“Mất hết đồ rồi, chẳng còn chi nữa. Tôi chỉ có đúng một bộ áo quần trong người mang theo thôi chứ không có chi hết”, bà Huê mếu máo, run lên vì lạnh.
Lũ đến bất ngờ khiến bà Trần Thị Huê (55 tuổi, ngụ xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) và hàng trăm hộ dân không kịp trở tay. Nhiệt độ Quảng Bình những ngày này dao động 19-21 độ C, họ vừa lạnh, vừa đói.
Nhận suất cơm cùng chai nước vừa được nhóm thiện nguyện hỗ trợ, bà Huê xin thêm ít quần áo, chăn màn. Những món đồ này là thứ vô cùng cần thiết trong những ngày chống chọi với ngập lụt sắp tới.
Mẹ đói, con thiếu sữa
Khi nước lũ tại Lệ Thủy lên cao, căn nhà của bà Võ Thị Năm (45 tuổi, ngụ xã An Thủy) dần dần bị nuốt chửng. Còn lại diện tích vừa đủ để gia đình 5 người đặt một tấm ván sát mái nhà, họ sống khom lưng chờ nước rút. Em rể bị liệt tay chân, không thể di chuyển, nhà bà Năm không đi tránh lũ mà ráng bám trụ trong nhà.
“Nước giờ lên ngang cổ. Lúc nước lũ lên, mình không biết làm chi, chỉ biết đứng khóc thôi. Không chạy đi đâu được vì còn ông em”, bà nói.
Nhờ được chiếc thuyền của nhà hàng xóm, cứ 11h và 17h mỗi ngày, bà lại chèo 3 km thuyền ra UBND xã để xin cơm cứu trợ. Chiếc thuyền gỗ bé xíu của bà Năm như chiếc lá giữa dòng, có thể bị sóng đánh lật bất cứ lúc nào.
Biết là nguy hiểm nhưng nếu không đi, cả nhà bà sẽ chết đói. Hôm nào người phụ nữ về tay không, cả nhà tự hiểu rằng phải ăn mì tôm sống.
Nhiều hàng cứu trợ đổ về huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Suốt 4 ngày qua, ông Phạm Văn Hiệu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Thủy, chỉ mới tiếp đúng 2 đoàn hỗ trợ vào xã. 6-7 đoàn khác cũng liên hệ nhưng không thể đến do tàu chở hàng cứu trợ quá lớn. Lực bất tòng tâm, nghĩ đến hơn 3.000 hộ dân với gần 11.300 nhân khẩu đang thiếu cả đồ ăn lẫn nước uống, ông chỉ biết thở dài.
Ban cứu hộ, cứu nạn của xã có 41 người nhưng hầu hết đều mắc kẹt ở nhà do lũ ngập, không thể đến xã làm nhiệm vụ. Cả ban gồm 15-17 người thay phiên nhau cứu hộ cho cả nghìn hộ dân bằng một chiếc thuyền bé. Người dân kêu cứu liên tục, ông chạy không xuể. “Nhiều lần thuyền bị mắc vào cây, hút chết”, ông kể.
Ông Hiệu bảo thương tâm nhất là những sản phụ mới sinh con 11-12 ngày thì lũ dâng đến nóc nhà. Gửi con sang nhà hàng xóm, họ buộc đứa bé vào tấm ván nổi rồi đẩy dưới trời mưa.
Nhiều sản phụ đến mì tôm cũng không có để ăn nên con không có sữa bú. Nhiều khi, cả xóm nhỏ tĩnh lặng chỉ có tiếng sóng vỗ và tiếng con nít khóc đòi ăn.
“Đoàn cứu trợ thì nhiều nhưng họ đi tàu thuyền to, hỗ trợ cho những người ngoài đường. Thành ra họ không biết những người ở vùng sâu, vùng xa như xã An Thủy này”, vị cán bộ cho biết.
Điều khiến ông Hiệu trăn trở nhất là cơn bão sắp đổ bộ vào miền Trung. Ông bảo 4 ngày nay, người dân không chỉ bị cô lập về mặt địa giới mà cả về mặt thông tin. Không tivi, không điện thoại, không báo đài, bà con hầu như không ai biết miền Trung lại sắp đón bão.
