MỘT TP.HCM KHÁC BIỆT TỪ METRO BẾN THÀNH - SUỐI TIÊN
Hôm nay (22/12), metro số 1 đi vào vận hành thương mại. Đây không chỉ là mảnh ghép quan trọng của hệ thống giao thông hiện đại ở TP.HCM, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho đô thị đáng kỳ vọng của Việt Nam.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng, khởi công năm 2012 và đi vào vận hành chính thức từ hôm nay, ngày 22/12/2024.
Đây là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại TP.HCM. Với chiều dài 19,7 km, tuyến kết nối trung tâm quận 1 với khu vực phía Đông, không chỉ đơn thuần giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường huyết mạch mà còn mang kỳ vọng về chặng đường phát triển mới của TP.HCM.
Sơ đồ 14 nhà ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Đồ họa: Đại Bùi. |
Một hệ thống giao thông tiên tiến đang dần hoàn thiện
Trải qua gần hai thập kỷ biến ý tưởng thành hiện thực, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông và đô thị của TP.HCM.
Đây là bước khởi đầu cho việc hình thành mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố đông dân nhất Việt Nam, hướng đến mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, tiên tiến của một TP.HCM thông minh, hiện đại và bền vững.
Ga ngầm Bến Thành (quận 1) được thiết kế với kiến trúc hiện đại và đầy đủ tiện ích như hệ thống bán vé tự động, cửa soát vé tự động và hệ thống thông gió, điều hòa... |
Để người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện mới, TP.HCM đã bố trí thêm 17 tuyến xe buýt điện kết nối trực tiếp với các nhà ga từ các địa điểm quan trọng như khu dân cư, trường học, trung tâm thương mại, khu công nghiệp..., nâng tổng số tuyến xe buýt có khả năng kết nối metro số 1 lên 61.
Người dân có thể xem lộ trình, thời gian hoạt động và dữ liệu thời gian thực về tuyến metro số 1 và 17 tuyến xe buýt kết nối trên ứng dụng Go!bus. Trong thời gian tới, Go!bus sẽ được nâng cấp để trở thành một kênh thanh toán tiện lợi cho giao thông công cộng trên địa bàn TP.
Đồng thời, mỗi ga metro trên cao có ít nhất một bãi gửi xe với tổng sức chứa hàng nghìn xe hai bánh. Bên cạnh đó, TP.HCM đã đưa vào hoạt động 5 bãi giữ xe tại các ga Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long và Bình Thái, với tổng diện tích hơn 5.000 m2 và sức chứa hơn 2.000 xe hai bánh.
Toàn bộ bãi giữ xe của các nhà ga trên cao metro số 1 đã được đưa vào hoạt động. Ảnh: Duy Hiệu. |
Dự kiến, trong quý I/2025, hệ thống thu soát vé tự động trên tuyến metro số 1 và các tuyến xe buýt sẽ được hoàn thiện, tích hợp tính năng quét thẻ của các tổ chức quốc tế như VISA, UPI, AMEX, JCB, cũng như thẻ nội địa NAPAS, mã QR code và thẻ căn cước công dân.
Khi đó, người dân chỉ cần sử dụng các thẻ ngân hàng được những tổ chức này chấp nhận để thanh toán khi tham gia giao thông công cộng tại TP.HCM.
Những biểu tượng mới của TP.HCM đã thành hình
Metro số 1 không chỉ dừng lại ở câu chuyện về hạ tầng giao thông, mà còn góp phần tạo nên diện mạo mới của TP.HCM.
Với thiết kế sáng tạo và công năng cao, ga ngầm Bến Thành không chỉ là điểm kết nối các tuyến metro số 1, 2, 4, 3a mà còn trở thành biểu tượng kiến trúc hiện đại của TP. Nhà ga này có 4 tầng ngầm, sở hữu quy mô và diện tích lớn nhất trong 14 nhà ga metro đã hoàn thiện.
Giếng trời có chức năng cung cấp ánh sáng cho các tầng hầm, cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên qua, giảm thiểu việc sử dụng đèn nhân tạo. Đây cũng là khu vực check-in không thể bỏ qua của nhiều bạn trẻ khi trải nghiệm tuyến metro số 1. |
Toplight ga ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao. |
Cách ga Bến Thành gần 500 m là ga ngầm Nhà hát TP (quận 1) quy mô 4 tầng, mang tông màu trắng và xám chủ đạo. Điểm nhấn của nhà ga này là một phần trần sử dụng hoa văn bằng sắt màu nâu, mô phỏng phong cách kiến trúc của Nhà hát TP.
