HAI VỢ CHỒNG 85 TUỔI THOÁT CHẾT SAU LŨ DỮ
Sau hơn 2 ngày được giải cứu khỏi căn nhà ngập tận mái, vợ chồng ông Chức (85 tuổi), ngụ thôn Đông Thành, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, đã về lại nơi ở của mình. Cả hai ông bà đều không nghĩ mình có thể sống sót sau lũ.
"Tôi tưởng mình đã chết"
Ông Hoàng Đình Chức và vợ là bà Lê Thị Khiên thuộc hộ gia đình cao tuổi, nghèo khó nhất thôn. Họ đã sống sót hy hữu trong cơn "đại hồng thuỷ" vừa quét qua.
Nước lũ đã rút nhiều. Hai ông bà cùng xắn quần, loay hoay thu dọn đồ đạc trôi nổi sau cơn lũ. Gặp chúng tôi, bà Khiên vừa khóc vừa kể chuyện. Bà nói việc vợ chồng bà còn sống là một điều kỳ diệu.
Sau khi lũ rút và được trở về căn nhà của mình, ông Chức vẫn bàng hoàng và không tin mình có thể thoát chết. |
10h ngày 18/10, nước lũ ngày càng lớn, nhà ông Chức ngập gần 2 m. Ông và vợ không thể thoát ra ngoài vì nước lên quá nhanh khiến mọi thứ bị cô lập hoàn toàn. Vợ chồng ông chỉ còn cách cố thủ trong căn nhà cũ kỹ của mình. Nước lên đến đâu, ông bà trèo lên cao để tránh đến đấy.
Và rồi, mực lũ đã gần chạm mái nhà. Vợ chồng ông ướt sũng, co cụm trên chiếc gác cao gần nóc nhà mà không biết kêu cứu với ai.
Căn nhà ngập sâu của vợ chồng ông Chức được một người dân chụp lại trong chiều 18/10. Lúc này, 2 vợ chồng vẫn còn kẹt trong nhà. |
“Tôi thầm nghĩ chắc sẽ về với ông bà tổ tiên. Tôi nghĩ về 2 chiếc quan tài bằng gỗ vợ chồng tôi chuẩn bị từ năm trước. Hy vọng nước lũ không làm hư hỏng nó, để khi vợ chồng tôi chết có chỗ nương thân”, bà Khiên nghẹn ngào nói.
Bà Khiên thất thần khi nhớ lại cảnh tượng đêm 18/10, khi nước lũ ngập đến tận mái nhà. Bà và chồng ướt lạnh, cứ ngỡ đã chết. |
2h rạng sáng 19/10, ông Dũng, con rể cả của ông bà, dùng thuyền nhỏ băng dòng lũ đến gỡ mái ngói giải cứu. Khi kéo được ông bà lên thuyền, cả hai lẩy bẩy, không nói được gì. Nếu chậm vài giờ nữa, rất có thể ông bà đã chết vì lạnh.
Được giải cứu, vợ chồng ông Chức về ở tạm nhà ông Dũng ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ.
Bà Khiên, ông Chức về lại căn nhà của mình sáng 22/10, khi nước lũ đã rút bớt. |
Chị Phúc, con dâu út của ông Chức kể khuya đêm đó, dù nhà liền vách nhưng không thể cứu được bố mẹ vì không có thuyền, nước lũ chảy khá mạnh, trời mưa lớn. Chị và con trai đăng thông tin cầu cứu trên mạng xã hội, gọi điện báo cho người thân biết. “May có anh rể được tin, dùng ghe đến cứu bố mẹ”, chị Phúc nhớ lại.
Chị Phúc không thể cứu được bố mẹ dù nhà ở liền vách. |
Mọi thứ tan hoang
Trên chiếc gác cũ kỹ, ông bà Chức nhóm bếp lửa đun nước, nấu gói mì ăn tạm. Củi được treo gần nóc nhà, không bị dính nước nên vẫn đun được. Mì tôm viện trợ được chị Phúc mang về.
Ông Chức và vợ ăn bát mì sau khi trở về nhà. Ông rất vui vì căn nhà vẫn còn, vợ chồng ông cũng bảo toàn được tính mạng. |
Rồi cả hai ngồi co cụm sưởi ấm. Thỉnh thoảng ông bà nhìn quanh căn nhà của mình. Mọi thứ tan hoang, hư hỏng và nhếch nhác.
