Nhà văn Haruki Murakami. Ảnh: Murdo Macleod/The Guardian. |
Ở hiện tại, Haruki Murakami được xem là nhà văn nổi tiếng nhất Nhật Bản và là một trong những nhà văn lớn trên thế giới. Ít ai ngờ rằng bản thân Haruki Murakami khi đọc lại các tác phẩm của mình lại luôn cảm thấy “thất vọng và không hài lòng”.
Những cuốn sách yêu thích… hoặc không
Trong bài phỏng vấn với The New York Times, Murakami đã chia sẻ về nỗi khổ tâm của mình trong công việc viết lách. Sau hơn một phần tư thế kỷ gắn bó với nghề viết, ông đã để lại một số lượng lớn tác phẩm và hẳn đã có nhiều thay đổi lẫn tiến bộ trong việc viết lách. Vì vậy, mỗi khi đọc lại một tác phẩm đã xuất bản từ lâu, ông không tránh khỏi cảm thấy "không hài lòng".
“Tuy vậy, nếu không đọc lại tác phẩm cũ của mình thì tôi lại gặp phải một vấn đề khác đó là tôi không nhớ mình đã viết gì. Rồi khi có người phỏng vấn tôi những câu hỏi về những phần nào đó trong cuốn sách cũ, tôi sẽ bối rối và tự hỏi: “Mình đã viết cái này à”, ông nói.
Song, ông cũng cho rằng chính những cảm giác không tốt khi đọc lại tác phẩm cũ đã khiến ông muốn làm tốt hơn trong tác phẩm tiếp theo của mình. Cuốn sách mới nhất của ông vừa được cho ra mắt với tựa đề Novelist as a Vocation (tạm dịch: Viết như một ơn gọi”).
Cũng trong bài phỏng vấn này, nhà văn đến từ Nhật Bản đã có nhiều chia sẻ về những cuốn sách yêu thích của mình. Hiện ông đang đọc một cuốn sách có tựa đề The Brass Verdict của tác giả Michael Connelly và ông có vẻ tự hào khi chia sẻ về cuốn sách mà mình đã mua với giá 1 đôla Mỹ: “Tất nhiên giá tiền không phải là tất cả, nhưng làm gì có nhiều thể loại giải trí có thể mang lại cho bạn nhiều niềm chỉ với 1 đôla như thế thế này chứ?”
Một tác phẩm xuất sắc là tác phẩm chứa đựng một động lực bên trong nó. Một sức mạnh để đẩy người đọc về phía trước.
Haruki Murakami
Bên cạnh đó, ông cho biết cuốn sách yêu thích gần đây nhất của ông là cuốn The Last Tycoon của nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald. Ông cũng là người đã dịch tác phẩm này sang tiếng Nhật và được xuất bản vào đầu năm nay. “Khi đọc cuốn tiểu thuyết này, từng dòng một, tôi bị ấn tượng bởi bút pháp tuyệt vời của Fitzgerald. Một phẩm chất vững vàng và nó đã nói tất cả những gì cần phải nói”, ông nhận xét.
Một tác giả khác mà Haruki Murakami yêu thích là Kazuo Ishiguro, một cây bút “đầy cá tính” của văn học Nhật Bản với những tác phẩm như Tàn ngày để lại, Mãi đừng xa tôi, Người khổng lồ ngủ quên… Ông cho biết mình khá trông ngóng những tác phẩm mới từ nhà văn này.
Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, Murakami sẽ dành thời gian suy nghĩ về cuốn tiếp theo. Với ông, đó là "niềm vui khi được chọn điều sẽ xảy ra tiếp theo". Ảnh: Reuters. |
Khi được nhờ gợi ý một số sách cho những ai muốn hiểu về Nhật Bản ngày nay, Haruki Murakami cho rằng độc giả có thể quan tâm hơn đến các nhà văn nữ - đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ là những người khá tích cực trong việc viết lách và đang thu hút được một lượng độc giả lớn. “Cá nhân tôi thích tiểu thuyết Natsu Monogatari của Mieko Kawakami. Cô ấy có sự nhạy cảm như một nhà văn và là một người kể chuyện tận tâm sâu sắc”, ông chia sẻ.
Đọc sách, dịch thuật và viết lách
Với Haruki Murakami, viết một cuốn tiểu thuyết dài là một công việc cần nhiều thời gian cũng như sự nhẫn nại. Vì vậy khi được hỏi ông có phải kiêng đọc thể loại sách nào trong lúc viết để tránh làm nhiễu loạn công việc không, ông cho biết bản thân chưa hề nghĩ đến việc đó. Bởi khi viết trong thời gian dài, nó đồng nghĩa với việc ông sẽ phải chờ rất lâu để đọc một cuốn sách thú vị nào đó và điều này khiến ông cảm thấy “hơi khó chịu nếu tôi phải từ bỏ việc đọc những cuốn sách tôi muốn đọc”.
Trên thực tế, ông là một mọt sách chính hiệu từ khi còn nhỏ. Ông thích đọc sách hơn bất cứ thứ gì, thậm chí đến mức không còn hứng thú với việc học ở trường nữa. Thật may là gia đình ông có rất nhiều sách và đủ để ông thỏa sức đọc.
Vì thế, việc phải kiêng đọc sách cho công việc viết lách có vẻ là một ý tưởng mang lại nhiều đau khổ hơn là cảm hứng sáng tác cho ông. Ông nói: “Trong khi viết, tôi vẫn đọc tất cả thể loại như mọi khi. Mặc dù thỉnh thoảng chúng có thể cung cấp một số gợi ý nho nhỏ cho cách viết của tôi, nhưng tôi không bị chúng ảnh hưởng trực tiếp. Ít nhất là tôi nghĩ vậy”.
Không chỉ thế, ông cũng thường kết hợp hai công việc viết lách và dịch thuật lại với nhau để thay đổi tinh thần. Ông mô tả một cách hài hước rằng việc dịch thuật sử dụng một phần não khác với việc viết tiểu thuyết, vì vậy thay phiên làm hai việc có thể giúp phần não còn lại không bị hao mòn.