“Cơn bão dự kiến vào ngày 24/10 mà bà con 100 người, chỉ có 1-2 người biết. Mong sao cơn bão vô đất liền là tan. Dân miền Trung đã khổ lắm rồi”, ông trăn trở.
Tự tìm phương tiện vận chuyển
Ba ngày nay, ngã ba Cam Liên - cửa ngõ huyện Lệ Thủy - đầy ắp người và xe. Từng thùng mì tôm, sữa, nước uống, nhu yếu phẩm và đủ loại hàng hóa khác chất đống bên đường. Đây là hàng cứu trợ do người dân cả nước gửi đến bà con địa phương. Thế nhưng, nhiều hàng hóa mắc kẹt vì không có tàu vận chuyển.
Dưới cơn mưa rả rích, chị Nguyễn Thị Loan (34 tuổi, ngụ TP Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) đứng cạnh đống hàng hóa chất đống, chưa thể chở vào trung tâm.
Người dân không có thuyền đi lại đang khó tiếp cận đồ cứu trợ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Khi nhiều nhà hảo tâm muốn quyên góp nhu yếu phẩm ủng hộ miền Trung ruột thịt, chị Loan đã tự nguyện đứng ra làm đầu mối tiếp nhận rồi chuyển đến rốn lũ. Chị cố nhận nhiều hàng hơn vì sợ bão sẽ khiến giao thông tê liệt. Nào ngờ, cửa ngõ huyện Lệ Thủy đã tê liệt mấy ngày nay.
Sống ở thị trấn Kiến Giang từ bé nên chị Loan tự tìm cách xoay xở. Sau vài tiếng, chị thuê được một con thuyền lớn để chở hàng vào trung tâm thị trấn. Sau đó, thuyền nhỏ từ các thôn, xã sẽ chủ động đến nhận hàng.
Xin chi viện
Đại tá Lê Văn Vĩ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, cho biết đơn vị đã huy động 8 xuồng đến huyện Lệ Thủy và 6 xuồng xuống huyện Quảng Ninh. Trong số này có 2 xuồng máy do tỉnh Quảng Trị chi viện. Các phương tiện này được dùng để chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con.
“Đến đây thấy bà con màn trời chiếu đất, rất thương tâm. Việc vận chuyển tuy khó khăn, gian khổ khi sóng nước lên nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận và hỗ trợ lương thực để bà con không bị thiếu đói”, đại tá Vĩ thông tin.
Hàng trăm người tập trung ở ngã ba Cam Liên để chuyển hàng cứu trợ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nói thêm về việc cứu trợ bà con, đại tá Vĩ cho biết quá trình cơ động phải sử dụng 2 thuyền. Ngoài thuyền có công suất lớn để vận chuyển tại nơi sóng to gió lớn phải bố trí thuyền nhỏ hơn đi cùng.
Khi không tiếp cận được nhà dân, lực lượng chức năng sẽ chuyển lương thực, thực phẩm sang thuyền nhỏ để tiếp cận với người dân. Trong quá trình di chuyển, hai thuyền phải thường xuyên đi với nhau để khi có sự cố thì hỗ trợ chi viện và cơ động giải cứu.
“Đi vào nhà dân, nếu không thông thuộc địa hình rất dễ mắc vật cản. Không cẩn thận có thể bị sự cố dọc đường”, ông Vĩ phân tích.
Việc phân bổ lực lượng và phương tiện gặp khó khăn do lũ diễn ra trên toàn địa bàn, thay vì một khu vực như trước đây. Tỉnh Quảng Trị đã chi viện cho Quảng Bình. Địa phương đã báo cáo tình hình hiện nay với Quân khu 4
“Hy vọng thời gian tới sẽ có sự chi viện để tham gia phòng chống thiên tai. Với lực lượng này mà cơn bão tới đi vào thì khó đáp ứng yêu cầu, nhu cầu phòng chống thiên tai”, ông chia sẻ.