vào 5 năm trước.

Trước khi đến nhà anh Khiên, chúng tôi cũng đã hình dung rằng, có lẽ cuộc sống của hai bé sẽ rất khó khăn khi phải chuyển đổi chỗ ở, rời xa ba mẹ và mái nhà đã gắn bó suốt những năm tháng đầu đời.

Tuy nhiên, khi đến nơi, được tận mắt chứng kiến sự hồn nhiên, vui vẻ của hai bé, dù là ở nhà của anh Khiên (ở trung tâm thị xã) hay nhà của chị Liên (ở trong buôn), chúng tôi đã cảm nhận được sự hạnh phúc, lan toả từ cả hai gia đình. Hai bé gái giờ đây có thêm cha mẹ mới.

Và dù cuộc sống của hai gia đình vẫn còn khó khăn, nhưng bằng tình yêu, sự quan tâm chân thành từ các thành viên, tôi luôn cảm nhận được sự hạnh phúc của họ qua mỗi khung ảnh.

Hai năm sau cuộc trở về của bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước

5 năm trước, sự nhầm lẫn của hộ sinh đã khiến 2 bé gái ở Bình Phước lớn lên ở gia đình không phải cha mẹ ruột của mình. Hai năm sau cuộc hội ngộ, hai đứa trẻ đang sống như thế nào?

Hành trình sửa nhịp trái tim

Tác giả: Quỳnh Trang

Theo chân nhân vật gần 2 tháng, tôi có thời gian để tìm hiểu hơn về cô bé Linh Thị Thanh Thảo.

Lần đầu gặp mặt, cô bé rụt rè, khép nép khi có người lạ hỏi thăm. Thời điểm đó, Linh chưa nhận thức được căn bệnh tim bẩm sinh mình đang mang trong người nguy hiểm như thế nào. Trong nhận thức của một đứa trẻ 9 tuổi, đó chỉ là niềm vui khi lần đầu được lên thủ đô, được thấy những ngôi nhà cao tầng, ánh điện đầy sắc màu, xe cộ ngập phố mà ở nơi miền núi như em chưa bao giờ thấy được.

Mỗi lần vào viện thăm, em trở nên thân thiết hơn với tôi. Có lần, Thảo kể về ước mơ muốn được đi chơi hồ Gươm một lần trước khi trở về nhà, điều tưởng như đơn giản nhưng lại xa tầm với đối với đứa trẻ ngày ngày chỉ được nhìn bầu trời qua ô cửa kính bệnh viện.

Ngày cuối trước khi em về nhà, tôi cùng bố em đưa em đi chơi hồ Gươm. Cô bé lần đầu ngắm tháp Rùa, lên cầu Thê Húc, ăn kem Tràng Tiền mát lạnh… Đó là lần đầu tiên kể từ ngày gặp em, tôi thấy cô bé cười nhiều như thế.

Hành trình sửa trái tim của cô bé 9 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo

42 ngày nằm viện, trải qua hai cuộc phẫu thuật, giờ đây bé Linh Thị Thanh Thảo (9 tuổi, Lạng Sơn) đã có một trái tim khỏe mạnh để tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình.

Những em bé Kangaroo và điều kỳ diệu trong chiếc túi của mẹ

Tác giả: Liêu Lãm - Bích Huệ

Bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn đứa con của mình được ra đời đủ tháng đủ ngày và khoẻ mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn đó và sinh non không phải là hiện tượng hiếm gặp.

Đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại bệnh viện Từ Dũ để tận mắt chứng kiến mô hình ấp con Kangaroo, giúp những em bé sinh non có cơ hội phát triển bình thường. Bằng phương pháp ấp “da kề da”, các em bé không những sẽ được cảm nhận hơi ấm, tình yêu từ mẹ mà còn có thể từ bất cứ thành viên nào trong gia đình như bố, ông bà…

Có gia đình, ba phải ấp thay gần như cả ngày trời vì mẹ còn mệt sau sinh. Có mẹ sinh một lúc 3 con, bà ngoại phải vào ấp cháu cùng mẹ. Chính những sợi dây liên kết thiêng liêng của tình cảm gia đình này đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động.

Hành trình ấp con gian nan của cha mẹ những em bé sinh non

Cất tiếng khóc chào đời đầy khó nhọc, những em bé Kangaroo nhỏ như hạt tiêu được cả gia đình ấp vào lòng và lớn lên từng ngày cùng với niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hoá

Tác giả: Việt Linh - Quang Đức

Tôi gặp Phong trong những ngày cuối thu ở Hà Nội. Cô gái mang hình hài nhỏ nhắn với nụ cười thường trực trên môi nhưng không giấu khỏi nỗi buồn thấp thoáng ẩn trong đôi mắt.

Đó là thời điểm vài ngày sau khi công chiếu bộ phim "Ngày của Phong", cũng là lúc nhân vật chia tay mối tình kéo dài 6 năm. Áp lực truyền thông và những vấn đề cá nhân khiến việc tôi phỏng vấn, theo chân nhân vật thực hiện bộ ảnh khá khó khăn. 

Hai ngày - quãng thời gian ngắn ngủi để thực hiện phóng sự ảnh giúp tôi thấu hiểu và khâm phục Phong và cộng đồng người chuyển giới. Họ là những người sẵn sàng đánh đổi hàng chục năm tuổi thọ để được sống là chính mình, để yêu và được yêu như một người phụ nữ đúng nghĩa. 

Ngày của Phong - cô gái từng mang hình hài nam giới và nỗi đau tạo hóa

Phong của năm 2018 đã không còn rơi nước mắt trên hành trình "đi tìm bản thân" như chuyện kể trong "Đi tìm Phong". Vì, Phong đã là con gái, và thấy "làm con gái thật tuyệt".


Zing.vn

Bạn có thể quan tâm