Trong khi đó, ga ngầm Ba Son (quận 1) có quy mô nhỏ nhất, chỉ 2 tầng, nhưng mang nét riêng là phần trần ốp hoa văn bằng thép màu trắng, tạo hình sóng lượn.
Trước khi chính thức vận hành hôm nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã đón nhiều lượt khách đến trải nghiệm. Từ người dân TP.HCM đến khách du lịch trong và ngoài nước, đa số đều đánh giá tốt về phương tiện giao thông mới của TP, đồng thời tranh thủ lưu lại những tấm ảnh check-in.
Hàng loạt đô thị, cao ốc hạng sang được phát triển
Đi theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) như nhiều quốc gia khác, TP.HCM cũng đã manh nha hình thành nhiều khu đô thị và dự án bất động sản quanh các nhà ga metro số 1 từ những năm qua.
Đến nay, hàng chục dự án nhà ở cao cấp và hạng sang đã mọc lên dọc tuyến metro số 1 như Grand Marina Saigon, Vinhomes Ba Son (quận 1); Vinhomes Central Park, Sunwah Pearl, Saigon Pearl, The Manor (quận Bình Thạnh); Thảo Điền Pearl, Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Gateway Thảo Điền, Nassim Thảo Điền (TP Thủ Đức)...
Hàng chục tòa tháp thuộc hai dự án Vinhomes Golden River và Grand Marina Saigon mọc lên dày đặc cạnh ga ngầm Ba Son. |
Sở hữu vị trí đắc địa quanh các nhà ga nên dù không nằm ở khu vực trung tâm TP, nhiều dự án vẫn được giao dịch với giá cả trăm triệu mỗi m2, thậm chí có những sản phẩm lên đến 150 triệu đồng/m2.
Sát các nhà ga metro cũng có nhiều tòa cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại nhộn nhịp, tạo nên kỳ vọng về một TP.HCM đầy sôi động trong tương lai gần.
Tàu metro đi qua ngã 3 Cát Lái - khu vực tập trung dày đặc các dự án bất động sản của TP Thủ Đức. |
Từ ga trên cao An Phú (TP Thủ Đức), người dân và du khách chỉ cần đi vài bước chân là tới khu căn hộ kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ sôi động. |
Kỳ vọng về một TP.HCM thông minh, hiện đại và bền vững
Tuyến metro số 1 kết nối trung tâm TP.HCM với các khu vực ngoại thành và với cả TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và tăng cường kết nối giữa các địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội.
Tàu metro đi qua khu du lịch Suối Tiên cách trung tâm TP.HCM gần 20 km. |
Tàu metro đi qua cầu vượt Trạm 2 tiến về ga Khu công nghệ cao. Ga này có vị trí gần các khu công nghiệp, trường đại học tại TP Thủ Đức, là điểm trung chuyển thuận tiện cho người dân, sinh viên và người lao động. |
Còn riêng tại dự án, metro số 1 được xây dựng với công nghệ hiện đại và tiêu chuẩn quốc tế, từ các nhà ga mang thiết kế trang nhã, tiện nghi cho đến hệ thống tàu điện được nhập khẩu từ Nhật Bản, đảm bảo tốc độ và hiệu suất cao. Quá trình quản lý và vận hành cũng sẽ áp dụng các công nghệ mới nhất, hướng tới sự ổn định và an toàn.
Từ trên tàu, người dân sẽ được nhìn thấy toàn cảnh TP.HCM với những địa danh và công trình biểu tượng như sông Sài Gòn, Landmark 81...
Sau metro số 1, TP.HCM dự kiến tăng tốc để có thể khởi công đồng bộ các tuyến metro còn lại trong năm 2027, qua đó hoàn thành mục tiêu 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035.
Trên nền tảng những công trình giao thông trọng điểm này, TP kỳ vọng thúc đẩy mô hình đô thị vệ tinh, tạo nên các trục tăng trưởng mới để có thể phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á vào năm 2045.