Lũ lên nhanh, hai ông bà không kịp chạy đồ đạc khiến mọi thứ hư hỏng gần hết. |
Ánh sáng xuyên qua lỗ ngói, rọi vào căn nhà khiến những vật dụng trôi nổi, hư hỏng hiện rõ. Chiếc giường gỗ ông bà ngủ đã bị gãy. Bàn thờ tự tổ tiên cũng bị nước cuốn trôi.
2 chiếc quan tài gỗ bà Khiên nhắc đến bị trôi dạt sát vách tường.
Bếp gas là vật dụng có giá trị nhất trong căn nhà, đã hư hỏng. Chiếc bếp này được con cháu mua tặng, mong muốn thay đổi thói quen dùng bếp củi của ông bà, vừa bất tiện lại hay sinh khói bụi mù mịt.
Gian nhà sau ngập nước khiến phần mái ngói bị vênh. Các thanh cột, kèo... xiêu vẹo, rung lắc khi có gió mạnh. “Người còn là may mắn lắm rồi chú ạ. Không mong chi hơn đâu”, bà Khiên nói.
Hai chiếc quan tài của ông bà vì kẹt vào cột nhà nên không bị trôi mất. |
Sửa lại ngôi nhà xiêu vẹo
Sáng 23/10, nước lũ rút, xâm xấp nền nhà. Ông bà Chức bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc, gột rửa lớp bùn đất và lợp lại lỗ ngói thoát hiểm trước đó ít ngày.
Mỗi tháng ông bà nhận khoảng 600.000 tiền trợ cấp người cao tuổi. |
Vì không ở cùng con cháu nên mọi việc ông bà phải tự làm. Dù đã 85 tuổi nhưng ông bà vẫn khoẻ mạnh, đi lại linh hoạt, tự dọn dẹp và sửa chữa các vật dụng sau lũ.
Vợ chồng tôi sống được khi chui ra từ lỗ ngói này. Nay chữa lại để tránh dột mưa. Sắp tới nếu có lũ, tôi và bà Khiên cũng sẽ trèo lên đây vẫy người cứu”, ông Chức nói.
Căn nhà cũ kỹ, lại thêm hư hỏng do lũ. Nếu sửa lại chi phí có thể lên đến hơn 10 triệu đồng. |
Ánh mắt chợt vui của ông khiến chúng tôi nhận thấy sự ấm áp, yên tâm rằng người đàn ông tuổi bát tuần này đang ổn và vợ ông cũng thế.
Theo ông bà, mấy mươi năm sống ở thôn Đông Thành, chưa năm nào lũ lên nhanh, mực nước lại cao như vậy. Cả hai cũng chưa từng phải thoát thân từ mái ngói.
Ông Chức cố sửa lại phần mái ngói hỏng hóc. |
“Sau lũ, tôi mong các con, cháu về thăm. Có cơ hội tôi cũng thăm nhà chúng để biết còn gì, mất gì. Thật vui là vợ chồng tôi, và những người thân, họ hàng trong thôn không ai thiệt mạng”, bà Khiên tâm sự. Cũng thật may, căn nhà của vợ chồng ông Chức đã không bị nước lũ cuốn trôi.
Tuy thế, rất khó để trụ lại nếu có gió mạnh, vì phần mái hiện khá yếu, thỉnh thoảng rung lắc. Hay tin bão số 8 sắp ảnh hưởng các tỉnh miền Trung, đôi vợ chồng già có thêm nỗi lo mới.
Bữa ăn tối của 2 vợ chồng già diễn ra chóng vánh. Gió thỉnh thoảng lùa vào mái ngói khiến bà Khiên thất thần nhìn lên. Bà sợ ngói đổ, sập nhà.
Bà Khiên lo lắng vì căn nhà của bà thường rung lắc, sắp hư hỏng nặng. |
Căn nhà được cất từ năm 1975, có qua một vài lần sửa chữa. Vì đã lớn tuổi, lại thuộc diện hộ nghèo khó nhất thôn nên ông bà không thể tự khắc phục được nhà nếu không may hư hỏng.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng thôn Đông Thành, cho biết những ngày qua chính quyền địa phương chưa giúp được gì cho gia đình ông Chức.
“Sau lũ, chúng tôi sẽ tìm nguồn vận động giúp ông bà chữa nhà. Nếu may mắn có được nhà hảo tâm thương tình, vợ chồng ông sẽ bớt cực”, ông Khánh nói.